xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giàn khoan trái phép rời khỏi vị trí

Thế Dũng - Bích Diệp - Mạnh Duy

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Bảo vệ chủ quyền là nhiệm vụ thiêng liêng đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên, liên tục chủ động và kiên quyết…”

Ngày 16-7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì họp phiên chuyên đề của Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật. Mở đầu phiên họp, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao đã báo cáo cập nhật tình hình liên quan tới việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển nước ta.

Sẵn sàng đàm phán hòa bình

Theo đó, từ tối 15-7, Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 về hướng đảo Hải Nam và đến sáng 16-7, giàn khoan cùng tàu hộ tống bảo vệ đã ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Phía Trung Quốc xác nhận đã rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi lô dầu khí 143 trên thềm lục địa của Việt Nam Ảnh: REUTERS
Phía Trung Quốc xác nhận đã rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi lô dầu khí 143 trên thềm lục địa của Việt Nam Ảnh: REUTERS

Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp và các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế; yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan cũng như các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển của Việt Nam. Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi và cùng phát triển”. Với tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc và các bên liên quan đàm phán hòa bình, giải quyết các tranh chấp trên biển Đông theo luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương các cơ quan chức năng, lực lượng thực thi pháp luật trên biển, ngư dân, đồng bào ta cả trong và ngoài nước đã biểu thị thái độ và trách nhiệm cao, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. “Việt Nam trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường chính nghĩa của Việt Nam; lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực” - Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Bảo vệ chủ quyền là nhiệm vụ thiêng liêng đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên, liên tục chủ động và kiên quyết đấu tranh với mọi hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.

Tiềm ẩn những diễn biến phức tạp

Cùng ngày, liên quan đến việc Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: Nhằm tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định ở biển Đông, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan Hải Dương 981 quay trở lại hoặc đưa bất cứ giàn khoan nào khác vào hoạt động ở khu vực lô dầu khí 143 của Việt Nam hoặc bất kỳ khu vực nào khác thuộc vùng biển của Việt Nam, được quy định bởi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.

Theo ông Bình, hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu hộ tống của Trung Quốc trong hơn 2 tháng qua là hoàn toàn bất hợp pháp, vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.

Ông Bình nhấn mạnh một lần nữa Việt Nam khẳng định khu vực hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 từ đầu tháng 5 đến nay thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam và Việt Nam mong muốn thông qua đàm phán hữu nghị để giải quyết các tranh chấp, bất đồng ở biển Đông...

Theo ghi nhận của những lực lượng cảnh sát biển làm nhiệm vụ trên thực địa ở vùng biển Hoàng Sa, từ 21 giờ ngày 15-7, giàn khoan Hải Dương 981 đã dịch chuyển với vận tốc 4 hải lý/giờ. Các lực lượng chức năng  thực thi nhiệm vụ trên biển của Việt Nam đã liên tục bám sát, theo dõi chặt diễn biến. Đến 6 giờ 20 phút ngày 16-7, vị trí giàn khoan đã nằm ở tọa độ 16 độ 9’99N - 111độ 18’2E cách Bắc Đông Bắc đảo Tri Tôn khoảng 24 hải lý; vận tốc trung bình 4-4,2 hải lý/giờ. Đến 10 giờ cùng ngày, giàn khoan cách vị trí cũ khoảng 41 hải lý.

Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, quả quyết: “Dù giàn khoan hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam đã rút đi nhưng lực lượng Cảnh sát biển sẽ không lơ là, chủ quan mà tiếp tục bám sát tình hình. Dù trên khu vực biển Đông đang xuất hiện cơn bão Rammasun được dự báo là rất mạnh nhưng cảnh sát biển vẫn sẽ có phương tiện túc trực”. Theo ông Đạm, Cảnh sát biển và các lực lượng khác đang hướng dẫn ngư dân phòng tránh bão và có các biện pháp chủ động phòng chống bão, sau đó sẽ rút về Đà Nẵng sau cùng để tránh bão, bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ và phương tiện tàu thuyền”.

Ông Đạm nhìn nhận: “Tình hình ở khu vực này vẫn còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp. Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam sẽ tăng cường sự hiện diện ở đây, theo dõi sát tình hình để nắm bắt mọi tình huống, kịp thời tham mưu cho Bộ Quốc phòng và nhà nước có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ chủ quyền”. 

 

Diễn biến chính

- Ngày 2-5: Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào định vị khoan tại tọa độ 15 độ 29’ vĩ Bắc, 111 độ 12’ kinh Đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc thường xuyên duy trì 109 đến 125 tàu thuyền bảo vệ giàn khoan. Việt Nam cử 29 tàu cảnh sát biển, kiểm ngư tới khu vực này, kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan trái phép khỏi vùng biển Việt Nam.

- Ngày 4-5: Bộ Ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố phản đối việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông; trao Công hàm gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối sự việc này.

- Ngày 11-5: Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 ở Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công khai tố cáo hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

- Ngày 21-5: Quốc hội Việt Nam ra thông cáo phản đối Trung Quốc.

- Ngày 26-5: Tàu Trung Quốc đâm chìm 1 tàu cá ngư dân Đà Nẵng trong ngư trường thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

D.Ngọc tổng hợp

 

Trả giá đắt...

TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, đánh giá Trung Quốc không dễ thay đổi tham vọng độc chiếm biển Đông và ngày càng thể hiện quyết liệt, táo tợn hơn trên nhiều phương diện. Hoạt động hạ đặt giàn khoan trái phép và những hoạt động khác nữa được đồng thời triển khai thực hiện là những mũi tấn công thuộc chiến tranh “mềm”. Vì vậy, việc hạ đặt, di chuyển, rút giàn khoan... có thể nói là động thái ứng phó có tính chất tình thế do thiên tạo, nhân tạo.

Đồng tình, PGS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu khoa học biển và hải đảo, cho rằng việc Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan không chỉ vì bị uy hiếp của bão Rammasun hay cùng nhiều cơn bão sắp tới đây mà còn do thấy sự quyết liệt của nhà nước và nhân dân Việt Nam ở tất cả lĩnh vực, đặc biệt là cộng đồng quốc tế. 75 ngày qua, Trung Quốc đã phải bỏ ra không ít tiền để duy trì hoạt động của giàn khoan cùng với hơn 100 tàu lớn, nhỏ, máy bay đi theo bảo vệ. Những chi phí đó là không nhỏ nhưng cái giá mà họ phải trả đắt nhất là đánh mất niềm tin của nhân dân trên thế giới. T.Dũng

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo