xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đời công nhân quét rác: Niềm vui từ tiếng chổi tre

THU HỒNG – BẢO TRÂM

Nhiều công nhân vệ sinh vừa quét rác vừa học lên trung cấp, CĐ, thậm chí ĐH. Họ còn lo gieo mầm tương lai, cho con cái ăn học thành tài từ công việc vất vả đêm đêm của mình

Thấp thoáng trong dòng xe cộ tấp nập trên đường Nguyễn Văn Bứa,  huyện Hóc Môn - TPHCM, một thanh niên lom khom gom rác. Ít ai biết, khoác trên người bộ đồng phục công nhân vệ sinh ấy lại là một anh chàng đã tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế TPHCM năm 2003. Đó là Đặng Hữu Danh, làm công nhân Công ty Dịch vụ Công ích huyện Hóc Môn từ 5 tháng nay.

 
Quyết học thêm một bằng ĐH
 
Sáng nào cũng vậy, cứ 6 giờ là Danh phóng xe đến làm việc cho một công ty ở quận 1 - TPHCM với vai trò chuyên viên phòng kế hoạch. Chiều về, lùa vội chén cơm, anh lại đẩy xe đi thu gom rác hết tuyến đường Nguyễn Văn Bứa. Công việc từ 18 giờ 30 phút đến hơn 22 giờ đã mang đến cho anh một khoản thu nhập đủ chi phí ôn thi và chuẩn bị học thêm một bằng ĐH.
 
Thấy chúng tôi ngỡ ngàng, Danh cười: “Tôi không mặc cảm hay xấu hổ gì mà chỉ thấy rất tự hào và yêu thích công việc này. Ngày đầu đẩy xe rác đi, ba tôi đã can ngăn nhưng mẹ lại động viên”. Danh cho biết năm nay anh sẽ thi vào Trường ĐH Luật TP. “Tôi vẫn tiếp tục làm công nhân vệ sinh, dù đã lập gia đình hay có thêm bằng ĐH” – anh quả quyết.
 

img

Từ nghề quét rác, ông Phan Thế Kỷ cùng vợ ky cóp lo cho 2 con ăn học. Ảnh: Hồng - Trâm
 

Không suôn sẻ như anh Danh, học hết lớp 12, chị Nguyễn Thị Tuyết Loan phải nghỉ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Sau khi lập gia đình, chị cùng chồng vào làm công nhân Công ty Dịch vụ Công ích huyện Hóc Môn. Khi cuộc sống đã đỡ vất vả, chị được công ty khuyến khích học thêm. Sau 2 năm theo học Trường Trung cấp Văn thư – Lưu trữ Trung ương, chị sắp hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp.
  
“Với những gì đạt được, tôi biết ơn công việc quét rác dù đôi khi nó không được một số người coi trọng. Tôi học xong sẽ đến ông xã đi học và chắc chắn 2 con của chúng tôi cũng sẽ được ăn học thành tài bằng chính nghề quét rác này” - chị Loan thổ lộ.
 
Khó khăn mấy cũng cố
 

Còn sức, còn ráng lo

 
Nhắc đến cô con gái đang học lớp 10, chị Võ Thị Huệ, công nhân Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Công ích quận 1, không giấu vẻ ưu tư. Khi con gái lên 4 tuổi cũng là lúc vợ chồng chị chia tay. Một mình vừa làm mẹ vừa làm cha, chị còn phải chăm sóc mẹ già đau yếu quanh năm. “Sức khỏe con bé không được tốt nên tôi không dám ép học nhiều nhưng nó rất mê học và mơ sau này trở thành đầu bếp giỏi. Nghe nói học nghề đầu bếp tốn tiền lắm, không biết kham nổi không nhưng còn sức thì tôi sẽ ráng lo để con bé có nghề nghiệp ổn định” – chị tâm sự.

Chúng tôi tin chị Huệ sẽ thực hiện được điều đó bởi từng chứng kiến đêm đêm, mặc những cơn đau do di chứng những lần bị tông xe, chị vẫn cầm chổi ra đường miệt mài làm việc.

Với khoản thu nhập bấp bênh từ nghề thợ hồ, ông Phan Thế Kỷ nhiều đêm thức trắng vì lo cho tương lai của 2 đứa con. Năm 1999, ông quyết định chuyển sang làm công nhân vệ sinh cho Công ty Dịch vụ Công ích quận Tân Bình - TPHCM.
 
Một tuần quét rác 7 ngày, mỗi ngày từ 18 giờ đến 0 giờ, cộng thêm 2 ngày lau đường, khoản thu nhập ổn định khiến ông rất an tâm. Ban ngày, ông tìm cách làm thêm, khi thợ hồ, lúc thợ điện...
 
Cộng với thu nhập của vợ từ công việc gia công hộp bánh kem, cắt chỉ…, ông bà ky cóp cũng đủ nuôi 2 con ăn học đàng hoàng.
 
Em Phan Thị Ánh Nguyệt, con gái lớn của ông Kỷ, đã học năm thứ ba CĐ Tài chính - Ngân hàng Trường ĐH Hồng Bàng; còn cô út Phan Thị Ánh Dương đang học lớp 11 Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa và năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.
 
Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Kỷ trên đường Lê Lâm - quận Tân Phú không có gì quý giá ngoài chiếc máy vi tính cho 2 cô con gái học. “Nhà chật chội không sao, quan trọng là có đủ tiền nuôi 2 con tiếp tục học cao hơn, đó là ước nguyện của vợ chồng tôi” – ông Kỷ bộc bạch.
 
Đến giờ, bà Nguyễn Thị Bích Vân, công nhân Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Công ích quận 1, vẫn không thể quên ngày đi họp phụ huynh cho cậu con trai thứ hai.
 
Lần đó, tờ báo tường có hình ảnh công nhân quét rác của con bà đoạt giải ở trường. Cậu bé ngày ấy giờ đã là sinh viên năm thứ hai Trường ĐH Mở TPHCM. “Ngoài giờ học, cháu còn thường xuyên giúp đỡ tôi làm việc nhà, ban đêm lại đăng ký học thêm tiếng Anh và tiếng Hàn để chuẩn bị cho công việc sau này” – bà khoe.
 
img
Anh Đặng Hữu Danh quét rác ban đêm để kiếm tiền học thêm một bằng ĐH
 
Nhắc đến 3 cậu con trai, “tài sản lớn nhất của gia đình”, bà Vân không khỏi tiếc nuối khi kể về chuyện thi ĐH của người con đầu. Ngày nộp lệ phí thi đã cận kề nhưng bà không cách nào xoay xở được tiền cho con. Lại thêm bệnh gan của cha tái phát đúng thời điểm đó nên cậu nhất quyết không đi thi khi cảnh nhà đang khốn khó.
 
“Nó chọn học trung cấp để nhanh chóng có việc làm phụ giúp gia đình. Bây giờ, dù đã có việc làm ổn định ở một tiệm tranh tại quận Gò Vấp, nó vẫn nuôi ước mơ tiếp tục học liên thông lên CĐ rồi ĐH” - bà Vân cho biết.
 
Ngoài ra, người con trai út của bà cũng đang chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT và vào ĐH. “Các con chịu học là tôi mừng rồi, khó khăn thế nào cũng cố vượt qua” – bà quả quyết.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo