xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hãng tàu đổ thừa ngư dân

Bài và ảnh: Anh Tú

Tỉnh Bình Định đã thành lập tổ công tác để thẩm định tàu vỏ thép, đồng thời hướng dẫn ngư dân về thủ tục khởi kiện ra tòa nếu không hài lòng về chất lượng của tàu

Vào 14 giờ ngày 6-6, ông Trần Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Định, Tổ trưởng Tổ công tác thẩm định tàu vỏ thép do UBND tỉnh Bình Định thành lập - đã dẫn đầu tổ công tác 8 người đến cửa biển Quy Nhơn kiểm tra chất lượng tàu vỏ thép. Thành viên của đoàn gồm nhiều tiến sĩ, kỹ sư, chuyên gia giám định về máy tàu và đại diện Công an tỉnh Bình Định.

Chuyên gia bức xúc khi kiểm tra tàu

Vừa bước lên tàu cá vỏ thép BĐ 99029 TS của ông Trần Văn Hạo (ngụ phường Đống Đa, TP Quy Nhơn), tổ công tác đề nghị chủ tàu mở hầm cá kiểm tra. Khi hầm cá vừa mở ra, một thành viên lắc đầu ngao ngán: "Sao lại đóng thế này? Đóng như thế này thì làm sao giữ cá lâu được!".

Nghe vậy, ông Hạo tiếp lời: "Đúng thế! Chuyến biển đầu tiên, do hầm cá ứ nước nên 5 tấn cá bị thối, không bán được. Chuyến đó tôi lỗ cả trăm triệu đồng". Thấy không khí căng thẳng, ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu (gọi tắt là Công ty Nam Triệu; trụ sở tại Hải Phòng), đã tránh sang nơi khác!

Hãng tàu đổ thừa ngư dân - Ảnh 1.

Tổ công tác kiểm tra chất lượng vỏ tàu cá của ông Trần Văn Hạo Ảnh: Anh Tú

Theo ông Hạo, ngày 23-3-2015, ông ký hợp đồng đóng tàu cá công suất 940 CV, trị giá hơn 18,7 tỉ đồng với Công ty Nam Triệu. Nhận tàu vào cuối tháng 5-2016 đến nay, do thường xuyên bị hư hỏng nên tàu của ông chỉ đánh bắt được 6 chuyến, lỗ khoảng 500 triệu đồng.

Sau khi kiểm tra, ghi nhận chi tiết máy chính, máy điện, thân vỏ và thiết bị của tàu ông Hạo, tổ công tác bước sang tàu cá có cùng công suất, mang số hiệu BĐ 99279 TS, của ông Trương Hoài Khánh (ngụ phường Thị Nại, TP Quy Nhơn) cũng do Công ty Nam Triệu đóng. Tàu này cũng xuất hiện tình trạng gỉ sét ở thân vỏ, hầm cá và máy thường xuyên trục trặc.

Ông Trần Văn Phúc cho biết từ ngày 6 đến 11-6, tổ công tác sẽ tổng kiểm tra 18 tàu vỏ thép thường xuyên bị hư hỏng, nằm bờ để đánh giá toàn diện chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, tính năng hoạt động của vỏ tàu, máy thủy, máy điện trên tàu, các trang thiết bị được thi công cung cấp so với hợp đồng đã ký kết giữa ngư dân và các cơ sở đóng mới, cung cấp các trang thiết bị cho tàu vỏ thép. Sau khi có kết quả kiểm tra, tổ công tác sẽ báo cáo UBND tỉnh để có bước xử lý tiếp theo.

Phải kiện ra tòa

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, trong 18 tàu vỏ thép của ngư dân vừa đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP bị hư hỏng nghiêm trọng có 13 tàu do Công ty Nam Triệu đóng, số còn lại do Công ty Đại Nguyên Dương (trụ sở tại Nam Định) đóng. Tình trạng hư hỏng của các tàu chủ yếu là vỏ bị gỉ sét, xuống cấp nghiêm trọng; máy chính bị hư hỏng; hầm bảo quản không giữ được lạnh...

Các ngư dân cho rằng tàu thường xuyên hư hỏng, gỉ sét là do đơn vị đóng tàu không thực hiện đúng hợp đồng như dùng sắt Trung Quốc thay vì sắt Hàn Quốc, Nhật Bản; dùng máy đã qua sử dụng. Trong khi đó, đại diện Công ty Nam Triệu và Công ty Đại Nguyên Dương cho rằng họ thực hiện đóng tàu như hợp đồng đã cam kết. "Việc vỏ tàu nhanh gỉ sét do ngư dân không thường xuyên bảo dưỡng sau chuyến đánh bắt. Còn máy tàu hỏng là do họ không thực hiện đúng thao tác chứ máy chúng tôi đặt mua máy mới hết làm sao mà chóng hỏng như vậy được!" - Phó Tổng giám đốc Công ty Nam Triệu, ông Bùi Hữu Hùng,

giải thích.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khẳng định tỉnh đã yêu cầu 2 đơn vị đóng tàu có trách nhiệm khắc phục các tàu cá vỏ thép bị hỏng, trục trặc; quá trình này phải hoàn thành trong tháng 6-2017. Ngoài ra, các đơn vị đóng tàu còn phải hỗ trợ cho chủ tàu bị thiệt hại vì nằm bờ, không thể ra khơi hoạt động do lỗi của cơ sở đóng tàu.

Theo ông Trần Châu, UBND tỉnh Bình Định đã giao chủ tịch UBND các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát và TP Quy Nhơn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các chủ tàu cá về thủ tục pháp lý để khởi kiện ra tòa án trong trường hợp các đơn vị đóng tàu không thực hiện nghĩa vụ của mình.

Luật sư Võ Hồng Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định, cho rằng đối với những tàu hư hỏng nhỏ, trong thời hạn bảo hành, đơn vị đóng tàu phải có trách nhiệm sửa chữa, khắc phục. Với những thiết bị, máy móc lắp không đúng chủng loại thì phải tháo gỡ rồi lắp đặt đúng thiết bị như đã thỏa thuận. Tóm lại, nếu đơn vị đóng tàu thực hiện sai hợp đồng, ngư dân nên kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi.

"Gần đây, chúng tôi đã hướng dẫn một chủ tàu vỏ thép ở TP Quy Nhơn khởi kiện một đơn vị đóng tàu tỉnh Khánh Hòa vì đóng tàu sai thiết kế. Sau đó, đơn vị đóng tàu nhận thức được lỗi của mình nên đã thương lượng với ngư dân. Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định sẵn sàng hỗ trợ pháp lý cho ngư dân với các trường hợp tương tự" - luật sư Nam nói.

Quảng Ngãi: 3/10 tàu vỏ thép gặp sự cố

Ông Ngô Văn Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, cho biết toàn tỉnh có 10 tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67. Trong số 7 tàu khai thác thì có 3 tàu ngư dân báo về thường gặp sự cố lúc đánh bắt ngoài khơi.

"Các ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã làm việc với các tàu thường gặp sự cố và đi đến thống nhất cho chủ tàu tự sửa chữa, sau đó báo cáo lại để nhận lại tiền hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa của nhà nước" - ông Hưng nói.

Bị hư hỏng nặng nhất là tàu cá QNg 90999 TS của ngư dân Võ Văn Hân (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn). Tàu hạ thủy đầu tháng 2-2016 với tổng kinh phí hơn 14 tỉ đồng. Sau khi hạ thủy, tàu có 8 chuyến vươn khơi nhưng 7 chuyến tàu bị hư hỏng, gặp sự cố nên kỳ nào cũng thua lỗ nặng.

T.Trực


Con trai chủ tàu bị dọa giết

Anh Nguyễn Văn Khỏe (SN 1981; ngụ xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) cho biết năm 2014, cha anh là ông Nguyễn Mạnh (ngụ cùng địa phương) hợp đồng với Công ty Đại Nguyên Dương đóng tàu vỏ thép mang số hiệu BĐ 99567 TS với tổng kinh phí 15,2 tỉ đồng.

Trong quá trình giám sát việc đóng tàu tại cơ sở đóng tàu của Công ty Đại Nguyên Dương ở tỉnh Nam Định, anh phát hiện thân tàu được đóng bằng thép Trung Quốc thay vì thép Hàn Quốc, trong khoang tàu có một số chỗ sai thiết kế. Anh đã dùng điện thoại ghi hình lại rồi phản ánh với cơ sở đóng tàu. Tuy nhiên, nhân viên cơ sở đóng tàu lại giật điện thoại, xóa hình ảnh rồi rượt đánh, dọa giết khiến anh phải bỏ chạy rồi đón xe về quê. Sau đó, tàu cá của cha anh được bàn giao và hạ thủy vào tháng 8-2016, do chính anh làm thuyền trưởng. Từ đó đến nay, tàu chỉ đánh bắt được 3 chuyến do thường xuyên hư hỏng, thân vỏ tàu xuất hiện nhiều chỗ gỉ sét.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo