xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không kịp trở tay

HOÀNG HOA

Chỉ trong 4 ngày, đợt lũ lịch sử đã nhấn chìm nhiều địa phương của 5 tỉnh miền Trung, từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế khiến 35 người chết, 4 người mất tích, 121.287 nhà bị ngập, 949 nhà tốc mái, hư hỏng...

Một lần nữa, người dân miền Trung lại oằn mình chịu đựng sự hoành hành dữ dội của thiên tai; chịu đựng hậu quả nặng nề, từ nỗi đau mất người thân đến những thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng về vật chất lẫn tinh thần khác. Hình ảnh người dân trổ nóc nhà, lên áp mái chờ cứu hộ, tiếp tế; cảnh làng xóm ngập trong biển nước, trong mưa tầm tã... , in sâu trong tâm trí đồng bào cả nước. Dáng người và những đôi mắt nói lên tất cả về miền Trung, quen chịu đựng những nhọc nhằn cuộc sống bao đời nay, quen với thiên tai, như trường ca “Trầm tích” của Hoàng Trần Cương đã viết: Treo vội con lên chạn/ Mẹ xắn quần đi giằng lại cái sanh đồng sứt quai/ Theo nước lũ nhoai ra ngoài ngõ/ Mẹ ngồi nhen lửa dưới mưa/ Nuôi tôi giữa nước và trời…


Nước lũ dâng cao đã cuốn trôi nhiều đồ đạc của người dân xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Thanh Tuấn

Nước lũ dâng cao đã cuốn trôi nhiều đồ đạc của người dân xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Thanh Tuấn

Năm nay, đợt mưa lũ dù được báo trước nhưng vẫn bất ngờ vì diễn biến nhanh và trên diện rộng, bà con nhiều nơi không kịp trở tay. Bất ngờ vì sau 2 năm ảnh hưởng El Nino không có bão lũ đáng kể, năm nay áp thấp nhiệt đới và La Nina yếu, có lũ. So với trận lũ lớn năm 2007, đỉnh lũ năm nay trên các sông Son (Quảng Bình), Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) đều xấp xỉ; riêng lượng mưa tại Đồng Hới từ đêm 13 đến ngày 14-10 lên tới 747 mm - cao nhất từ khi đặt trạm đo khí tượng ở thành phố này. Đặc trưng miền Trung là địa hình dốc, sông ngắn nên lũ về nhanh và mạnh. Lại thêm nạn phá rừng càng khiến lũ khốc liệt và thủy điện xả lũ cũng gây thêm tai ương. Khi đến các xã ngập nặng nhất của huyện Hương Khê, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, nhấn mạnh rằng việc xả lũ ở đập Hố Hô khiến nước dâng nhanh, người dân trở tay không kịp.

Ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, mấy năm qua, người dân sáng tạo mô hình nhà phao tránh lũ. Phao làm bằng thùng phuy hàn kín hay các can nhựa loại lớn để chất tài sản, đồ đạc có giá trị lên, nước dâng cao bao nhiêu thì nhà nổi lên bấy nhiêu. Thế nhưng, năm nay lũ về quá nhanh nên lương thực của nhiều nhà dân vẫn không chất kịp lên nhà phao, bị ngập nhiều...

Nước lũ đang rút dần, giao thông đang thông suốt trở lại nhưng nguy cơ sạt lở đất, lũ quét vẫn còn, chưa kể vài cơn bão dữ đang chực chờ ngoài biển Đông. Trước mắt người dân vùng lũ là ngổn ngang lo toan, chờ nước rút dọn lại vườn, dựng lại nhà, trồng lại cây, gầy lại đàn gia súc, gia cầm…

Cả nước lại hướng về, dang tay ôm khúc ruột miền Trung, là sự động viên lớn lao tình nghĩa đồng bào, để người dân bằng ý chí, nghị lực vượt khó, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Qua đợt mưa lũ lịch sử này, một lần nữa chứng tỏ rằng khâu dự báo và chủ động phòng tránh đều hết sức quan trọng. Đặc biệt, các nhà máy thủy điện khi xả lũ phải báo trước để dân có thời gian di tản, bảo đảm thông tin liên lạc và nhanh chóng cứu hộ để kịp giúp bà con trong trường hợp khẩn cấp. Không chỉ miền Trung mà trên đất nước ta và cả các quốc gia khác, thiên tai là phải chấp nhận và tìm cách phòng tránh để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất mà thôi.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo