xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đua ghe đầu năm

VU GIA

Chập choạng tối, đứa cháu của tôi mang ra sân vài chục cái ống trúm, rủ tôi đi đặt ống trúm để sáng mai kiếm mấy con lươn nấu canh ăn chơi cho bớt ớn bánh tráng thị heo của ngày Tết. Tôi vui vẻ hưởng ứng, bởi tôi sinh ra và lớn lên từ gốc rạ. Tuổi thơ của tôi gắn với ruộng vườn. Nhìn mấy ống trúm, tôi tự cười một mình.

Cuộc sống người dân quê tôi đổi thay rất nhiều sau 30 năm giải phóng, nhưng cái ống trúm và cách đánh bắt vẫn như ngày nào. Ống trúm chuyên dùng để bắt lươn, được làm bằng tre, nhưng phải tre loại già, lóng dài, mỏng vỏ. Nếu những cây tre có vỏ dày thì phải chẻ bớt cho nhẹ. Dùng cưa cắt 2 lóng, một đầu trống, đầu kia lấy cả mắt. Đầu trống dùng để đặt cái hom. Chỗ đầu trống để đặt hom, người ta dùng dùi, dùi xuyên thủng qua hai bên của đầu ống để xâu một cái ghim tre dài khoảng 40cm. Tác dụng của cái ghim này là vừa để giữ hom cho chặt, vừa để cặm ống trúm xuống đất.

Giữa 2 lóng tre có vách ngăn, người ta phải đục thông. Phía đầu có mắt vốn đã có vách ngăn bịt kín nên người ta dùng dùi, dùi vài ba cái lỗ nhỏ cho lươn thở.

Ống trúm thường đặt ở dọc các bờ ruộng như ruộng rộc có nước sâu, ruộng sình lầy, ao, bàu...

Trước khi mang ống trúm đi đặt, người ta đào trùn (loại trùn khoang cổ), băm nhuyễn rồi trét vào miệng hom. Chừng 5-6 giờ chiều, người ta gánh ống trúm đi tìm chỗ đặt. Khi đặt thì chúc nghiêng miệng ống xuống sát đất, rồi dùng ghim cắm chặt ống trùm xuống đất, đít ống trúm để nổi lên khỏi mặt nước để lươn vào không bị chết ngạt.

Nhìn chung, đã sống xa quê nhà khá lâu, nhưng cách đặt ống trúm, tôi vẫn chưa quên. Khi chú cháu tôi trở về nhà thì trời đã tối. Nhà trong xóm đã bật điện sáng trưng chứ không phải những ngọn đèn tù mù như ngày xưa.

Gà gáy sáng, bác tôi đã dậy ngồi bên ấm chè nóng với điếu thuốc lá quấn trên môi. Và dường như bếp của mọi nhà đều đỏ lửa. Cháu cháu tôi ra ruộng dỡ ống trúm về. Cả nhà, kể cả những người qua đường cũng dừng lại xem chú cháu chúng tôi tháo ống trúm ra. Một đêm thu hoạch kha khá. Hơn chục con lươn và ươm đang ngọ nguậy trên mặt đất. Bác tôi biếu mấy người hàng xóm, mỗi người vài con đủ nấu vài tô canh trước cúng cơm ông bà, sau ăn cho lạ miệng trong ngày mồng hai Tết.

Với tôi, chúc tết cơ bản đã xong, tôi cùng với mấy đứa cháu và bà con trong xóm cùng đi xem đua ghe. Đua ghe là một trò vui, nhưng mang tính chất thể thao văn hóa. Lễ hội thường được tổ chức vào dịp Tết, hay các lễ hội, như lễ kỳ yên, tát bàu... của nhiều địa phương ở Quảng Nam, trong đó có Đại Cường.

Ở Đại Lộc và các vùng lân cận, các vạn chài ven sông Thu Bồn và Vu Gia đều có ghe đua, như: Phường Chào, Hà Vi, Hữu Trinh, Hội Khách... (ven sông Vu Gia), Quảng Đại, Mỹ Lược, Thu Bồn, Phường Rạnh, Đông An, Tí Sé, Trà Linh... (ven sông Thu Bồn), v.v... Thậm chí, nhiều gia đình khá giả ở trên bờ cũng sắm ghe đua để dành riêng cho việc đua tài không kém phần thích thú này.

Ghe đua ban đầu có lẽ là loại ghe đánh cá, chở hàng, nhưng qua một thời gian sinh sống và khi thi đua ghe đã trở thành lệ có tính chất định kỳ, thì việc làm một chiếc ghe đua đạt được những yêu cầu tối ưu đã được con người quan tâm đến với tất cả sự say mê.

Yêu cầu cơ bản của ghe đua là phải nhẹ và bền chắc. Vào thập niên 70, những người đóng ghe nói chung, ghe đua nói riêng, tận dụng các vỏ bom bằng nhôm hỗn hợp để làm đáy ghe thay cho nan tre hoặc ván. Phần lớn các vạn chài trên sông Thu Bồn khi đóng ghe thường đến cúng Bà Thu Bồn trước khi “vô đầu rìu”.

Về cơ bản, ghe đua có 3 loại: ghe ngang, ghe lỡ, ghe tiến. Mỗi ghe có 7 con lươn và nhiều đà ghe. Do cách phát âm của người dân Quảng Nam, chúng tôi không phân biệt được từ tiến trong ghe tiến có “g” hay không có “g”. Có người cho rằng “có g”, vì đó là những ghe nổi tiếng. Có người cho rằng “không có g”, vì tiến có nghĩa là “dâng cho người”, tiến cũng có nghĩa là “hiến dâng”. Nói chung, đó là những chiếc ghe “dâng cho bà” để bà phù hộ đoạt giải trong những cuộc đua. Và “bà” ở đây là Bà Thu Bồn.

- Ghe ngang dài dưới 27-28 thước mộc, số lượng người ngồi trên ghe từ 12 người đến 15 người.

- Ghe lỡ dài khoảng 28-35 thước mộc, số lượng người ngồi trên ghe từ 20 người đến 23 người.

- Ghe tiến (tiếng) dài khoảng 40-45 thước mộc, số lượng người ngồi trên ghe từ 40 người đến 45 người.

Ghe đua ngoài những con bơi (vận động viên), còn có người chèo đốc, người chèo xeo, sau cùng có người lái sọt chèo cạy phụ với chèo xeo. Mỗi đà ngang trên ghe có 2 vận động viên. Các vận động viên bơi dầm phách, phía trước mũi là phách nhứt, phách nhì. Nếu phách nhứt rớt thì phách nhì lên thay.

Địa điểm để tổ chức cuộc đua, người ta thường chọn những đoạn sông rộng, có nước chảy chậm vừa phải và êm, nhất là phải có địa thế tốt để nhân dân có thể đứng xem. Cự ly cắm tiêu đua ghe cho nam và nữ cũng có khác nhau. Thông thường cự ly cắm tiêu đua ghe dành cho nữ từ 1 km đến 1,5 km; nam thường trên 2 km. Mỗi lần đua phải có trên 5 ghe mới vui, do vậy, ban tổ chức thường mời nhiều địa phương khác đến tham gia. Tùy tính chất của giải mà ban tổ chức qui định giải thưởng, số lượng vòng đua, cự ly, vặn tiêu phải vặn hình số 8 hay vặn cạy... Và cuộc đua ghe năm này được tổ chức trên sông Thu Bồn, đối diện với đền thờ bà Thu Bồn – một địa điểm tham quan du lịch của Quảng Nam. Về nghi thức cuộc đua hiện nay cũng không khác mấy so với những gì tôi biết từ thuở thiếu thời.

Khi có hiệu lệnh của ban tổ chức, các ghe đều xuất phát cùng một lúc. Dọc đường đua có rất nhiều ghe nhỏ bơi theo hoặc đứng một chỗ hô hào động viên. Một số ghe đi theo bảo vệ sự an toàn của các con bơi (vận động viên). Hiện nay có khác xưa là hầu hết những ghe bảo vệ này là ghe có gắn máy, nhưng người điều khiển phải hạn chế làm gợn sóng, ảnh hưởng đến các ghe đua.

Những lúc vặn tiêu có nhiều ghe bị lật. Lúc ấy, các vận động viên phải tự xử lý, đưa ghe lên khỏi mặt nước, số người trên ghe ai làm việc nấy để sớm đưa ghe trở lại đường đua. Ai không còn bơi được thì bỏ cuộc. Người trên bờ cũng hòa theo tiếng xướng tiếng xô rộn rã.

Ghe đua hôm nay có nhiều cải tiến hơn ngày xưa, hình thức cũng đẹp hơn. Từ khi ghe rời bến, gọi là rời phổ để đến địa điểm thi tài cho đến lúc trở về phổ, lái chính lẫn lái phụ đều phải biết hát hò, các con bơi phải biết xô theo rập ràng, trống phách đệm theo ăn nhịp... tạo thành một sinh hoạt tưng bừng của ngày hội thu hút người xem.

Giai đoạn rời phổ và từ địa điểm dự thi trở về phổ, các lái chính và lái phụ thường hát theo nhịp điệu mái bơi, tức xướng xô với tốc độ chậm rãi, phù hợp với nhịp chèo lơi đều đặn để dưỡng sức trước khi đua, để nghỉ ngơi sau cuộc đua.

Văng vẳng bên tai tôi những giọng hò gần gũi:

- Phổ mình là phổ Ngọc Hà,

(Hố khoan)

Tai nghe cờ hiệu thỉnh,

(Hố khoan)

Anh em mình ra đi.

(Hố khoan là hồ khoan)

Ra đi gặp hội trường thi,

(Hố khoan)

Anh em mình gắng sức,

(Hố khoan)

Đừng lo chi chuyện nhà.

(Hố khoan là hồ khoan)

Hoặc:

Ra đi vọng vái cầu bà,

(Hố khoan)

Cho ăn giải nhứt,

(Hố khoan)

Về nhà làm heo.

(Hố khoan là hồ khoan)

...

Nào là:

Pháo ta nước chảy bao nài,

(Hố khoan)

Trống dồn, cớ phất,

(Hố khoan)

Ngựa mình tranh tiên.

(Hố khoan là hồ khoan)

Hoặc:

Pháo ba, phách nhứt, phách nhì,

(Hố khoan)

Đứng lên quyết thắng,

(Hố khoan)

Phen ni đôi vòng.

(Hố khoan là hồ khoan)

Hoặc:

Trà Linh nước chảy ầm ầm,

(Hố khoan)

Có bơi cho mấy,

(Hố khoan)

Cũng nằm giải tư.

(Hố khoan là hồ khoan)

vân vân...

Khi mới xuất phát, các con bơi đẩy nhịp chèo rập ràng. Khi đã gần đích, nhịp chèo nhanh hơn, tiết tấu và giai điệu khác hẳn. Và khi đuổi theo, cơ hồ sắp vượt ghe trước, giành được thắng lợi thì người lái liền đổi ngay điệu hát, bắt điệu “xốc xạ” và con bơi cũng đổi lời xô “hồ khoan” của điệu mái nhất thành lời xô “hố xạ”. Toàn bộ điệu “xốc xạ” có tốc độ nhanh gấp, dồn dập, tiết tấu dứt khoát, tạo nên âm điệu khỏe khoắn, hứng khởi. Đến lúc các tiêu đích không còn xa mấy, hò đua ghe lại chuyển qua giai đoạn cuối: tay dầm bơi nước rút, nhịp chèo cuốc mạnh xuống mặt nước nhanh và bấy giờ người thưởng lãm trên bờ chỉ còn nghe “hố khoan”, “hố xạ” không còn lời xướng lời ca như trước.

- Xướng: Khoan hồ khoan !

- Xô: Hồ khoan.

Xạ hố xạ !

- Hố xạ.

Đúc bánh xạ !

- Hố xạ.

Xạ cho kêu !

- Hố xạ.

Xạ cho đều !

- Hố xạ.

Khoan hố khoan !

- Hố khoan... hê.

*

* *

Quân tử đa đoan,

- A, hố khoan.

Vợ chồng là nghĩa,

- Í a... hố khoan.

Đá vàng trăm năm,

- Í a... hố khoan.

*

* *

Xạ hố xạ !

- Hố xạ.

Phách nhứt xạ !

- Hố xạ.

Phách nhì xạ !

- Hố xạ.

Phách ba xạ !

- Hố xạ.

Nghiêng mình ra !

- Hố xạ.

Xếp cánh lại !

- Hố xạ.

Đào sâu xuống !

- Hố xạ.

Lái mũi xạ !

- Hố xạ.

Xạ hố xạ !

- Hố xạ !

- Hố khoan !

- Hố xạ !...

Nhiều người trên bờ, kể cả tôi cũng “hố xạ” theo nhịp bơi của các con bơi lúc nào không hay, tạo nên không khí hứng khởi cuộc đua. Chú ý ghi nhớ những lời tiếng tiếng xô, tôi như đắm chìm vào cuộc vui:

Xạ hố xạ !

- Hố xạ !

Xạ hố xạ !

- Hố hố !

Ngó lên trên rẫy khoai (mà) lang !

- Hố hố !

Y a ý a !

- Hố xạ !

Chẻ tre (mà) đan rổ !

- Hố xạ !

Cho nàng xắt khoai !

- Hố xạ !

Khoan hò khoan !

- Khoan cho khỏe !

Khỏe đôi tay !

- Đôi tay bắt mái !

Hồ khoan !

- Khoan hồ khoan !

vân vân...

Xin chào. Hẹn các bạn vào ngày mai, mồng ba Tết.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo