xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Điêu đứng vì mai dương

Tử Trực - Trần Thường - Đình Thi

Hàng loạt diện tích đất sản xuất, đất thuộc các khu bảo tồn, di tích đang bị cây mai dương xâm chiếm với tốc độ chóng mặt khiến ngành chức năng nhiều tỉnh tìm cách đối phó

Năm 2013, Báo Người Lao Động đã có loạt bài đánh động tình trạng cây mai dương xâm lấn nhiều nơi trong cả nước. Thời điểm đó, cây mai dương đã có mặt ở khắp ĐBSCL, Đông Nam Bộ và cả TP HCM. Kết quả điều tra sơ bộ của Chi cục Bảo vệ thực vật TP HCM lúc bấy giờ cho thấy cây mai dương có mặt trên địa bàn các quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân và các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh. Riêng ở 3 huyện Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ, cây mai dương đã lan ra khoảng 44 ha đất ở khu vực san lấp mặt bằng nhưng chưa xây dựng công trình, đất gò trống, trên các tuyến đường đã và đang thi công.

Phát triển chóng mặt

Giờ đây, các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung cũng đang lao đao vì thảm họa cây mai dương.

Tại tỉnh Quảng Nam, dù người dân và chính quyền địa phương liên tục tổ chức các đợt tiêu diệt nhưng cây mai dương vẫn mọc tràn lan khắp nơi. Đi dọc các con sông, ven bờ kênh hoặc những khu đất bỏ hoang, thậm chí ngay tại những con đường mới mở không khó để bắt gặp những vạt mai dương mọc um tùm.

Có mảnh đất sát bên tuyến đường ven biển nối huyện Duy Xuyên và TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), nhiều năm trước, ông Nguyễn Duy Hùng (ngụ thôn Sơn Viên, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên) trồng đậu phộng xen sắn, thu nhập kha khá. Hai năm trở lại đây, ông Hùng phải bỏ hoang mảnh đất này vì cây mai dương xâm lấn.

“Cây mai dương rất khó tiêu diệt. Dù xịt thuốc cho cây chết rồi nhổ cả rễ đem đốt mà không nhặt hết hạt thì năm sau nó lại mọc um tùm” - ông Hùng ngán ngẩm.

Cây mai dương xâm lấn vào tận vườn của dân ở thôn Sơn Viên, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Cây mai dương xâm lấn vào tận vườn của dân ở thôn Sơn Viên, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi, hiện trên địa bàn có khoảng 1.000 ha đất bị cây mai dương xâm chiếm. Nhiều cánh đồng, đất sản xuất phải bỏ hoang trước tốc độ phát triển chóng mặt của cây mai dương.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, năm 2014, toàn tỉnh Quảng Ngãi chỉ có khoảng 490 ha đất bị cây mai dương xâm chiếm nhưng đến cuối năm 2016, con số này đã tăng gấp đôi, với khoảng 1.000 ha và xuất hiện ở phần lớn các huyện trong tỉnh Quảng Ngãi. Những khu vực bị cây mai dương xâm chiếm chủ yếu thuộc đất ruộng, triền, đầm, bãi bồi, bờ kênh mương, đường nội đồng... Cánh đồng thôn Đạm Thủy Bắc, xã Đức Minh, huyện Mộ Đức dù khá nhỏ nhưng hơn một nửa diện tích phải bỏ hoang vì bị cây mai dương xâm chiếm. Năm nào người dân thôn Đạm Thủy Bắc cũng tổ chức những đợt chặt bỏ cây mai dương nhưng vẫn bất lực trước sức tấn công kinh khủng của nó.

Ông Nguyễn Chí Trung (ngụ thôn Đạm Thủy Bắc) cho biết hồi trước, cánh đồng của thôn không có cây mai dương. Cách đây vài năm, mai dương xuất hiện và mọc ngày càng nhiều. Bây giờ, cánh đồng này đã bị mai dương phủ khắp. Dân trong vùng dùng dao, rựa chặt bỏ rồi phơi khô đốt nhưng mai dương vẫn cứ mọc. Cây lương thực chưa lên đã thấy cây mai dương phủ khắp. Chặt không hết nên nhiều người đành bỏ luôn.

Nhiều người chán nản, bỏ ruộng vườn

Cũng tại tỉnh Quảng Ngãi, dân ở thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn trong nhiều năm qua phải bỏ hoang cánh đồng của thôn vì cây mai dương phát tán quá nhanh. “Hằng năm, dân trong thôn chúng tôi đều ra sức chặt bỏ, diệt trừ mai dương nhưng hiệu quả mang lại không lớn. Chặt chỗ này, mai dương mọc chỗ khác nên nhiều người chán nản, bỏ luôn ruộng vườn” - ông Trần Văn Đông, ngụ xã Bình Thuận, nói.

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cây mai dương cũng đang phát triển khắp nơi gây cằn cỗi đất đai, thiệt hại nặng nề mùa màng. Mai dương mọc thành vạt um tùm, trải dài theo bờ các sông rạch, đập thủy lợi, khu công nghiệp bỏ hoang, đất nông nghiệp hoặc những nơi đổ đất san lấp mặt bằng xây dựng nhà cửa... của tỉnh Lâm Đồng. Dọc sông Đa Nhim, trải dài qua các huyện Đơn Dương, Đức Trọng và sông Đồng Nai (qua địa phận các huyện Cát Tiên, Đạ Huoai, Đạ Tẻh), cây mai dương phát triển một cách dữ dội, người dân những vùng này đang hết sức khổ sở để chống chọi trước mức độ lây lan của mai dương.

Người dân tỉnh Lâm Đồng cho biết không còn nhớ cây mai dương xuất hiện từ bao giờ nhưng mọc và phát triển rất nhanh, khó diệt tận gốc. Nơi nào chúng xuất hiện là đất đai cằn cỗi dần, nhiều loại cây khác không phát triển được. Bà Trần Thị Hương (ngụ thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh) cho biết: “Cách đây không lâu, hàng xóm nhà tôi xây nhà, không biết đất và cát họ mua ở đâu nhưng sau khi chở về đổ ở đây chưa kịp xây nhà thì loại cây mai dương này mọc lên kín cả một vùng, giờ thì phát tán khắp nơi, đi đâu cũng thấy”.

Ông Trần Văn Trung (54 tuổi; ngụ thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) cho biết: “Cây mai dương dễ mọc và phát triển rất nhanh. Tôi đã quan sát mỗi ngày, loài cây này có thể phát triển thêm ít nhất là 5 cm. Do trước kia chưa biết đến tác hại của nó nên một số hộ dân ở vùng này còn đi hái hạt mai dương về trồng làm hàng rào. Kết quả là vô tình góp phần phát tán tràn lan không có cách nào diệt được tận gốc cây mai dương xâm hại này”.

Phát tán với tốc độ cấp số nhân

Cây mai dương (tên khoa học là Mimosa pigra, thuộc họ Mimosaceae) còn có một số tên gọi khác như mắt mèo, trinh nữ nâu, mắc cỡ Mỹ, trinh nữ thân gỗ, trinh nữ đầm lầy, trinh nữ nhọn… Nguồn gốc của loại cây này là từ Trung Mỹ, nhập vào miền Nam nước ta từ Indonesia trong những năm 70 của thế kỷ trước và hiện đã phát tán ở nhiều vùng sinh thái, hệ sinh thái trên phạm vi cả nước. Cây có thể cao tới 6 m, nhiều nhánh, thân và cành có nhiều gai nhọn. Trung bình, mỗi cây cho khoảng 10.000 hạt/năm. Hạt có sức sống rất cao, dễ nảy mầm khi gặp đất có độ ẩm. Chỉ mất khoảng 8-10 tháng tính từ lúc hạt nảy mầm đến khi cây ra hoa, đậu quả, kết hạt và quả chín.

Cây mai dương phát tán với tốc độ cấp số nhân bằng nhiều con đường như gió, côn trùng, chim, động vật và đặc biệt lây lan theo nguồn nước. Thống kê sơ bộ của ngành chức năng cho thấy cây mai dương đã xâm lấn trên 6.000 ha đất ở các tỉnh vùng ĐBSCL và trên 10.000 ha ở các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc.

Kỳ tới: Khó diệt tận gốc

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo