xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dựng gia phả, giải tỏa khúc mắc lịch sử (*): Sau 200 năm hoang phế

Bài và ảnh: Diệp Hồng Phương

Họ tộc Lê Văn với bi kịch ly tán, con cháu không nhận ra nhau do thay tên, đổi họ và nỗi ám ảnh “lệnh tru di” gần 200 năm trước

Sau năm 2000, sự chia lìa họ tộc dần khép lại, các chi họ Lê Văn ở Quảng Ngãi, Huế, Hà Nội, Hải Dương, Tây Ninh, TP HCM, Tiền Giang… đã tìm đến nhau, nhận bà con, cùng tra cứu gia phả gốc ở làng Bồ Đề, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Gia phả họ tộc được tiếp tục bổ sung các đời sau và điều kỳ diệu đã xảy ra là tìm được ngôi mộ Tả dinh Lê Văn Phong sau 200 năm rơi vào hoang phế, mất dấu tích.

Từ những chi tiết mơ hồ

Hơn 150 năm sau cuộc binh biến Lê Văn Khôi, lăng mộ Đại thần Lê Văn Phong hoang phế, hư hại. Người đời sau có tìm kiếm và ghi lại vài chi tiết nhưng rất mơ hồ về vị trí ngôi mộ.

Sách Gia Định Xưa - của Huỳnh Minh, xuất bản trước năm 1975 - viết: “Lăng Tả dinh Lê Văn Phong, em ruột Tả quân Lê Văn Duyệt, tọa lạc tại phía hữu đại lộ Cách Mạng, trong phạm vi xã Tân Sơn Hòa. Tương truyền lăng do Lê Tả quân đứng trông nom xây cất nên kiên cố và hùng vĩ”.

 

Bia Đại thần Lê Văn Phong ghi: “Nguyễn triều Tả dinh Thần sách quân Đô thống chế, Lãnh binh Bắc thành phó Tổng trấn Cao Tổ khảo Lê Văn Phong chi mộ”
Bia Đại thần Lê Văn Phong ghi: “Nguyễn triều Tả dinh Thần sách quân Đô thống chế, Lãnh binh Bắc thành phó Tổng trấn Cao Tổ khảo Lê Văn Phong chi mộ”

Học giả Vương Hồng Sển trong sách Sài Gòn năm xưa (trang 190, NXB TP HCM, 1997) ghi lại các chi tiết xa xưa, nay chưa rõ: “Lê Văn Phong, sinh tiền “ông Tả dinh”, là em của Lê Tả quân. Mất trước Tả quân, nên mộ phần kiên cố hùng vĩ bởi do Tả quân đứng trông nom xây cất. Chúng tôi mới tìm được trước ở trong hoa viên nhà ông quản lý Đông Pháp Ngân hàng, sau vì đổi chủ nên mất tích. Bây giờ lọt vào đất quân sự, muốn vào phải xin phép. Trước ở về phía hữu đường Mac Ma Hông kéo dài. Nay ở về phía hữu đường Ngô Đình Khôi, khuất trong xa, phải cố tìm mới ra mối”.

Căn cứ 2 nguồn tư liệu trên, những người làm gia phả họ tộc Lê Văn đã cất công tìm kiếm dấu tích lăng mộ của Tả dinh Đô thống chế Lê Văn Phong “bên hữu đại lộ Cách Mạng” - tức đường Nguyễn Văn Trỗi ngày nay, xưa có tên là Mac Mahon (thời Pháp thuộc) hay đường Ngô Đình Khôi (thời họ Ngô). Với chi tiết “lọt vào khu đất quân sự”, chúng tôi hiểu là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, trước năm 1975 là Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Việt Nam Cộng hòa, nay là Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Vị trí có thể ở đó nhưng ngôi mộ Tả dinh Lê Văn Phong có còn không?

Trong ngày giỗ kỵ Tả quân Lê Văn Duyệt tại Thượng Công Linh miếu vào mùng 1 tháng 8 năm Canh Dần (2010), chúng tôi đã gặp anh Đỗ Thủ Khoa (Việt kiều Mỹ), nguyên sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa. Khoa cho biết trong thời gian dự một khóa học tại cổng 3 Bộ Tổng Tham mưu trước đây, anh đã chứng kiến việc bốc mộ Tả dinh Đô thống chế Lê Văn Phong.

Theo thông tin từ anh Khoa, lăng mộ đã hư hại nhiều, nằm cạnh văn phòng tướng Đặng Văn Quang. Do sân chào cờ và nơi đáp máy bay trực thăng cần mở rộng nên phải phá khu lăng. Lúc bốc mộ, cơ giới trục lên một cỗ quan tài cao lớn với nắp tròn như mâm xôi, 2 đầu dưới nhỏ, đoạn giữa có minh tinh gọi là “Tam gia triều nhũ” còn mới, dù đã chôn hàng trăm năm. Ngoài di hài với trang phục triều đình, còn những di vật chôn theo như mão, áo, bao đai thắt lưng, đôi hia quan võ của Tả dinh Lê Văn Phong. Những di vật đó đã được đưa về Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Sài Gòn năm 1961.

Nhưng di cốt Tả dinh Đô thống chế Lê văn Phong được cải táng về đâu?

Cải táng về Củ Chi

Tháng 4-2011, Ban Quý tế Lăng Tả quân đã tìm ra ngôi mộ cải táng của Tả dinh Lê Văn Phong trong một bãi đất hoang phía sau khu mộ Hoài Quốc Công Võ Tánh, thuộc đất quân sự ở cổng 2 Doanh trại Quân đội, số 17 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP HCM. Hóa ra, lính Việt Nam Cộng hòa đã cải táng ông ở đây - năm 1961 còn là mảnh đất hoang. Do không có con cháu xung quanh nên không ai chăm sóc, vách mộ nứt nẻ, rác và cỏ mọc đầy.

Lăng mộ Việt Nam Đại thần Lê Văn Phong tại ấpTháp, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP HCM
Lăng mộ Việt Nam Đại thần Lê Văn Phong tại ấpTháp, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP HCM

 

Bia dưới chân mộ ghi:

Việt Nam Đại thần Lê Văn Phong chi mộ

Cải táng ngày 27-10 Tân Sửu (tức 4-12-1961)

Chữ Việt khắc trên đá hoa cương xám ở bình phong hậu đầu ghi:

Từ trần tháng 9 năm Giáp Thân 1824 Minh Mạng thứ 5.

Linh vị, tiểu sử thờ tại Hưng Quốc Tự.

Những người làm gia phả họ Lê Văn và Ban Quý tế Lăng Tả quân đã bàn với đại diện họ tộc Lê Văn ở ấp Tháp, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP HCM đưa di cốt Tả dinh Lê Văn Phong về đó. Bởi lẽ, ông tổ của chi họ Lê Văn ở xã Thái Mỹ là ông Lê Văn Dược, con của Tả dinh Lê Văn Phong. Các hậu duệ họ Lê Văn ở xã Thái Mỹ vô cùng xúc động khi về thắp nhang trước ngôi mộ tổ tiên hoang phế “thất lạc” gần 200 năm. Hậu duệ họ tộc Lê Văn xã Thái Mỹ còn có ông Lê Tấn An, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Tây Ninh; ông Lê Minh Thành, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tây Ninh; bà Lê Thị Bân, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh...

Một năm sau ngày tìm ra ngôi mộ Lê Văn Phong, nhân tiết thanh minh năm Nhâm Thìn (2012), chi họ Lê Văn tại Thái Mỹ đã làm lễ rước di cốt Tả dinh Lê Văn Phong về xã này xây lăng mộ Đại thần, ngày đêm hương khói. Lễ rước di cốt Tả dinh có đông đảo con cháu họ Lê Văn từ Huế, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang và nhiều nơi ở TP HCM tìm về.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo