xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ký kết hiệp định Genève: Phân định vĩ tuyến - Đòn cân não

BÍCH DIỆP

Theo đại tá Hà Văn Lâu, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu, từ tháng 3-1951, cuộc đàm phán ký kết hiệp định Genève chia làm 3 thời kỳ, kéo dài 2 tháng rưỡi

Giai đoạn 1 của Hội nghị Genève (từ ngày 18-5 đến 20-6-1954) bao gồm 8 nước, 9 bên (Việt Nam có 2 bên tham dự), chủ yếu bàn về quân sự. Thời điểm này, Việt Nam và Pháp liên tục tranh cãi nảy lửa về thực lực trên chiến trường. Khi chỉ lên bản đồ có những khu vực Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã giải phóng, Pháp cứ nhận bừa là đang chiếm.

Âm mưu xâu xé Việt Nam

Sau một thời gian tranh cãi, phương án đầu tiên được thống nhất là “da báo”, tức chia nhau theo từng vùng. Với tư cách là cố vấn quân sự trong đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị Genève, ông Hà Văn Lâu có mặt trong các cuộc đàm phán với phía Pháp.

Ông kể: Thoạt đầu, Pháp chỉ muốn ngừng bắn, quân ở đâu đóng ở đó và nhận cả những phần thuộc về Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.Ông Tạ Quang Bửu - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - lập tức trải bản đồ ra bàn, lấy tay chỉ vào từng điểm kiên quyết yêu cầu Việt Nam phải có thủ đô, hải cảng, sân bay, quân đội 2 bên tập kết theo vùng, ranh giới.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Tạ Quang Bửu (phải) ký hiệp định Ảnh: TƯ LIỆU
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Tạ Quang Bửu (phải) ký hiệp định Ảnh: TƯ LIỆU

Ỷ thế nước lớn, Ngoại trưởng Pháp Bidault không chịu gặp đoàn Việt Nam hay thảo luận về các vấn đề chính trị. Ông ta bị đoàn Liên Xô, Trung Quốc lên án là thiếu hợp tác. Trước sự công kích của dư luận trong nước và bị Mỹ ép, chính phủ của Thủ tướng Pháp Lamiel sụp đổ, Mendès France lên thay. Tân Thủ tướng Mendès France khi nhậm chức, hứa trước quốc hội trong vòng 1 tháng, nếu không đạt được ngừng bắn ở Đông Dương sẽ từ chức.

Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ ngày 23-6, các bên tiếp tục tranh luận về cách thức chia nhau theo vĩ tuyến. Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa yêu cầu lấy vĩ tuyến 13 (phía Nam tỉnh Quy Nhơn) làm điểm phân giới trong khi Pháp đòi ranh giới ở vĩ tuyến 18 (phía Bắc Đồng Hới).

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Pháp đang thua to trên chiến trường nên cầu cứu Mỹ can thiệp. Nhưng Mỹ cho rằng cuộc chiến ở Đông Dương đã qua thời điểm có thể đảo ngược tình thế nên các cuộc họp 3 bên giữa Anh - Pháp - Mỹ không đạt được kết quả. Mỹ chỉ cử cấp thứ trưởng làm trưởng đoàn đàm phán với tư cách như quan sát viên; buộc Pháp công nhận Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng Chính phủ miền Nam Việt Nam của Bảo Đại.

Những ngày đầu tháng 7 mở đầu cho thời kỳ thứ ba của hội nghị, Mendès France đến Genève gặp Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai thăm dò về các vấn đề phân vùng, thống nhất Việt Nam, Lào và Campuchia. Pháp vẫn không muốn bàn các vấn đề chính trị nhưng đồng thời cũng xin gặp trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với âm mưu chia cắt Việt Nam càng lâu càng tốt, tập kết quân đội của Việt Nam và Pháp ở vĩ tuyến 18, trung lập hóa các vùng công giáo trên miền Bắc.

Lúc này, Mỹ lại tính nước cờ khác, ráo riết can thiệp vào các cuộc đàm phán nhằm “đục nước béo cò” cho các con bài chính trị của mình. Mỹ đưa ra giải pháp 7 điểm, coi đó là nguyên tắc thương lượng của các đoàn phương Tây nhằm chia cắt Việt Nam, tạo tiền đề cho Mỹ thay thế Pháp ở Đông Dương. Để lôi kéo Mỹ tiếp tục tham gia hội nghị, Pháp phải nhượng bộ, chấp nhận giải pháp 7 điểm.

Thắng lợi trong nỗi buồn chia cắt

Trong khi đó, Việt Nam và Trung Quốc đã có cuộc gặp quan trọng.Từ ngày 3 đến 5-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Thủ tướng Chu Ân Lai tại Liễu Châu - Trung Quốc bàn về nội dung hội nghị, trong đó chú trọng đến ranh giới tạm thời giữa 2 miền và thời gian tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Hồ Chủ tịch đề nghị lấy vĩ tuyến 13 để chia ranh giới và tiến hành tổng tuyển cử trong 6 tháng kể từ khi ký hiệp định. Thủ tướng Chu Ân Lai khẳng định “sẽ bàn với đoàn Liên Xô về các vấn đề này, mong nếu gặp khó khăn, đề nghị Hồ Chủ tịch cho phép được linh hoạt”.

Những ngày cuối cùng, hội nghị diễn ra rất khẩn trương, căng thẳng. Ngoài các cuộc gặp tay đôi, tay ba, đã diễn ra một cuộc họp chung giữa tất cả trưởng đoàn. Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng đã gặp lại Thủ tướng Pháp Mendès France, đề nghị lấy vĩ tuyến 16 làm ranh giới tạm thời; gặp trưởng đoàn Chính phủ miền Nam Việt Nam bàn về vấn đề thống nhất tổng tuyển cử trong thời hạn 6 tháng.

Một ngày trước khi hội nghị kết thúc (19-7), 3 đoàn Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam vẫn nhất trí lấy vĩ tuyến 16 làm điểm phân chia Bắc - Nam nhưng phía Pháp lại đòi vĩ tuyến 18. Cuối cùng, với đề nghị của Ngoại trưởng Liên Xô Molotov, các bên thống nhất lấy vĩ tuyến 17, tức sông Bến Hải phía Bắc tỉnh Quảng Trị, làm điểm chia cắt 2 miền và tiến hành tổng tuyển cử sau 2 năm, rút quân đội ngoại quốc khỏi Lào và Campuchia.

15 giờ ngày 21-7, một phiên họp toàn thể 9 đoàn ra tuyên bố của Hội nghị Genève về Đông Dương gồm 13 điểm, trong đó quan trọng nhất là giải quyết vấn đề chính trị của Việt Nam trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông Trần Việt Phương, nhớ lại: Kết thúc hội nghị, trở về, không người nào vui, đặc biệt là anh em miền Nam, vì biết nửa phần đất nước đã bị chia cắt. Nhưng hiệp định vẫn là một thắng lợi vì lần đầu tiên Việt Nam đã có vị trí của mình, đã được tính là một quốc gia, dân tộc, không còn là nô lệ, không còn là người dân bị mất nước.

Nhượng bộ dưới áp lực lớn

Đánh giá về Hiệp định Genève, PGS-TS Pierre Asselin, ĐH Thái Bình Dương (Honolulu - Mỹ), nhận xét: Trung Quốc với sự hỗ trợ của Moscow đã hy sinh lợi ích của đồng minh Việt Nam, ép Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đồng ý chia cắt đất nước ở vĩ tuyến 17 để quyết tâm ngăn cản quân đội Mỹ can thiệp vào Đông Dương nhằm nâng cao uy tín quốc tế của mình. Dưới áp lực của Liên Xô và Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải từ bỏ cố gắng thống nhất toàn bộ Việt Nam và giải phóng toàn Đông Dương. Vì thế, tại Genève, lợi ích quốc gia của Trung Quốc và Liên Xô lớn hơn bất kỳ nghĩa vụ nào về ý thức hệ...

Kỳ tới: Áo thụng, quần chân voi làm nên lịch sử

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo