xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hải quân Việt Nam - Trận đầu oanh liệt (*): Bẻ gãy “Mũi tên xuyên”

MẠNH DUY - TRỌNG ĐỨC

Trận đánh ngày 5-8-1964 được Mỹ lấy tên là “Kế hoạch Mũi tên xuyên”, mục đích đánh bằng hải quân trước tiên rồi từ đó tàn phá các căn cứ, cơ sở của miền Bắc - hậu phương lớn của chiến trường miền Nam

Mỹ đã huy động tối đa máy bay của Hạm đội 7 ở biển Đông với hy vọng tiêu diệt lực lượng hải quân ta trong một ngày. Tuy nhiên, ở cửa Lục (Quảng Ninh), Mỹ đã thất bại nặng nề với tham vọng đó.

Quần đùi, mũ sắt bắn rơi máy bay Mỹ

Những cuộc chiến đấu ở cửa Hội, sông Gianh nhanh chóng được thông báo cho các đơn vị trong toàn Quân chủng Hải quân. Lúc 14 giờ 25 phút ngày 5-8-1964, Sở Chỉ huy Khu Tuần phòng 1 ở Bãi Cháy (Quảng Ninh) nhận được thông báo của Bộ Tư lệnh để chuẩn bị sẵn sàng.

Đại tá Lê Văn Chừng, thuyền trưởng tàu săn ngầm 225, hồi tưởng chiến công 50 năm trước Ảnh: MẠNH DUY
Đại tá Lê Văn Chừng, thuyền trưởng tàu săn ngầm 225, hồi tưởng chiến công 50 năm trước Ảnh: MẠNH DUY

Đại tá Lê Văn Chừng - thuyền trưởng tàu săn ngầm 225 thuộc Tiểu đoàn 200, nay đã ở tuổi 81 - nhớ lại: “Hôm ấy, trời nóng khủng khiếp nên tôi cho phép anh em mặc quần đùi, áo may ô, đội mũ sắt để thoải mái chiến đấu và có thể vào vị trí tác chiến bất cứ lúc nào”.

Tám chiếc máy bay Mỹ cùng lúc tập kích đội hình trú đậu của ta làm 3 tàu tuần tiễu trúng đạn. “Tàu săn ngầm 225 cơ động ra vịnh Hạ Long sau cùng vì hôm đó, chúng tôi trực ban chỉ huy. Máy bay địch tiếp tục quay lại, bổ nhào lần thứ hai. Tàu 225 đi qua bến phà Hòn Gai để ra cửa Lục sẵn sàng nghênh chiến máy bay địch” - đại tá Chừng kể.

Cả Quân chủng Hải quân khi ấy chỉ có 4 tàu săn ngầm được Liên Xô trang bị. Tàu có trọng tải 40 tấn với vũ khí chống tàu ngầm hiện đại, 10 quả bom 62 kg nhưng chỉ có pháo để tự vệ chứ không đủ khả năng chiến đấu với máy bay.

“Tôi nhớ có lần Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm Tiểu đoàn tàu săn ngầm 200. Ông bảo rằng mỗi chiếc tàu mà chúng tôi sở hữu, vận hành có giá trị bằng một nhà máy hạng trung nên phải giữ gìn rất cẩn thận. Xác định tinh thần ấy nên anh em vừa chiến đấu vừa bảo vệ tàu rất quyết liệt” - ông Chừng hồi tưởng.

Chỉ với pháo 25 li nhưng tàu 225 của thuyền trưởng Lê Văn Chừng đã làm nên một chiến công lịch sử: Bắn tan xác một máy bay Mỹ, làm một chiếc hư hại rơi xuống biển và bắt sống Anrovet - phi công đầu tiên bị bắt trong chiến tranh phá hoại miền Bắc.

50 năm sau chiến công ở cửa Lục, vị đại tá hải quân vẫn hào sảng nói về các chiến sĩ trên chiếc tàu săn ngầm ngày nào: “Pháo thủ - binh nhì Bùi Mạnh Hùng đợi máy bay Mỹ bay sát tàu, anh nhắm rất chuẩn rồi bắn trúng địch. Tôi biết chắc chắn là vì vệt pháo từ khẩu 25 li bắn ra khi máy bay tới rất gần. Chúng tôi đều nhìn thấy đường đi của đạn đến thẳng máy bay Mỹ”. Chiếc máy bay bị bắn hạ sau này được xác định là Skyhawk 11 thuộc biên chế hàng không mẫu hạm USS Ticonderoga.

Tàu 225 hôm đó cũng dính nhiều mảnh đạn. “Tuy nhiên, chỉ vài chiến sĩ bị thương nhẹ. Anh em ai cũng phấn khởi, tự hào vì lần đầu tiên ra trận mà bắn rơi được tới 2 máy bay Mỹ” - ánh mắt vị thuyền trưởng năm xưa ngời lên sự tự hào.

Bất chấp chân gãy, ruột sa…

Tàu tuần tiễu 134 do thuyền trưởng Huỳnh Hướng chỉ huy cũng quần nhau với máy bay Mỹ rất dũng cảm. Trong khi chiến đấu, binh nhất Đinh Trọng Mua bị 2 mảnh đạn văng vào trán. Máu chảy lênh láng xuống mặt nhưng anh vừa lấy tay vuốt vừa ngắm bắn máy bay. Còn khẩu đội trưởng Lê Sỹ Hằng, người con của đất mỏ Hòn Gai, bị thương một bên chân nhưng nén đau, cắn răng buộc chân gãy lên thành pháo để đứng vững ở vị trí chỉ huy khẩu đội.

Trong trận đánh ấy, ngoan cường hơn cả có lẽ là binh nhất Đồng Quốc Bình. Người con của đất cảng Hải Phòng trước khi bắt đầu trận đánh còn lấy xuồng bơi theo tàu để xin được tham gia chiến đấu. Hai lần dính đạn nhưng anh Bình vẫn bình tĩnh tiếp pháo cho đồng đội. Đến lần trúng đạn thứ ba, vết thương bên sườn làm một đoạn ruột bục ra ngoài, anh dùng một tay nhét vào, tay còn lại vẫn chuyển tiếp những băng đạn cho các pháo thủ bắn địch...

Gương chiến đấu hy sinh của người binh nhất quả cảm khi ấy đã trở thành sự cổ vũ, động viên lớn tới mức TP Hải Phòng quê hương anh, cũng là nơi trú đóng của Quân chủng Hải quân, đã tổ chức đợt “Học tập noi gương anh dũng của liệt sĩ Đồng Quốc Bình”. Cho đến tận giờ, liệt sĩ Bình vẫn chưa được phong anh hùng nhưng ở TP Hải Phòng có một con đường và một phường lấy tên anh.

Ông Đồng Quốc Chính, em liệt sĩ Đồng Quốc Bình, tự hào: “50 năm trước, anh tôi đã chiến đấu và hy sinh trong trận đánh ác liệt nhưng anh dũng của hải quân ta. Tên anh giờ đây trở thành tên một con đường ở quê hương, đó là một niềm tự hào, vinh dự với gia đình. Anh đi xa 50 năm rồi nhưng không chỉ gia đình tôi mà còn với nhiều người Hải Phòng, tấm gương của anh vẫn sống mãi”.

Đại tá Lê Văn Chừng sau này còn gắn bó nhiều năm với hải quân và là phó ban xây dựng Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. “Cứ đến dịp kỷ niệm Hải quân Việt Nam đánh thắng trận đầu, nhất là những năm chẵn như năm nay, tôi lại rất nhớ đồng đội. Họ hy sinh, bị thương trên vùng biển Tổ quốc khi tuổi đời con rất trẻ, có người mới đôi mươi” - ông bồi hồi.

Bài học vàng giữ chủ quyền biển đảo

Đại tá Lê Quốc Bình, Trưởng Ban Viết sử Quân chủng Hải quân, cho rằng chiến thắng ngày 2 và 5-8-1964 là bài học vàng về giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam và quân dân miền Bắc đã giải tỏa một áp lực rất lớn; cổ vũ, động viên cho cả một chặng đường kháng chiến lâu dài ở miền Nam và chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc.

“Có 8 chiến công nổi bật từ khi Hải quân Việt Nam ra đời, gồm: Chiến thắng trận đầu, Đoàn tàu Không số và đường Hồ Chí Minh trên biển, rà phá thủy lôi đánh thắng chiến tranh phong tỏa, đặc công nước đánh tàu Mỹ, tham gia Cuộc Tổng tiến công năm 1975 giải phóng miền Nam, bảo vệ chủ quyền biển đảo... Trong đó, theo tôi, chiến thắng trận đầu có ý nghĩa mở ra một trang sử anh hùng cho lực lượng hải quân. Tinh thần dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng của hải quân ta từ trận đầu đến nay vẫn còn nguyên giá trị” - đại tá Bình nhìn nhận.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo