xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lại khổ vì “lô cốt”!

Gia Minh - Hải Liên

Sau một thời gian tạm lắng, nay “lô cốt” bắt đầu mọc trở lại gây ảnh hướng đến giao thông cũng như việc buôn bán của người dân TP HCM

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, tính đến giữa tháng 6, toàn TP có khoảng 70 rào chắn thi công trên 25 tuyến đường. Trong đó, nhiều trường hợp đơn vị thi công không tái lập mặt đường đúng quy định, xây dựng không giấy phép hoặc giấy phép hết hạn...

Sao lại đào vào mùa mưa?

Sáng 19-6, trên đường Trần Não (quận 2), nhiều “lô cốt” mọc đan xen nhau kéo dài từ khu vực cầu Đen đến gần đường Lương Định Của khiến con đường như những manh áo chắp vá. Một số đoạn hàng rào tôn, khung thép đã cũ nát, nằm xiêu vẹo. Nhiều chỗ mặt đường bị cày nát, lún sâu, lởm chởm đá. Đơn vị thi công đã cấm xe lưu thông, buộc các phương tiện phải lưu thông ngược chiều sang làn đường khác. Các công trình thi công này nằm trong dự án nâng cấp mặt đường Trần Não và xây dựng cống (dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Văn Hưởng đến xa lộ Hà Nội, quận 2).

“Gần cả tháng nay, gia đình tôi muốn đi đâu cũng không được vì đơn vị thi công rào đường cấm xe ra vào” - một người dân sống trên đường Trần Não nói.

Ngoài ra, phần đất trên dải phân cách bị đơn vị thi công cày xới, để ngổn ngang vật liệu xây dựng. Các khối bê-tông lớn đặt chỏng chơ với hàng chục thanh thép sắc nhọn đã hoen gỉ, chĩa ngược lên nhưng lại không hề được rào chắn.

Lô cốt án ngữ tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học (quận 1, TP HCM) Ảnh: Gia Minh
Lô cốt án ngữ tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học (quận 1, TP HCM) Ảnh: Gia Minh

Có mặt tại đây vào lúc 15 giờ cùng ngày, chúng tôi chứng kiến hàng trăm phương tiện lưu thông bị ùn ứ do các “lô cốt” án ngữ hơn nửa phần đường. Theo anh Huỳnh Văn Lợi (ngụ quận 2), mặt đường chỉ rộng khoảng 6-7 m nhưng “lô cốt” lại nằm chình ình giữa đường khiến xe cộ không còn chỗ để lưu thông. Trời nắng thì bụi mù mịt, trời mưa lại lầy lội khiến người dân đi qua đây hết sức khổ sở. Nhiều người dân ở đây còn thắc mắc tại sao suốt gần nửa năm qua, trời nắng thì không đào đường, dựng “lô cốt” mà chờ đến mùa mưa mới làm.

Tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học (quận 1), giao thông qua khu vực rào chắn xây dựng tuyến cống bao nhánh đường Đề Thám - Cô Bắc - Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học khá hỗn loạn. Giờ cao điểm, hàng trăm xe máy phải leo lên vỉa hè trong khi ô tô bị ùn ứ kéo dài, nhích từng chút để di chuyển.

Chưa hết, tại đường Đỗ Xuân Hợp, chỉ gần 4 km đoạn qua 2 phường Phước Long B và Phước Bình (quận 9), cũng có gần chục “lô cốt” thuộc dự án thi công hệ thống cống thoát nước mọc lên. Người dân phản ánh giờ cao điểm sáng chiều mỗi ngày, đoạn đường này bị ùn tắc gần 2 giờ do lượng phương tiện dồn về đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây quá đông. Mỗi ngày có hàng chục xe ben chở đất cát, xà bần qua đây khiến mặt đường bị xuống cấp nghiêm trọng. Đó là chưa kể đến tình trạng xe chở cát làm rơi vãi đầy đường, bụi mù mịt. Người dân chỉ còn cách xây tường cao, đóng chặt cửa để tránh bụi.

Tương tự ở quận 3, nhiều tuyến đường như Trần Quốc Thảo, Pasteur, Trần Quốc Toản, Hai Bà Trưng… cũng mọc lên hàng loạt “lô cốt” thuộc các dự án thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Thi công đến năm 2016

Sở GTVT TP HCM cho biết đến cuối năm 2015, toàn TP có 65 công trình thi công, nhiều tuyến đường ở trung tâm sẽ bị rào chắn, trong đó có dự án phải đến năm 2016 mới hoàn tất. Cụ thể, đường Đề Thám - Cô Bắc - Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo (quận 1) được rào chắn đến cuối năm 2015 để thi công cống thoát nước, di dời tuyến cáp điện ngầm 220 KV. Kể từ tháng 6 đến tháng 12, vỉa hè đường Tôn Đức Thắng (quận 1) cũng sẽ rào chắn để thi công dự án tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên.

Ở quận 3, một phần các tuyến đường Trần Quốc Thảo, Pasteur, Trần Quốc Toản, Hai Bà Trưng, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai cũng bị rào chắn trong quý III và IV/2015 để thi công sửa chữa tuyến ống cấp 2.

Tại quận 5, để lắp đặt tuyến ống cấp 2, một phần các tuyến đường Hồng Bàng, Lê Hồng Phong, Ngô Nhân Tịnh cũng bị rào chắn để đào. Đặc biệt, dự án di dời cáp điện ngầm 220 KV trên đường Võ Văn Kiệt phải đến tháng 1-2016 mới hoàn tất. Dự án sửa chữa tuyến ống cấp 2 đường Võ Văn Tần - Nguyễn Thị Minh Khai phải đến quý I/2016 mới hoàn thành.

Mùa mưa đã đến mà “lô cốt” vẫn ngổn ngang nhiều nơi cùng với tình trạng ngập nước, dự báo cảnh kẹt xe sẽ tái diễn dài dài gây khó khăn khi lưu thông.

Xây dựng phương án thi công

Để bảo đảm quản lý thống nhất và đồng bộ trong thi công hạ tầng kỹ thuật, tránh tình trạng thi công nhiều lần trên cùng vị trí, Sở GTVT TP HCM yêu cầu chủ đầu tư có kế hoạch thi công công trình hạ tầng kỹ thuật trong năm 2015, chủ động phối hợp liên hệ với các cơ quan đơn vị quản lý đường bộ để cùng xây dựng phương án thi công đồng bộ khi có công trình cùng phạm vi với các chủ đầu tư khác. Ngoài ra, UBND TP HCM cũng chỉ đạo Sở GTVT chỉ cấp giấy phép thi công trên các tuyến đường quản lý khi nhận được phương án phối hợp, đồng bộ đối với các công trình thi công trên cùng phạm vi.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo