xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Miền Tây cạn kiệt cá đồng

DUY NHÂN - CÔNG TUẤN - CA LINH

ĐBSCL từng là vựa cá đồng trù phú, “bước xuống nước là đạp phải cá” nhưng hiện nay, tìm đỏ cả mắt cũng chưa chắc có

ĐBSCL không chỉ là vựa lúa mà còn là vựa tôm, cá của cả nước. Đặc biệt, nguồn cá đồng tự nhiên ở đây rất dồi dào, nhiều chủng loại. Thế nhưng, khoảng hơn 10 năm nay, ngay tại “thủ phủ” cá đồng này cũng khó kiếm được vài ký cá sống trong tự nhiên.

Mất dần đất sống

Cá đồng có thể không đâu nhiều bằng vùng bán đảo Cà Mau xưa. Khoảng 10 năm trước, khi diện tích lúa mênh mông chưa bị chuyển sang nuôi tôm, nơi đây không hề có khái niệm “nuôi cá đồng” bởi cá đồng trong ruộng, trong mương bắt hoài không hết. Cho nên, có thể nói không ngoa rằng khu vực rừng U Minh Hạ (Cà Mau) và U Minh Thượng (Kiên Giang) là những “vỉa” cá đồng lớn nhất nước.

Theo “thầy đìa” Mười Thăng (Trịnh Nhựt Thăng; ở xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), khi ở miệt rừng U Minh xuất hiện nghề “thầy đìa” (đoán cá trong ao để mua) lạ lẫm từ năm 1990 thì cá đồng đã khan hiếm rồi. “Những năm đó, chỉ cần dùng nhánh cây đập xuống nước hay dùng đất sình liệng xuống ao làm cho cá rút vào trong các bụi rậm, hang hốc là tha hồ mò bắt. Người ta chở cá đầy cả xuồng ra chợ bán. Còn khoảng chục năm trở lại đây, dân chuyên sống bằng nghề bắt cá đồng tự nhiên thi thoảng mới kiếm được vài ký là cùng. Ai cũng nghèo rớt mồng tơi!” - ông Mười Thăng tiếc nuối.

 

May mắn lắm mới có được những mẻ lưới được ít cá đồng ở miền Tây Ảnh: DUY NHÂN
May mắn lắm mới có được những mẻ lưới được ít cá đồng ở miền Tây Ảnh: DUY NHÂN

 

Bây giờ, con cá đồng trở nên rất khó sống trong môi trường quá nhiều hóa chất và nước mặn do ruộng đồng nơi đâu cũng làm lúa tăng vụ hoặc lấy nước mặn nuôi tôm. Khi cá đồng ngày càng ít thì người ta lại nghĩ ra cách đánh bắt tận diệt như xuyệc điện, kéo lưới bắt cá non, làm cho nguồn cá tự nhiên cạn kiệt dần.

Ở ĐBSCL, cứ mùa mưa đến hoặc mỗi khi nước lũ đổ về thì cá, cua, tôm đồng tại An Giang, Đồng Tháp và Long An nhiều vô kể. Đây cũng là mùa ăn nên làm ra đối với dân nghèo. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, từ ruộng đến sông ở 3 tỉnh này, đi đâu cũng thấy bóng dáng của đội ngũ xuyệc cá bằng điện, dùng ghe cào chạy trên sông để bắt hết cá lớn lẫn cá bé. Dân câu cá, đánh lưới trước đây chán nản bỏ nghề.

Thật giả khó lường

“Hiện nay, nếu đi các chợ ở ĐBSCL, rất hiếm tìm ra cá đồng hoặc cá sông. Nếu những người bán bảo đây là cá trê hay cá lóc đồng thì họ nói bừa vì toàn là cá nuôi” - anh Lê Châu Cận (ngụ xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) đoan chắc.

Lớn lên với ruộng đồng nên cuộc sống của anh Cận quanh năm gắn với việc đi bắt cá ở đồng và chài lưới trên sông. Anh giải thích: “Năm năm trở lại đây, cá lóc, cá mè vinh, cá rô đồng rất khó tìm ở các chợ do người dân làm rẫy, trồng lúa, nhất là trồng khoai, phun rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật làm môi trường nước bị ảnh hưởng; cua, cá không sống nổi. Ngoài ra, do nước lũ mấy năm nay về ít, những con mương, ao xung quanh nhà đã cạn, đi đặt lợp nhiều lần thì may lắm mới trúng được một con cá lóc. Thế thì lấy đâu ra số lượng nhiều cá đồng bán ở chợ mỗi ngày?”.

Theo anh Cận, hiện nay, đến các chợ ở vùng sâu may ra mới còn cá đồng nhưng số lượng rất ít. “Cá đồng nếu cầm lên quan sát thì thấy nó dài đòn, bóp nhẹ thì cảm giác thịt của nó cứng. Còn cá nuôi tuy to, mập mạp nhưng khi bóp thấy thịt mềm nhũn” - anh Cận so sánh.

Ông Trần Vũ Phương - người chuyên nuôi cá lóc ở huyện Châu Thành và huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh - cho biết hiện nay, nguồn cá lóc đồng cực hiếm. Phần lớn cá lóc đồng bắt được đều có người quen thu mua hoặc bán cho các mối đặt sẵn. “Với cá lóc được rao bán tràn lan ngoài chợ, người mua cần phải xem kỹ vì thường là cá nuôi. Ở nhiều nơi, người ta cho cá lóc nuôi xuất ao sớm và đánh tráo thành cá lóc đồng non. Cá lóc đồng có đầu thon nhọn, nhỏ và rắn chắc; thân mình trông ốm và cảm giác có nhiều xương” - ông Phương nhận xét.

Theo ông Phương, quy trình nuôi cá lóc khoảng 5-6 tháng, chăm sóc tốt thì mỗi con đạt khoảng 1-2 kg. Nguồn cá này chủ yếu được thương lái thu mua, cung cấp cho các chợ đầu mối, nhà hàng, các điểm bán cá lóc nướng hoặc chở ngược qua Campuchia làm khô và dán mác khô cá lóc Biển Hồ, đẩy giá lên cao.

 

Cá đồng “đểu”

Dạo một vòng quanh các khu chợ cá ở Cà Mau, chúng tôi luôn được mời chào rôm rả: “Cá lóc, cá rô đồng đây! Một ký 120.000 đồng”. Nhìn những con cá lóc, cá rô mập ú, bóng nhậy trong thau, chỉ những người không biết gì mới tin đó là cá đồng. Bởi lẽ, vừa trở về từ vùng U Minh, chúng tôi biết được những mùa cá vừa qua, nhiều người dân nơi đây còn phải thả cá giống để nuôi vì nguồn cá tự nhiên đã gần như cạn kiệt.

Anh Nguyễn Văn Út, một người nuôi cá ở rừng U Minh, khẳng định: “Bây giờ muốn ăn cá đồng tự nhiên phải chịu khó xuống kênh giăng lưới nhưng cũng hên xui vì có khi gặp phải... cá nuôi sổng chuồng. Mà chủ yếu là kiếm vài con để đãi khách thôi, chứ kiếm đâu ra nhiều để mà bán”.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo