xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kiến nghị xử hình sự cơ sở đóng tàu gian dối

Anh Tú - VĂN DUẨN - NGUYỄN QUYẾT

Mặc dù các cơ sở đóng tàu cam kết sẽ khắc phục, sửa chữa tàu vỏ thép hư hỏng nhưng UBND tỉnh Bình Định vẫn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý về hành vi gian dối

Sau nhiều lần vắng mặt, chiều 30-6, ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Công ty Đại Nguyên Dương), đã xuất hiện tại cuộc họp bàn về việc khắc phục tàu vỏ thép hư hỏng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Định tổ chức. Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nam Triệu và chủ 18 tàu vỏ thép hư hỏng cũng tham gia cuộc họp. Trong số tàu hư hỏng có 13 tàu do Công ty Nam Triệu đóng và 5 tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng.

Thép Trung Quốc biến thành Hàn Quốc

Bắt đầu buổi làm việc, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, đọc kết luận của UBND tỉnh về vụ tàu vỏ thép hư hỏng.

Theo đó, kết quả kiểm tra thẩm định chất lượng tàu vỏ thép cho thấy phần lớn phản ánh của ngư dân là đúng. Cụ thể, 5 tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng, hiện phần lớn thân, vỏ xuống cấp, gỉ sét nghiêm trọng. Tất cả các tàu đều đóng bằng thép Trung Quốc nhưng biên bản xác nhận khối lượng và thanh toán tiền ghi là thép Hàn Quốc. Trong đó, 3 tàu sử dụng thép không đạt quy chuẩn. Riêng 13 tàu do Công ty Nam Triệu đóng, có 3 tàu dùng thép không đạt quy chuẩn và 9 tàu lắp ráp động cơ được cho là máy thủy chính hãng Mitsubishi (Nhật Bản) nhưng thực tế là "máy đểu". Ngoài ra, không ít bộ phận, thiết bị khác của 18 tàu vỏ thép trên cũng có vấn đề, như máy đo sâu dò ngang bị hỏng; bóng đèn cao áp lắp ráp không đúng hợp đồng; nhiều hầm bảo quản đọng nước, giữ nhiệt kém...

Kiến nghị xử hình sự cơ sở đóng tàu gian dối - Ảnh 1.

Một ngư dân Bình Định bên con tàu vỏ thép trị giá gần 20 tỉ đồng vừa đóng đã hư hỏng Ảnh: Anh Tú

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương một số nội dung. Trong đó, Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng của bộ phối hợp Công an tỉnh Bình Định điều tra, xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cơ sở đóng tàu có hành vi gian lận trong thực hiện hợp đồng với ngư dân; Bộ NN-PTNT chỉ đạo Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT) kiểm định các tàu sau khi đã được các cơ sở đóng tàu sửa chữa, khắc phục đủ điều kiện tham gia khai thác trên biển; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách gia hạn nợ, kéo dài thời gian ân hạn đối với các chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng, không ra khơi hoạt động sản xuất được.

Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu 2 cơ sở đóng tàu khắc phục những hư hỏng trong thời gian sớm nhất để ngư dân giảm thiểu thiệt hại kinh tế, sớm ra khơi bám biển sản xuất. Trong đó, đối với phần vỏ thép, phải làm sạch phần bề mặt và sơn lại đúng tiêu chuẩn. Riêng các vỏ tàu đã thay thế thép Hàn Quốc bằng thép Trung Quốc, Công ty Đại Nguyên Dương phải thay bằng thép Hàn Quốc đảm bảo đúng quy chuẩn. Đối với phần máy, Công ty Nam Triệu phải thay 11 máy thủy mới 100% chính hãng cho các tàu có máy không phải máy thủy chính hãng...

Cơ sở đóng tàu cam kết khắc phục

Sau khi nghe thông báo kết luận của UBND tỉnh Bình Định, đại diện Công ty Nam Triệu và Công ty Đại Nguyên Dương đã thừa nhận kết quả thẩm định chất lượng 18 tàu vỏ thép như trên là đúng thực tế.

Nói về nguyên nhân vắng mặt trong những lần công bố kết luận thẩm định trước đây, ông Nguyễn Xuân Nguyên cho rằng do bị bệnh phải nằm viện nên không thể đến dự được.

Tiếp đó, đại diện Công ty Nam Triệu và Công ty Đại Nguyên Dương thảo luận với các chủ tàu để bàn về kế hoạch, phương án khắc phục, sửa chữa tàu. Sau khoảng hơn một giờ bàn bạc với ngư dân, về cơ bản, 2 cơ sở đóng tàu đã thống nhất phương án, kế hoạch đưa tàu lên đà để tiến hành khắc phục, sửa chữa trong thời gian nhanh nhất. Toàn bộ kinh phí khắc phục, sửa chữa tàu do cơ sở đóng tàu chịu.

Đại tá Đặng Ngọc Oanh, Tổng Giám đốc Công ty Nam Triệu, cho biết đã thống nhất và ký biên bản với các chủ tàu về phương án khắc phục và sửa chữa các hạng mục trên tàu vỏ thép hư hỏng do đơn vị mình đóng. Theo đó, ông Oanh cam kết đến ngày 15-8 sẽ khắc phục, sửa chữa xong toàn bộ các tàu hư hỏng để ngư dân sớm ra khơi đánh bắt.

Về phía Công ty Đại Nguyên Dương, ông Nguyễn Xuân Nguyên cũng đồng ý các phương án khắc phục, sửa chữa tàu cho ngư dân sớm ra khơi. Cụ thể, phần vỏ tàu nào làm bằng thép không đạt quy chuẩn cấp A thì thay thế lại thép đúng chuẩn. Riêng phần kinh phí chênh lệch giữa thép Trung Quốc và Hàn Quốc, ông Nguyên cam kết sẽ trả tiền cho ngư dân như đã thỏa thuận. Địa điểm tiến hành khắc phục, sửa chữa tàu tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định hoặc TP Đà Nẵng.

Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo xử lý

Cùng ngày, Bộ NN-PTNT đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai các nhiệm vụ được giao liên quan đến chất lượng tàu cá đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67). Trong đó, khi đề cập đến 18 tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định bị hư hỏng, Bộ NN-PTNT kiến nghị Thủ tướng xem xét giao UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục yêu cầu cơ sở đóng tàu thực hiện cam kết, có kế hoạch cụ thể khắc phục các sai phạm...

Bộ NN-PTNT tự nhận hình thức xử lý qua kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo bộ này nghiêm túc xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan thuộc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, xử lý nghiêm; đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét gia hạn nợ, kéo dài thời gian ân hạn đối với chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng; giao Bộ Tài chính hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị bảo hiểm tiếp tục bảo hiểm tàu cá đóng mới theo Nghị định 67; không để tàu cá đóng xong không được giải ngân, không được ra khơi do vướng mắc bảo hiểm.

Báo cáo cũng nêu đề nghị không cho Công ty Nam Triệu nhận mới các hợp đồng đóng mới tàu cá cho đến khi có kết luận cuối cùng của cơ quan thẩm quyền; xem xét đề xuất của UBND tỉnh Bình định về việc điều tra, xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cơ sở đóng tàu có hành vi gian lận trong thực hiện hợp đồng mới tàu cá.

Trong biên bản cam kết và thống nhất kế hoạch khắc phục, sửa chữa từng tàu vỏ thép được lập vào cuối giờ chiều cùng ngày, ngoài doanh nghiệp đóng tàu và chủ tàu, còn có đại diện của Sở NN-PTNT Bình Định, Tổng cục Hậu cần (Bộ Công an, đơn vị chủ quản của Công ty Nam Triệu), Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, Công an tỉnh Bình Định và nhiều tổ chức đoàn thể ở địa phương.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo