xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Liệt sĩ” trở về sau 46 năm

Bài và ảnh: BÍCH VÂN

Sau hàng chục năm thất lạc khi đang làm nhiệm vụ cách mạng, trong đó có 9 năm được công nhận là liệt sĩ, bà Nguyễn Thị Ân trở về trong niềm vui khôn xiết của gia đình

Bà Nguyễn Thị Ân (SN 1942; quê xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) được công nhận là liệt sĩ từ năm 2006. Trước đó, trong hàng chục năm, người chị dâu duy nhất còn lại của gia đình bà Ân đã lặn lội tìm kiếm, hỏi thăm tung tích người em chồng (là bà Ân) thất lạc khi đang làm nhiệm vụ cách mạng. Đầu tháng 7-2015, gia đình nhận được tin bà Ân còn sống và đang được nuôi dưỡng ở một trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Luôn tin còn sống

Căn nhà cấp 4 cũ kỹ của bà Ngô Thị Phán (SN 1942; ngụ xã Hòa Khương) vốn vắng vẻ bỗng đông lạ thường. Nhiều người hàng xóm cùng bà con khắp nơi tới thăm và chia vui với gia đình trước thông tin bà Ân vừa trở về. Bà Phán là vợ của ông Nguyễn Tam (hy sinh năm 1970 và là anh ruột của bà Ân). Gia đình bà Ân có 3 người con, trong đó ông Tam là con trai cả, đến bà Ân và một cô em gái là bà Nguyễn Thị Lý (cũng là liệt sĩ).

Bà Ngô Thị Phán ngồi bên người em chồng Nguyễn Thị Ân
Bà Ngô Thị Phán ngồi bên người em chồng Nguyễn Thị Ân

Vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cả 3 anh em bà Ân đều tham gia cách mạng. Trong đó, bà Ân làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực ở đơn vị K600 kho lương thực Quảng Đà. Sau đó, anh và em gái bà Ân lần lượt hy sinh, bà Ân thì thất lạc trong khi vận chuyển lương thực và bị lính Mỹ bắn trọng thương vào năm 1969. 46 năm qua, gia đình không còn biết tung tích của bà, nghe đâu bà được đưa ra Bắc điều trị.

Hòa bình lập lại, bà Phán bắt đầu hành trình tìm kiếm cô em chồng. “Cô ấy là người duy nhất còn hy vọng sống sót trong gia đình nên tôi luôn tin rằng cô ấy còn sống” - bà Phán tâm sự khi kể về việc đã lặn lội xuống trung tâm TP Đà Nẵng, vào TP Hội An (tỉnh Quảng Nam)… để hỏi thăm tung tích cô em chồng. “Đi tới đâu người ta cũng bảo không biết và không tiếp nhận thương binh nào tên Ân vào năm đó. Tôi có tìm về đơn vị cũ của cô Ân cũng chỉ biết cô ấy bị thương nặng và được đưa ra miền Bắc điều trị”.

Từ đó, bà Phán cùng các con viết thư, gọi điện thoại tới các trung tâm nuôi dưỡng thương binh ở khắp các tỉnh miền Bắc nhưng họ đều hồi âm rằng các trường hợp tương tự đều đã được trả về miền Nam sau năm 1975. Cuộc tìm kiếm rơi vào vô vọng khi bà Phán gặp được người cùng làm trong đơn vị cũ của bà Ân. Người này cho biết lúc đó bà Ân bị thương rất nặng, có thể đã hy sinh khi được chuyển ra miền Bắc.

Sau đó, đồng đội của bà Ân đã làm giấy xác nhận bà đã hy sinh để gia đình làm hồ sơ xin công nhận liệt sĩ. Năm 2006, bà Ân được nhà nước công nhận là liệt sĩ hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Kể từ đó, bà Phán lập bàn thờ cho em dâu và lấy ngày 27-7 (ngày Thương binh Liệt sĩ) làm ngày giỗ bà Ân.

Đầu tháng 7 năm nay, gia đình bà Phán nhận được tin từ UBND xã Hòa Khương rằng có người báo tin bà Ân vẫn còn sống và được nuôi dưỡng ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng và Người có công huyện Long Đất (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Người nhà bà Phán liên lạc và được trung tâm xác nhận đang nuôi dưỡng bà Ân tại đây. Gia đình bà đã đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để làm thủ tục đón bà Ân trở về. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng thời chiến tranh, bà Ân nay không còn nhận được người thân và chỉ nằm một chỗ.

Từ ngày đưa bà Ân về, gia đình bà Phán ai cũng mừng bởi dù sao thì cuối cùng cũng đã tìm được bà, đưa bà trở về sống cạnh người thân. Hằng ngày, đứa cháu gọi bà Ân là bà nội cô ở bên cạnh săn sóc bà.

Nhiều lý do khách quan

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Cảnh Hòa, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng và Người có công huyện Long Đất, cho biết vì nhiều lý do khách quan mà bà Ân bị thất lạc gia đình mãi cho đến bây giờ. Theo ông Hòa, sau khi bị thương vào năm 1969, bà Ân được đưa về dưỡng thương tại một trung tâm điều dưỡng thương binh của tỉnh Phú Thọ. Đến năm 1983, trung tâm này đưa bà sang Trung tâm Điều dưỡng thương binh tâm thần ở Ninh Bình.

Trong khi người nhà bà Ân tưởng bà được chuyển vào miền Nam nhưng thực chất lại được chuyển ra Ninh Bình nên từ đó mất liên lạc. Đến năm 2003, khi Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng và Người có công huyện Long Đất được xây dựng khang trang thì bà Ân được chuyển từ Ninh Bình về đây. Lúc đó, trong hồ sơ liên lạc của bà có ghi địa chỉ quê quán tại xã Hòa Lương, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Đà (nay thành xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Trung tâm dựa trên địa chỉ đó, nhiều lần gửi thư về cho Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Nam để tìm tung tích gia đình bà Ân nhưng đều nhận được trả lời không có trường hợp nào tên là Nguyễn Thị Ân.

“Chúng tôi cứ nghĩ bà Ân ở Quảng Nam chứ không biết là ở TP Đà Nẵng. Chính vì thế, mãi cho đến khi có một người ở Quảng Nam vào đây tìm anh trai bị thất lạc trong chiến tranh, đọc hồ sơ và tình cờ nhận ra bà Ân quê ở huyện Hòa Vang là thuộc TP Đà Nẵng. Dựa vào đó, chúng tôi mới báo tin về cho UBND xã Hòa Khương và tìm được gia đình của bà Ân” - ông Hòa kể.

Sẽ xét chế độ thương binh

Ông Đinh Ngọc Thiên, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương, xác nhận trường hợp “liệt sĩ” Nguyễn Thị Ân trở về đã gây xôn xao dư luận địa phương. “Chúng tôi đã báo cáo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng để trả lại danh hiệu liệt sĩ và xét chế độ thương binh cho bà Ân vì bà bị thương rất nặng” - ông Thiên nói.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo