xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đường mẫu nhếch nhác, xe dù khó trị

Bài và ảnh: GIA MINH

Chỉ 4/159 tuyến đường giải quyết tình trạng lấn chiếm mà các quận - huyện cam kết từ cách đây 4 năm đạt tỉ lệ 100%. Tuy nhiên, thực tế lại không như báo cáo * Sẽ sớm công bố các điểm đón, trả khách ngoài trung tâm TP

Ngày 26-2, UBND TP HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết năm 2015 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2016 về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP.

Đường mẫu… nằm trong báo cáo

Tính đến tháng 10-2015, có 22/24 quận - huyện trên địa bàn TP HCM đánh giá kết quả của 149/159 tuyến đường đã ký cam kết với UBND TP về giải quyết tình trạng buôn bán, trông giữ phương tiện lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè. Riêng quận 8 và Bình Tân chưa có đánh giá cụ thể về những tuyến đường đã ký cam kết. Có 4 tuyến đường được đánh giá đạt tiêu chí đường mẫu với tỉ lệ 100%; 10 tuyến đường đạt từ 95% trở lên nhưng qua ghi nhận, thực tế không phải vậy.

Theo báo cáo, đường Nguyễn Kiệm (Gò Vấp) đã hết nạn lấn chiếm vỉa hè nhưng ghi nhận thực tế của phóng viên vào chiều 26-2 cho thấy hoàn toàn ngược lại
Theo báo cáo, đường Nguyễn Kiệm (Gò Vấp) đã hết nạn lấn chiếm vỉa hè nhưng ghi nhận thực tế của phóng viên vào chiều 26-2 cho thấy hoàn toàn ngược lại

Đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) được đánh giá chuyển biến tốt hơn thời điểm trước khi đăng ký với tỉ lệ 100%. Tuy nhiên, qua ghi nhận của phóng viên vào chiều 26-2, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè trên tuyến này vẫn diễn ra và không khác nhiều so với những năm trước. Đoạn vỉa hè từ giao lộ Nguyễn Kiệm - Nguyễn Văn Công kéo dài đến gần vòng xoay Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, đậu xe, buôn bán hàng rong. Có những đoạn, xe được xếp kín trên vỉa hè khiến người đi bộ phải xuống dưới lòng đường. Một số cửa hàng kinh doanh buôn bán kê đồ trên vỉa hè, khi khách hàng đến phải đậu xe tạm dưới lòng đường để mua. Đoạn gần khu vực đối diện Bệnh viện 175, một cửa hàng sửa xe máy còn cho xe dựng dưới lòng đường để sửa chữa...

Trên các tuyến đường được đánh giá đạt trên 95% “kiểu mẫu” như Kha Vạn Cân, Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức), Khánh Hội (quận 4), Lương Định Của (quận 2)…, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Hai tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa (chạy dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) kéo dài từ quận 1 đến quận Tân Bình từ lâu được biết với tên gọi “bờ kè” của dân nhậu, tình trạng bị lấn chiếm hiện còn nhiều hơn những năm trước.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP HCM, cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số quận - huyện triển khai việc giải quyết trật tự lòng lề đường, vỉa hè như “bắt cóc bỏ dĩa”. Chính quyền một số địa phương triển khai ra quân rầm rộ, có được một số kết quả trước mắt nhưng sau đó, việc lấn chiếm lại tái diễn. Kế đến là công tác tuyên truyền chưa được thực hiện thường xuyên và đúng đối tượng. Ở khu vực giáp ranh, các địa phương chưa có sự phối hợp đồng bộ cũng như việc kiểm tra, xử lý vi phạm không được thường xuyên. Đồng thời, tình trạng ô tô, xe du lịch lữ hành, nhất là taxi, dừng, đỗ trên các tuyến đường gây ảnh hưởng lớn đến trật tự an toàn giao thông.

Xe dù lấp liếm

Cùng ngày, Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã tổ chức buổi đối thoại với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách trên địa bàn.

Tại buổi đối thoại, ông Lê Văn Huệ, Giám đốc Công ty Hoa Mai (trụ sở trên đường Nguyễn Thái Bình, quận 1), cho biết đơn vị này kinh doanh 3 loại hình vận tải hành khách, gồm: hợp đồng, du lịch và tuyến cố định. DN này có tuyến cố định từ Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) đến Vũng Tàu, mỗi ngày có khoảng 65 chuyến xe.

Trên các chuyến xe này, mỗi ngày có 50-60 người xin xuống tại khu vực quận 1 nhưng không có địa điểm trả khách nên xe phải vào đường Nguyễn Thái Bình. Theo ông Huệ, do lâu nay hành khách đã quá quen với điểm đón - trả khách trên đường Nguyễn Thái Bình nên nếu giờ bị cấm, phải chuyển vào bến xe thì sẽ không có người đi (!?).

Theo đại diện nhà xe Toàn Thắng, tuyến cố định của đơn vị này gồm 40 xe ở Bến xe Miền Đông và 40 xe ở Bến xe Miền Tây đi Vũng Tàu. Tuy nhiên, tính trung bình, mỗi ngày tại Bến xe Miền Đông, DN này chỉ bán được khoảng 100 vé, Bến xe Miền Tây khoảng 40 vé. Nguyên nhân là do lượng khách ở TP HCM không chịu vào bến xe mua vé vì đường xa, bất tiện. Do đó, đơn vị này đề nghị cơ quan chức năng sắp xếp 1 điểm đón - trả khách trên đường Mai Chí Thọ hoặc Võ Văn Kiệt để thuận lợi cho nhà xe và hành khách.

Ông Tạ Xuân Chính, Phó Giám đốc Công ty CP vận tải Sài Gòn, cho rằng không thể phủ nhận việc xe của các DN vận tải chạy vào trung tâm TP HCM đón khách sẽ tạo thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, việc này lại làm mất trật tự an toàn giao thông, gây phiền phức cho những người khác. “Xe chạy tuyến cố định thì phải vào hoạt động trong bến. Nếu nhà xe than khó vì hành khách không muốn vào bến thì có rất nhiều loại hình xe trung chuyển như taxi, xe buýt… Chỉ cần tổ chức tốt thì sẽ tạo thói quen cho hành khách trong việc đi lại vào các bến xe” - ông Chính phân tích.

Trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết sở đã nghiên cứu, rà soát và sẽ sớm công bố các điểm đón, trả khách bên ngoài trung tâm TP. Tuy nhiên, ông Minh cũng băn khoăn về chuyện lập trạm trên đường Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt có thể ảnh hưởng đến việc giao cắt với tuyến xe buýt BRT. Đồng thời, việc mở thêm bãi đón - trả khách đối với xe du lịch, hợp đồng trong trung tâm TP sẽ có nguy cơ hình thành bến “cóc”.

Không muốn chứ không khó!

Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và Du lịch TP HCM, tình trạng xe hợp đồng chạy tuyến cố định ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, các văn bản quy định của pháp luật đã rất rõ ràng nên không khó lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt.

Đồng tình với quan điểm này, ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, kiến nghị: “Xe chạy hợp đồng mà cả năm đón, trả khách ở cùng 1 điểm là vô lý. Do đó, tôi đề nghị nên đưa vào nghị định việc quy định các xe chạy hợp đồng không được đón, trả khách tại văn phòng, điểm bán vé và cũng không đón, trả khách tại một vị trí nhiều lần trong tháng. Nếu làm được như vậy, tình trạng xe dù, bến “cóc” sẽ được xử lý”.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo