xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đỉnh lũ lịch sử tái diễn nhấn chìm miền Trung

Nhóm PV miền Trung

Tại nhiều vùng ở Quảng Ngãi và Bình Định, nước dâng cao chạm đỉnh lũ lịch sử năm 1998, 1999. Số người chết và mất tích do mưa lũ tiếp tục tăng

Thừa Thiên - Huế: Còn 30 xã bị ngập

Đến ngày 4-11, Thừa Thiên - Huế vẫn còn 30 xã của bốn huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền và Phú Vang bị ngập sâu. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiếp tục cấp gạo cứu trợ cho các huyện bị lũ lụt mỗi huyện 50 tấn gạo và 5 tấn mì tôm. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề nghị Trung ương hỗ trợ lương thực và 5 tỉ đồng để khôi phục, sửa chữa các công trình, cơ sở bị hư hỏng.

Ngày 4-11, Thừa Thiên -Huế có thêm một người tử vong là Hồ Thị Tâm (17 tuổi, ở làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang), bị trượt chân xuống nước trong lúc đi làm, nâng tổng số người bị chết lên 8 người trong đợt lũ này.

Đà Nẵng: Sạt lở bờ biển

Trong ngày 4-11, mực nước sông Hàn dâng cao trở lại, làm cho nhiều nhà dân tại các xã Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Liên... của huyện Hòa Vang bị ngập nhẹ. Tuyến đường ĐT 604 từ Túy Loan đi Đông Giang (Quảng Nam), đang khắc phục thì bị lũ cuốn trôi, gây khó khăn cho người dân. Cùng ngày, dù TP Đà Nẵng nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi nhưng có trên 40 tàu lén lút hoạt động, bị Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng ngăn chặn kịp thời.

Do mưa lũ, trong những ngày qua, khu vực sông Cu Đê (quận Liên Chiểu) bị sạt lở nghiêm trọng. 20 cơ sở nuôi tôm sú giống bị sóng cuốn ra biển. Đặc biệt, đoạn gần cửa biển thuộc phường Hòa Hiệp cũng bị sạt lở khoảng 400 m, uy hiếp tính mạng và tài sản của hàng chục hộ tại khu dân này.

Quảng Nam: Nhiều vùng bị chia cắt

Hai ngày qua, mưa lớn tiếp tục diễn ra trên diện rộng tại Quảng Nam, nước lũ trên các sông đã lên cao trở lại. Đến 16 giờ chiều 4-11, nước lũ trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa (Đại Lộc) đã trên báo động III. Do lũ lên đều tại sông Thu Bồn và sông Vu Gia nên nhiều khu dân cư tại các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, thị xã Hội An... bị chia cắt. Nước lũ trên sông Trường Giang cũng lên nhanh, cô lập vùng Đông Duy Xuyên và TP Tam Kỳ. Hơn 4.000 nhà dân đã bị ngập lũ trở lại. Mưa lũ làm cho các tuyến đường ĐT lên các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My và đường Hồ Chí Minh đoạn Azứt - P’rao bị sạt lở nhiều đoạn. Huyện Nam Trà My tiếp tục mất điện, hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn chưa được khắc phục.

Trong ngày 4-11, nhiều tuyến đường về vùng Đông Quảng Nam ngập sâu từ 0,5 m - 1 m, người và phương tiện xe máy, xe đạp... phải trung chuyển bằng ca nô.

Cuối ngày 4-11, vẫn còn 2 người bị lũ cuốn trôi chưa tìm thấy xác. Đó là bà Phạm Thị Tám (61 tuổi, ở xã Duy Trinh - Duy Xuyên), bị cuốn trôi sáng 2-11; cháu Hồ Thị Thảo (13 tháng tuổi, ở xã Trà Dơn - Nam Trà My) bị lũ cuốn trôi. Trong ngày, 3 người bị lũ cuốn trôi hôm 2-11 cũng đã tìm được xác. Như vậy, từ ngày 15-10 đến nay, tỉnh Quảng Nam có 20 người chết và mất tích do lũ.

Quảng Ngãi: Trên 50.000 nhà bị ngập, 2 người chết

Từ 1 giờ đến 7 giờ sáng 4-11, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có mưa rất to, lượng mưa đo được tại 11 trạm thủy văn ít nhất là huyện Tây Trà 124 mm, các huyện miền núi Ba Tơ 264 mm, Minh Long 266 mm, Sơn Giang (Sơn Hà) 260 mm, Trà Bồng 206 mm... Mưa lớn đã làm cho lũ ở các sông Trà Khúc, sông Vệ, sông Trà Bồng đều trên mức báo động III từ 0,48 m đến 1,18 m. Dự báo mực nước các sông còn tiếp tục dâng cao. Đây là trận lũ lớn nhất kể từ trận lũ lịch sử năm 1999.

Mưa lũ lớn đã làm sạt lở và gây tắc nghẽn tất cả các tuyến giao thông đi 6 huyện miền núi và hầu hết các xã ven các con sông lớn trên địa bàn tỉnh bị ngập sâu trong nước.

Toàn tỉnh có trên 50.000 ngôi nhà ở 67 xã, thị trấn bị ngập nước. Mưa lũ đã làm chia cắt tuyến tỉnh lộ Sơn Tịnh, Sơn Hà, Sơn Tây và tuyến Bình Sơn-Trà Bồng. Hệ thống thông tin ở hai huyện Tây Trà và Sơn Tây bị mất liên lạc hoàn toàn. Trong ngày, trên địa bàn tỉnh đã có 2 người chết.

img
Mực nước sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) ngày càng dâng cao (anh chụp trưa 4-11). Ảnh: TTXVN

Bình Định: Thêm 3 người chết, 1 mất tích

Mưa lớn đã làm cho mực nước các sông trong tỉnh dâng nhanh và dâng cao; trong đó mực nước sông Kôn tại Thạnh Hòa vượt mức báo động III. Mưa lớn cũng đã làm mực nước hồ Định Bình lên cao, lúc 10 giờ ngày 4-11 đạt cao trình 82,4 m, vượt qua tràn 1,5 m. Lũ đã dâng cao trên diện rộng và đỉnh lũ nhiều nơi tương đương đỉnh lũ năm 1998 và 1999, làm ngập nhiều khu dân cư của các huyện An Lão, Hoài Nhơn, Phù Cát, Tuy Phước và TP Quy Nhơn. Nhiều khu dân cư ở các huyện An Lão, Hoài Nhơn, Phù Cát, Tuy Phước... bị ngập lụt; hàng chục ngàn nhà dân bị ngập nước, trong đó 7.525 hộ dân phải sơ tán. Đợt mưa lũ này làm 3 người chết, 1 người mất tích ở các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Cát và Tuy Phước.

Phú Yên: 6 người chết và mất tích

Trong ba ngày qua, trên địa bàn toàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Do hồ Thủy điện Sông Hinh xả lũ với lưu lượng 2.000 m3/giây, nên lũ trên các sông lên nhanh, vượt báo động III, gây lụt lớn trên diện rộng. Hàng ngàn ngôi nhà ở các vùng ven sông, trũng, thấp bị ngập lụt, nhiều vùng ngập sâu từ 0,6 m trở lên. Nhiều địa phương chìm trong nước lũ, cô lập hoàn toàn về giao thông, liên lạc. Tám tỉnh lộ đã ngập, giao thông hoàn toàn tắc nghẽn.

Đến cuối giờ chiều qua, toàn tỉnh Phú Yên đã có 6 người chết và mất tích do lũ cuốn. Trong đó, chỉ riêng huyện Đông Hòa có 4 người chết.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo:

Không để dân đói

Chiều 4-11, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các bộ, ngành, địa phương yêu cầu chỉ đạo, tổ chức thực hiện ngay một số việc cấp bách nhằm chủ động đối phó, hạn chế thiệt hại do bão, lũ gây ra.

Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, TP ven biển từ Thừa Thiên - Huế đến Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh Tây Nguyên, nhất là các tỉnh đang bị lũ, lụt chủ động huy động lực lượng trên địa bàn theo phương châm 4 tại chỗ, sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định để phục vụ công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả lũ, bão, thiên tai. Tiếp tục tập trung chỉ đạo việc cứu hộ dân vùng bị lũ lụt, chia cắt, vùng ngập sâu, các vùng cửa sông, ven biển và sạt lở nguy hiểm; nắm chắc tình huống chỉ đạo quyết liệt, kiên quyết không để dân bị đói, dịch bệnh xảy ra; kịp thời nắm diễn biến bão, lũ để chủ động, sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn...

B.T.V

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo