xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lá chắn đã mất

Quý An

Chỉ một trận lũ quét thôi mà đoạt mạng đến 8 người và làm mất tích hơn 23 người ở hai huyện Mường La (Sơn La) và Mù Cang Chải (Yên Bái) vào rạng sáng 3-8.

Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, lũ quét sau mưa vốn khá phổ biến, người dân bao đời nay đã quen với "tánh khí" của tự nhiên nên vẫn chung sống bình thường. Nhưng sự bình thường ấy vài năm trở lại đây đã trở nên bất thường và rất đáng lo ngại bởi sự vận động của tự nhiên lại gây tổn hại nghiêm trọng về nhân mạng và tài sản của con người.

Không riêng miền núi phía Bắc, ở miền Trung và Tây Nguyên cũng vậy, cứ vào mùa mưa lũ là sạt lở nặng, ngập to và kéo dài, làm chết người rất nhiều.

Tìm đáp án cho câu hỏi vì sao như vậy, không khó! Đó là hậu quả nhãn tiền của tình trạng phá rừng đầu nguồn. Rừng có chức năng giữ nước, cân bằng sinh học, xưa "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù", nay rừng đã bị phá rỗng ruột, hễ mưa xuống là bao nhiêu nước đổ tuột hết về đồng bằng, nói thiên tai cũng đúng mà gọi nhân tai cũng chẳng sai.

Theo công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016, "tính đến ngày 31-12-2016, diện tích rừng toàn quốc có 14.377.682 ha, trong đó rừng tự nhiên là 10.242.141 ha và rừng trồng là 4.135.541 ha". Diện tích rừng tự nhiên chắc chắn giảm dần trong khi rừng trồng không thể tăng tương ứng cả về diện tích lẫn độ che phủ. Ấy là bởi nạn phá rừng hầu như không được kiểm soát. Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi giữa tháng 3-2017 về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, nói thế này: "Tôi đi cả nước thấy rằng về cơ bản rừng đã phá hết rồi do nạn phá rừng, có lãnh đạo còn nói là đi nhìn bên ngoài xanh tốt nhưng bên trong viêm đại tràng nặng, vì cây quý ở trong bị rút hết".

Vị nguyên Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng ẩn ý nói để xảy ra tình trạng như vậy có trách nhiệm của cơ quan chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng: "Từ rừng về thành phố có bao nhiêu trạm thế mà lâm tặc qua hết!".

Lâm tặc lén lút phá rừng để lấy gỗ bán và các chủ đầu tư công khai phá rừng để làm thủy điện. Cả hai đều là kẻ thù trực tiếp của nền kinh tế và đời sống người dân ở hạ lưu. Hàng trăm thủy điện lớn nhỏ trên những vùng cao dù đóng góp tới 30% tổng công suất nguồn điện cả nước nhưng đã gieo rắc biết bao hệ lụy do quản lý - điều hành kém và thường xuyên làm sai nguyên tắc vì chạy theo lợi nhuận. Dư địa để sản xuất điện từ thủy năng ngày càng hẹp dần, vì thế chuyển đổi sang tìm kiếm năng lượng thay thế là hướng đi hợp lý.

Không chỉ là những đợt lũ quét hay những trận ngập lụt gây chết người, thiệt hại tài sản thời gian qua và hôm nay, mà còn là tiền đồ của đất nước mai sau. Một quốc gia không thể phát triển, thậm chí không thể trụ vững, nếu cứ ăn bám vào tài nguyên khoáng sản. Mà "ăn của rừng" thì "rưng rưng nước mắt", như chúng ta đã thấy!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo