xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khao khát có điện về làng

Bài và ảnh: ĐÌNH THI

Suốt 30 năm nay, đồng bào dân tộc S’Tiêng ở Vườn Quốc gia Cát Tiên sống trong vòng luẩn quẩn đói nghèo do thiếu điện

"Ngày nay, người đồng bào Mạ S’Tiêng (S’Tiêng) bên dòng sông Đồng Nai đã có nhà cửa, vườn tược ổn định, bà con không còn lạc hậu và sống nhờ vào rừng như xưa... Tuy nhiên, bà con mong mỏi nhiều nhất là sớm có đường điện về làng" - già làng Điểu K’Mốt (ở thôn 3, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) cho biết.

Khao khát có điện về làng - Ảnh 1.

Không có điện, mọi sinh hoạt của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn

Ba thôn Vĩnh Ninh, thôn 3 và thôn 4 thuộc xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng có hơn 70 hộ dân với khoảng 300 nhân khẩu chủ yếu là người dân tộc thiểu số S’Tiêng sinh sống, chỉ cách trung tâm xã khoảng hơn 10 km nhưng gần 30 năm nay không có điện. Cuộc sống của người dân nơi đây hết sức khó khăn.

Không còn sống nhờ vào rừng

Ông Đoàn Ngọc Nam, Chủ tịch UBND xã Phước Cát 2, cho biết đồng bào S’Tiêng hàng trăm năm sống trong vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Nai, nơi có Vườn Quốc gia Cát Tiên. Theo sự phát triển của đất nước, đời sống bà con ở xã Phước Cát 2 có nhiều thay đổi rõ nét. Bà con đã biết tập trung làm kinh tế, trồng cây điều, cây cà phê, chăn nuôi bò, dê..., không còn sống nhờ rừng như xưa. Nhiều hạng mục đã được nhà nước đầu tư xây dựng như mở đường bê tông, xây trường học, trạm xá, nhà văn hóa thôn. Cơ sở hạ tầng trên là điều kiện để xã Phước Cát 2 sớm hoàn thiện mục tiêu xã nông thôn mới. Tuy nhiên, điều khó khăn hiện nay là đường lưới điện chưa đến với bà con.

Chúng tôi theo chân ông Nông Văn Thụ, Bí thư Đảng ủy xã Phước Cát 2, đến thôn 3. Theo ông Thụ, thôn 3 và 4 là 2 thôn xa nhất của xã Phước Cát 2, cách trung tâm xã hàng chục ki-lô-mét. Đời sống của bà con nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn, với 98% hộ nghèo. "Bà con người S’Tiêng sống chủ yếu nhờ cây điều và một ít cà phê, cây chè. Bây giờ, người dân còn có thêm thu nhập từ việc nhận giao khoán bảo vệ rừng. Người S’Tiêng thật thà, chịu khó, rất hiếu khách. Trước năm 2004, để đi từ xã Phước Cát 2 vào 2 thôn này, phải đi bằng đường sông trên những chiếc xuồng, 2 ngày mới có một chuyến...".

Năm 2005, công trình thanh niên mở đường mòn dẫn từ trung tâm xã vào thôn 3 và 4 nhưng phải đến năm 2010 mới chấm dứt việc đi xuồng. Con đường bê tông được hoàn thành cách đây một năm nên đến giờ, niềm vui có đường mới vẫn còn hiện rõ trên từng khuôn mặt người dân.

Phải dùng đèn dầu

Vĩnh Ninh, thôn 3 và thôn 4 là 3/7 thôn đặc biệt khó khăn chưa có điện trên toàn tỉnh Lâm Đồng. Vì thiếu điện nên bà con vẫn phải dùng đèn dầu, một vài nơi dùng điện phát từ máy mô-tơ mắc ở suối. "Dân chúng tôi muốn nuôi con gà cũng chẳng có điện để sưởi ấm. Muốn trồng luống rau cũng chẳng có điện để bơm nước tưới. Ngay cả nước sinh hoạt cũng phải dùng nước mưa, nước sông hoặc nước tự chảy trên suối, vất vả lắm" - ông Điểu K’Trang (57 tuổi, ngụ thôn 3) bộc bạch

Cũng vì thiếu điện, mỗi tối ngồi trên căn nhà sàn, dưới ánh đèn tù mù của chiếc đèn dầu nhỏ xíu, già làng Điểu K’Mốt ao ước sẽ được nhìn thấy ánh điện thắp sáng cho ngôi làng người S’Tiêng bên dòng sông Đồng Nai, có cơ hội tiếp xúc với cuộc sống hiện đại bên ngoài.

"Chúng tôi chờ điện suốt 30 năm rồi mà có thấy được cấp điện đâu, cứ thấy người ta hứa mãi rồi cũng vậy. Tôi thì già cả rồi cũng khao khát được một lần có điện trong đời nhưng càng nghĩ càng thương những đứa trẻ của thôn cứ thua thiệt mãi với người ta" - già làng Điểu K’Mốt buồn bã.

Nói về tình cảnh khó khăn do thiếu điện của đồng bào S’Tiêng, ông Đoàn Ngọc Nam cũng ngậm ngùi: "Lần nào tiếp xúc cử tri ở địa phương, chúng tôi cũng hứa kiến nghị cấp điện cho bà con nhưng chờ mãi đến nay cũng chưa thấy huyện triển khai. Dân cứ khổ mãi trong vòng luẩn quẩn các chú ạ".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo