xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giữ chân du khách: Cần tấm lòng

NGUYỄN VĂN MỸ (Chủ tịch HĐTV Công ty Dã ngoại Lửa Việt)

Những nguyên nhân làm du khách ra đi không hẹn ngày tái ngộ hầu như ai cũng biết, chỉ có điều chưa quyết tâm khắc phục tới cùng

Ban Quản lý dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, do Liên minh châu Âu tài trợ - gọi tắt là Dự án EU, vừa tiến hành khảo sát 3.000 du khách tại 5 điểm du lịch nổi tiếng là Hội An, Đà Nẵng, Huế, Hạ Long, Sa Pa. Kết quả cho thấy chỉ có 6% du khách quay lại Việt Nam lần 2, 2% quay lại lần 3 và 3,2% trở lại từ lần thứ 4 trở lên.

Đừng vội la làng!

Mặc dù chỉ thống kê 5 điểm với số du khách nhất định chỉ dùng tiếng Anh nhưng Dự án EU đã phản ánh chính xác thực trạng du lịch Việt Nam hiện nay. Xin đừng vội la làng khi số liệu phơi bày những mặt yếu kém của ngành du lịch.

Du khách tham quan phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam Ảnh: THẢO NGUYÊN
Du khách tham quan phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam Ảnh: THẢO NGUYÊN

Việt Nam không phải là nước duy nhất mà đa phần khách chỉ tới một lần cho biết. Đã có không ít nước kém phát triển (chứ không phải nước nghèo), an ninh xã hội yếu kém gặp phải tình trạng này.  Xét về hiệu quả, du lịch Việt Nam chỉ xếp trên Indonesia và Myanmar, thua xa Lào và Campuchia dù họ nghèo hơn mình. Năm 2013, dân số Lào chưa tới 7 triệu người nhưng đón được 3,5 triệu khách quốc tế (tỉ lệ 2/1). Campuchia là 14,5 triệu và 4,2 triệu (tỉ lệ 3,4/1). Việt Nam là 90 triệu và 7,4 triệu (tỉ lệ 13/1).

Giữ và kéo khách lại hoặc đuổi khách đi chung quy cũng đều do chủ. Khách gật mà chủ lắc hoặc ngược lại là chịu! Phải từ cả 2 phía, không thể ép buộc hay giả vờ. Tự thân du khách đã đi chơi, ai cũng muốn thoải mái, được trải nghiệm, có thêm nhiều “ngày đàng học một sàng khôn”. Chẳng ai muốn chuốc sự khó chịu, bị lừa gạt, thậm chí trấn lột, cướp giật. Dù chủ hiếu khách, luôn mong khách ở lại thêm hoặc quay lại sớm nhất nhưng muốn và làm là 2 chuyện khác nhau. Có khi miệng muốn mà hành vi thì xua đuổi. Lắm lúc chủ nói một đằng, con cái và gia nhân lại làm một nẻo.

Cần lắm những nụ cười

Những nguyên nhân làm du khách ra về không hẹn ngày tái ngộ hầu như ai cũng biết, chỉ có điều chưa quyết tâm khắc phục tới cùng. Muốn khách quay lại, phải làm họ cảm thấy thoải mái. Chưa cần những dự án hàng ngàn tỉ  đồng gây xôn xao dư luận, chỉ cần mỗi người có ý thức và biết tiết kiệm. Chưa cần mấy nhà vệ sinh tiền tỉ để khoe mẽ mà cần nhiều nhà vệ sinh sạch sẽ vài chục triệu đồng. Có du khách là phải có nhà vệ sinh. Đây là nhu cầu thiết yếu nhất, là điểm đón du khách đầu tiên nên phải chăm chút kỹ.

Muốn khách đến thì phải quảng bá, từ sử dụng truyền thông cho tới rỉ tai, dùng Facebook, dùng mạng nhưng hiệu quả nhất là nâng chất lượng dịch vụ, khách sẽ tự quảng cáo miễn phí cho mình. Tốt nhất là hạn chế làm khách bực; nếu có, phải thật tâm giải quyết thấu tình đạt lý. Trước khi quảng bá, mời khách đến, chủ phải dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, giáo dục cháu con lễ độ, thật thà. Bằng không thì lợi bất cập hại, lòng hiếu khách có khi là tai họa khôn lường. Tôi chưa nghe khách nào chê Việt Nam nghèo. Họ chỉ chê mình “ở dơ”, vụ lợi, tham lam, chỉ muốn nhận chứ không chịu cho.

Cần thêm nhiều nụ cười và tấm lòng cởi mở của nhân viên cửa khẩu vì đó là bộ mặt đất nước. Người Việt thân thiện, hay cười nhưng nhiều viên chức thì khó gần và ưa hành du khách. Một đất nước hiếu khách không thể đầy rẫy ăn xin, hàng rong quấy nhiễu, càng không thể để cướp giật lộng hành và dịch vụ công khai chặt chém…

Cả những người khó tính nhất cũng thừa nhận “nhà” Việt Nam đẹp và dễ thương hơn nhiều “nhà” khác. Khách chỉ phiền là con cháu chủ nhà, chẳng biết vô tình hay cố ý, đang làm khác những gì chủ nhà mong muốn. Thật ra, cũng có nhiều mặt tích cực nhưng bị che lấp bởi quá nhiều tiêu cực. Làm sao để lật ngược thế cờ? Việc này chỉ có chủ nhà - người Việt Nam - mới trả lời được.

Anh Stephen, du khách Anh:

Cần thay đổi về cơ sở vật chất

Tôi đã ở Việt Nam gần 1 tháng. Đây là lần đầu đến Việt Nam nên tôi đã ở Hà Nội khá lâu, sau đó đến Hạ Long và Huế.

Đất nước các bạn đang phát triển, do đó cần lưu ý không nên tác động quá nhiều đến các danh lam thắng cảnh du lịch. Thay vào đó, nên cố gắng đầu tư về cơ sở vật chất, khu giải trí cho du khách.

Bà Pizana Thongseang, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Udon - Thái Lan:

Sợ nạn “chặt chém”

Thị trường du lịch Việt Nam rất thu hút du khách các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Hiện rất nhiều công ty du lịch rao bán giá tour đến Việt Nam rồi hạ giá để cạnh tranh khiến các dịch vụ giảm xuống rõ rệt và du khách không mấy hài lòng về các dịch vụ ăn uống, khách sạn, phương tiện đi lại.

Tôi có ấn tượng rất tốt về Việt Nam qua nhiều lần đến khảo sát thị trường. Tuy nhiên, du khách lại than phiền với tôi về dịch vụ nhà vệ sinh công cộng, nạn chặt chém, nâng giá gấp 2-3 lần ở chợ Đông Ba (Thừa Thiên - Huế). Tôi hy vọng hiện tượng này sẽ chấm dứt để Việt Nam thu hút du khách nhiều hơn.

Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ:

Quay lại đã mừng!

Con số thống kê của Dự án EU đã là mừng bởi với tình hình làm du lịch như hiện nay chưa thật sự để khách quay lại nhiều lần. Ở Thái Lan, giữa các doanh nghiệp lữ hành, cung ứng dịch vụ có sự liên kết, hợp tác để giảm giá cho du khách, chất lượng bảo đảm; trong khi chúng ta mạnh ai nấy làm, rồi cạnh tranh, chèn ép phá giá nhau... Một bộ phận không nhỏ hướng dẫn viên, tài xế chỉ nghĩ đến lợi ích riêng, xem thu nhập là hàng đầu chứ không phải bộ mặt của đất nước. Đừng ỷ y mình có danh lam thắng cảnh, bãi biển đẹp bởi du khách chỉ đi một lần vì đam mê chứ khó quay lại lần 2 khi giao thông lộn xộn, khách sạn kém...

Ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty Du lịch Việt:

Đẹp mà không quảng bá, ai biết?

Muốn cải tổ ngành du lịch, cần có những đề án hoạch định chiến lược phát triển của Chính phủ mang tầm cỡ 10-20 năm. Để nâng tầm hình ảnh du lịch Việt Nam ra quốc tế, phải có những kế hoạch quảng bá cụ thể của quốc gia, chưa nói đến kinh phí nhưng quảng bá như thế nào để hiệu quả nhất đến giờ vẫn chưa thấy đâu.

Thắng cảnh đẹp, ẩm thực ngon nhưng không quảng bá, chẳng ai biết đến thì du lịch sao phát triển được.

Thái Phương - Quang Nhật ghi

 

 

Các hãng lữ hành ngại sáng tạo

Ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ mới thống kê được thời gian du khách lưu trú bình quân tại tỉnh khoảng 2,06 ngày chứ không biết tỉ lệ khách trở lại lần sau. Theo tôi, tỉ lệ đó khá thấp, mà nguyên nhân là do du lịch Huế vẫn còn yếu kém về cơ sở hạ tầng, thiếu sản phẩm du lịch, khu vui chơi giải trí, hàng lưu niệm... Về cơ sở hạ tầng, Huế không có lợi thế như các địa phương khác. Dù sân bay Phú Bài mang mác quốc tế nhưng chẳng có đường bay quốc tế. Rất khó mở đường bay quốc tế đối với sân bay này bởi sân bay Đà Nẵng cách đó 70 km cũng đã có đường bay quốc tế rồi.

Ngành du lịch tỉnh đã đề ra 6 phương án nhằm thu hút du khách quay trở lại Huế. Đó là định hướng phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh; phát triển cơ sở vật chất; chú ý đến phát triển sản phẩm du lịch dựa vào cộng đồng; đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp; tăng cường quản lý về nhà nước, coi doanh nghiệp là động lực phát triển; tăng cường công tác liên kết hợp tác quốc tế, hợp tác giữa các vùng trong nước. Chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh giải pháp; còn hiệu quả ra sao, thực hiện như thế nào tùy thuộc vào cấp trên và nguồn lực của tỉnh.

Ngành đã vạch ra nhiều chiến lược phát triển du lịch như tổ chức thi chọn sản phẩm du lịch, biến mưa Huế thành loại hình du lịch (hỗ trợ 200 xích lô có rèm che để phục vụ du khách du lịch trong mưa). Nhưng hầu như các doanh nghiệp du lịch ở Huế chẳng mặn mà cho lắm. Họ nói muốn làm phải có khách đến, không muốn tự tìm ra sản phẩm đặc trưng vì sợ doanh nghiệp khác cạnh tranh lấy mất ý tưởng của mình. Vấn đề này, chúng tôi chỉ có vai trò định hướng, việc tìm kiếm sản phẩm du lịch là của các nhà làm du lịch, các doanh nghiệp.

Thêm vào đó, tôi cho rằng người dân Huế bây giờ đang quay lưng với di sản, trong khi người dân Hội An sống nhờ di sản. Rất nhiều người Huế đến nay chẳng biết kinh thành Huế ở chỗ nào, ra sao. Trước kia, khi chế độ phong kiến đang tồn tại, mỗi khi người dân đi ngang kinh thành phải cúi đầu không dám nhìn. Người dân mới tiếp cận, hiểu về di tích văn hóa triều Nguyễn trong khoảng thời gian ngắn nên họ chưa hiểu sự tương tác giữa di sản, du lịch và cuộc sống của mình.

Trần Viết Lực (Trưởng Phòng Quản lý và Phát triển du lịch Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo