xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không đánh đổi môi trường

Phương Nhung - Thế Dũng

Chính phủ giao Bộ Nội vụ xem xét, đề xuất hướng xử lý Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. Với vụ "nhận chìm vật chất", Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường khẳng định là không đánh đổi môi trường…

Chiều tối 3-8, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7-2017 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì, nhiều vấn đề nóng đã được phóng viên các báo đặt ra, trong đó có việc đề nghị miễn nhiệm chức vụ thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.

Đang xem xét kỷ luật, không thể nghỉ

Trả lời câu hỏi của báo chí về kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm chức vụ thứ trưởng Bộ Công Thương của bà Hồ Thị Kim Thoa, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết bà Thoa thuộc diện quản lý của Ban Bí thư. Do đó, việc xử lý liên quan đến đề nghị miễn nhiệm bà Thoa, Chính phủ sẽ xem xét quyết định sau khi có ý kiến của Ban Bí thư và các cơ quan liên quan. "Nếu Ban Bí thư chấp nhận đề xuất xử lý như Bộ Công Thương trình lên thì sự việc sẽ được giải quyết, thực hiện theo hướng đó" - ông Dũng nói.

Không đánh đổi môi trường - Ảnh 1.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng khi cán bộ đang trong quá trình điều tra, xem xét kỷ luật sẽ không được chấp nhận thôi việc Ảnh: QUANG HIẾU

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng xác nhận ngày 31-7, Chính phủ đã nhận được báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương và đơn xin nghỉ công tác của bà Hồ Thị Kim Thoa. Thủ tướng đang giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ xem xét, đề xuất với Ban Cán sự Đảng Chính phủ. Dù vậy, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: "Theo Luật Công chức và Nghị định 46/2010/NĐ-CP quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức được Chính phủ ban hành ngày 27-4-2010, khi cán bộ đang trong quá trình điều tra, xem xét kỷ luật sẽ không được chấp nhận thôi việc".

Vụ "nhận chìm": "Vẫn có người dân nhầm lẫn"

Liên quan đến việc Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) cấp phép cho Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận chìm 1 triệu m3 bùn nạo vét xống vùng biển gần Khu Bảo tồn biển Hòn Cau (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà giãi bày: "Đây là cơ hội để tôi chính thức trao đổi với các bạn vì vẫn có người dân nhầm lẫn việc nạo vét bùn khu quay tàu là chất thải". Theo ông Hà, hiện nay, Luật Biển và Công ước London quan niệm bùn nạo vét là tài nguyên và cố gắng xem xét tái sử dụng tài nguyên này. "Quan điểm của Bộ TN-MT trước tiên đương nhiên là bảo vệ môi trường, không thể đánh đổi môi trường. Nhưng vấn đề môi trường phải hài hòa với phát triển" - Bộ trưởng Hà nói.

Theo ông Hà, đến nay, các đơn vị đã khảo sát toàn bộ hiện trạng môi trường biển với diện tích 300 ha và đã có số liệu về hệ sinh thái. Trong giấy phép cho phép nhận chìm bùn, Bộ TN-MT cũng đã yêu cầu Viện Hải dương học Nha Trang độc lập đánh giá hiện trạng môi trường. "Quá trình đó đã thực hiện xong và có công bố. Đó là việc đối chứng và kiểm chứng lại số liệu thời điểm doanh nghiệp khảo sát năm 2012. Với việc giao Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ đứng ra độc lập tập hợp các nhà khoa học thì đó sẽ là những đánh giá toàn diện trên cơ sở khoa học, xem xét từ các mô hình toán, cơ lý hóa…" - ông Hà trình bày.

Nói về việc một số nhà khoa học bị lợi dụng, "mượn tên" trong hồ sơ xin nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn nạo vét, Bộ trưởng Trần Hồng Hà phân trần: "Việc có nhà khoa học bị mạo danh thì thuộc bên tư vấn, không thuộc nhà nước".

Cần lưu ý là trước khi Bộ trưởng Trần Hồng Hà "có dịp giãi bày" tại họp báo này, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về dự án "nhận chìm vật chất". Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư về việc Bộ TN-MT cấp giấy phép nhận chìm ở biển Bình Thuận, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ TN-MT xem xét, xử lý vấn đề trên đúng quy định của pháp luật. Các nội dung phải rà soát bao gồm cả đánh giá tác động môi trường và hồ sơ dự án nhận chìm bùn thải mà Bộ TN-MT đã phê duyệt, chấp thuận, báo cáo Thủ tướng trong thời gian sớm nhất.

Tình hình kinh tế chuyển biến tích cực

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2017. Thủ tướng đánh giá tình hình phát triển kinh tế 7 tháng đầu năm chuyển biến tích cực; lạm phát tiếp tục được kiểm soát, tín dụng tăng mạnh, lãi suất ngân hàng giảm 0,5%; thu hút đầu tư tăng mạnh, nhất là đầu tư nước ngoài (FDI) và đáng chú ý là có 73.000 doanh nghiệp mới đăng ký và trên 17.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu lên một số mặt bất cập, như sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn khi vẫn còn 43.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Ở lĩnh vực xã hội, dịch sốt xuất huyết lan rộng với trên 60.000 người mắc; nạn phá rừng còn diễn ra nhiều; tình trạng cháy, nổ, tai nạn giao thông còn phức tạp, mà gần đây, xảy ra vụ cháy nghiêm trọng ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội làm chết 8 người. Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải nhận diện đúng tình hình, những vấn đề đặt ra đối với từng ngành, từng lĩnh vực, có mặt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để đưa ra chủ trương, biện pháp đúng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo