xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dừng dự án thép Cà Ná

Thế Dũng

Thủ tướng Chính phủ chính thức yêu cầu dừng dự án luyện thép Cà Ná vì khâu chuẩn bị vội vàng và gây nhiều lo ngại về môi trường, nhất là sau sự cố Formosa.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc dừng dự án luyện thép Cà Ná tại tỉnh Ninh Thuận do Tập đoàn Hoa Sen đăng ký làm chủ đầu tư.

Vội vàng, nhiều bất cập

Kết luận được Thủ tướng đưa ra sau cuộc họp của Thường trực Chính phủ hồi tháng 3-2017 với sự tham dự của các phó thủ tướng và lãnh đạo các bộ cùng UBND tỉnh Ninh Thuận.

Theo đó, Thủ tướng cho rằng dự án mới dừng lại ở mức đánh giá sơ bộ; công tác chuẩn bị còn vội vàng; thông tin về dự án còn bất cập, chưa đầy đủ, toàn diện. Do đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan tạm dừng đề xuất dự án này để làm rõ một số vấn đề.

Thứ nhất, tính toán kỹ nhu cầu thị trường thép trong nước và thế giới, trên cơ sở đó rà soát quy hoạch các nhà máy thép, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thị trường để xác định quy mô, công suất và thời điểm hợp lý mới phát triển dự án. Thứ hai, đánh giá kỹ vấn đề môi trường, công nghệ và thiết bị của dự án, nhất là nghiên cứu đánh giá tác động môi trường bảo đảm dự án an toàn, không xảy ra sự cố như Formosa. Thứ ba, xác định tổng mức vốn đầu tư tổng thể, trong đó có tính đến cả cảng biển nước sâu, đường sắt, đường bộ. Đồng thời, phải xác định rõ nguồn nguyên liệu cho dự án.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ lưu ý đây là dự án luyện thép được đề xuất sau sự cố nhà máy thép Formosa nên “rất nhạy cảm”. “Vì vậy, bước nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư cần làm kỹ các nội dung như trên ở mức nghiên cứu khả thi dự án. Chỉ khi nghiên cứu kỹ, làm rõ các vấn đề trên, tỉnh Ninh Thuận phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện các bước chuẩn bị, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định” - Thủ tướng chỉ đạo.

Kết luận của Thủ tướng cũng nhìn nhận Ninh Thuận là tỉnh còn nhiều khó khăn, đặc biệt việc dừng nhà máy điện hạt nhân đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên việc thu hút các nhà đầu tư khác để phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là hết sức cần thiết. Mọi nhà đầu tư đến Ninh Thuận đều được hoan nghênh. Tuy nhiên, để Ninh Thuận phát triển, không chỉ đầu tư nhà máy thép, nhà máy điện hạt nhân mà còn rất nhiều lợi thế khác như: năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời, du lịch, nông nghiệp hữu cơ... sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Biển Cà Ná được tỉnh Ninh Thuận chấp thuận cho Tập đoàn Hoa Sen đầu tư dự án Cảng biển tổng hợp Cà NáẢnh: Lê Trường
Biển Cà Ná được tỉnh Ninh Thuận chấp thuận cho Tập đoàn Hoa Sen đầu tư dự án Cảng biển tổng hợp Cà NáẢnh: Lê Trường

Bộ Công Thương ưu ái?

Đầu năm 2016, dự án luyện thép Cà Ná được Tỉnh ủy Ninh Thuận thông qua về chủ trương đầu tư, dù chưa có bất cứ văn bản chính thức nào trình các bộ, ngành liên quan về quy mô, công suất, chủng loại hàng sản xuất, đánh giá tác động môi trường…

Sau đó, Bộ Công Thương đã đưa 5 giai đoạn của dự án này (2015-2035) với tổng công suất thiết kế lên đến 32 triệu tấn gang, sắt xốp và phôi vuông vào dự thảo Quy hoạch phát triển ngành thép đến 2025, tầm nhìn năm 2035. Sau nhiều lần nhắc tên Tập đoàn Hoa Sen trong dự thảo quy hoạch thì trong dự thảo quy hoạch điều chỉnh gần nhất vào cuối năm 2016, Bộ Công Thương tiếp tục đưa dự án vào quy hoạch nhưng không nêu tên tập đoàn này trong vai trò chủ đầu tư. Có điều, các dự thảo quy hoạch này đã bị Bộ Công Thương “xóa đi làm lại” bằng cách thuê doanh nghiệp tư vấn nước ngoài xây dựng Quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.

Về phía tỉnh Ninh Thuận, địa phương cam kết cho Hoa Sen miễn 70 năm tiền thuê đất, thuê mặt nước cùng các ưu đãi liên quan đến dự án thép khổng lồ này.

Đáng chú ý, tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội diễn ra ngày 15-11-2016, trả lời chất vấn của nhiều đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đưa ra các phân tích về sự cần thiết phải có một nhà máy cán thép. Cụ thể, trữ lượng quặng sắt của Việt Nam là 1,5 tỉ tấn nhưng hằng năm phải nhập khẩu khoảng 3 tỉ USD các sản phẩm sắt thép. Con số này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 15 tỉ USD vào năm 2020. Hiện sản xuất trong nước mới có thể đáp ứng được sắt thép xây dựng cũng như sản phẩm sắt thép chuyên ngành, còn về sắt thép cơ bản mới chỉ bảo đảm được thép thô cho cán thép và sản phẩm đầu ra là sắt các loại thì hầu như chưa có. Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, một số thương hiệu của Việt Nam như Tập đoàn Hòa Phát, Tổng Công ty Thép có sản xuất thép nhưng quy mô còn nhỏ. Trong khi đó, mỏ sắt Thạch Khê quy mô lớn, nếu có khả năng sản xuất thép thô, cán thép... thì có thể đóng góp vào tăng trưởng hằng năm 0,3%-0,4% GDP.

Với riêng dự án thép Cà Ná, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định không đánh đổi môi trường để lấy dự án bằng mọi giá và không có lợi ích nhóm. Theo bộ trưởng, dự án thép Cà Ná đã được phê duyệt từ lâu và nằm trong quy hoạch thép trước đây nhưng chủ đầu tư cũ không bảo đảm tài chính nên đã bị loại ra khỏi quy hoạch. Đến cuối năm 2015, Tập đoàn Hoa Sen đã xin chủ trương đầu tư, Bộ Công Thương căn cứ yêu cầu phát triển và dựa trên các vấn đề thực tế để xem xét dự án. Người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết trong quá trình xây dựng các dự án thép, không chỉ dự án thép Cà Ná mà còn có dự án thép Dung Quất cũng như các dự án thép trong quy hoạch sẽ phải bảo đảm đầy đủ các quy định pháp luật, đặc biệt là dựa trên nguyên tắc bảo vệ môi trường và bài học đã rút ra từ vụ Formosa.

Giới chuyên gia hoan nghênh

Dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận do Tập đoàn Hoa Sen đầu tư có công suất 16 triệu tấn/năm, vốn đầu tư dự kiến hơn 10 tỉ USD (khoảng 230.000 tỉ đồng).

Theo kế hoạch,Tập đoàn Hoa Sen triển khai dự án theo 5 giai đoạn trong thời gian từ năm 2017-2031, chia làm nhiều phân kỳ. Khi hoàn thành, dự án có thể tạo công ăn việc làm cho khoảng 45.000 lao động. Trong đó, phân kỳ 1 thuộc giai đoạn I của dự án được thực hiện trong năm 2017-2018, dự kiến sử dụng 240 ha đất, công suất 1,5 triệu tấn/năm và sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm 2019. Nếu dự án được triển khai, Việt Nam sẽ trở thành công xưởng sản xuất thép của khu vực với hàng loạt công trình lớn do doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư.

Giới chuyên gia hoan nghênh việc Thủ tướng cho dừng dự án này bởi lẽ khi đi vào triển khai, không những gây thừa thép mà quan trọng hơn là sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường; đồng thời, ngốn một lượng nước, điện năng không nhỏ, có nguy cơ phá vỡ quy hoạch ngành điện.

Tập đoàn Hoa Sen còn cảng biển, KCN

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào tối 15-4, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết dự án thép Cà Ná được Tập đoàn Hoa Sen đầu tư thuộc quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo dừng thì tỉnh phải tuân thủ. “Tuy nhiên, dự án thép chỉ là một trong những dự án thành phần của KCN Cà Ná nên tỉnh vẫn tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng KCN này” - ông Vĩnh nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, hiện tỉnh Ninh Thuận đã chấp thuận chủ trương cho Tập đoàn Hoa Sen đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Cà Ná. Theo đó, tổng diện tích đất dành cho KCN này là 827 ha, chủ yếu thu hút các ngành công nghiệp nặng, chế biến… Do quy mô lớn của dự án nên hiện tỉnh Ninh Thuận đã có hồ sơ gửi các bộ, ngành thẩm định và trình Chính phủ cho ý kiến.

Ngoài ra, Tập đoàn Hoa Sen cũng đã có hồ sơ đầu tư dự án cảng biển tổng hợp Cà Ná gần KCN Cà Ná với số vốn dự kiến trên 10.600 tỉ đồng và cũng được tỉnh Ninh Thuận chấp thuận chủ trương. Tổng diện tích xây dựng cảng hơn 420 ha (gồm mặt đất gần 180 ha, còn lại là mặt nước) với quy mô bến chuyên dùng có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 300.000 DWT, bến tổng hợp cho tàu trọng tải từ 30.000-50.000 DWT; lượng hàng chuyên dụng qua cảng trên 53 triệu tấn/năm và lượng hàng tổng hợp qua cảng là 1,5-3,2 triệu tấn/năm.

L.Trường

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo