xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mồ hôi, nước mắt tuổi già

Bài và ảnh: THÀNH ĐỒNG

Tuổi đã cao nhưng họ vẫn thức suốt đêm để bán hàng. Có cụ do hoàn cảnh túng thiếu, không muốn trở thành gánh nặng cho con cháu; song cũng có cụ bị con cái ngược đãi, buộc phải kiếm tiền về đưa cho kẻ bất hiếu

3giờ, cơn mưa vẫn chưa tạnh hẳn. Một bà lão gầy gò, tóc bạc trắng, lom khom đi vào các quán bar nằm trên đường Đề Thám, Bùi Viện – TPHCM mời khách mua vé số, thuốc lá, kẹo... Bước 5-7 bước, cụ lại dừng, một tay chống gối, tay kia đưa ra sau chống vào lưng như cố đẩy người thẳng lên. Mãi đến khi ánh ban mai soi rõ mặt người, cụ mới uể oải lê từng bước về phòng trọ tập thể nằm dưới chân cầu Ông Lãnh, kết thúc một đêm trắng mưu sinh.

Trắng đêm bán hàng

Từ lâu, người trong xóm trọ vẫn gọi cụ là “bà Hoa vé số”. Cụ Hoa quê ở Hà Tĩnh. Chồng mất sớm, cụ cùng hai con gái sống dựa vào mấy sào ruộng. Thấy con quanh năm túng thiếu, cụ Hoa đành tha phương cầu thực. Tôi đến căn phòng trọ của cụ vào một buổi trưa. Cụ Hoa niềm nở: “Bà sinh năm 1929, vào TPHCM từ năm 1993, từ đó đến nay về quê chỉ được hai lần. Ngày nào cũng vậy, cứ sáng sớm, bà ra đại lý lấy vé số, thuốc lá, kẹo..., rồi chiều tối đi bán mãi đến sáng hôm sau mới về”.

Nơi cụ Hoa bán hàng, tôi còn thấy nhiều cụ tuổi “cổ lai hy” khác. Bên kia đường, một cụ bà gần 80 tuổi, đầu trùm khăn, chậm rãi bước vào những quán bar. Đến trước cửa một quán, cụ lấy chiếc áo khoác mặc vào. Bên trong bỗng có khách gọi mua thuốc lá, cụ lật đật cuộn chiếc áo khoác rồi vội vã đi vào. Xa xa, cụ Cao Thị Min, năm nay gần 65 tuổi, đang tất bật đẩy xe bánh tét nghi ngút khói đi tới. Cụ thở dài, than: “Dạo này mưa hoài, bán chẳng được bao nhiêu”. Rồi cụ Min khoe: “Khắp TP này, chỗ nào cũng có dấu chân bà. Nhiều người thường gọi bà là “cụ bánh tét”, còn tên thật thì đã chục năm nay không ai gọi nữa”.

Trời sáng hẳn, các quán bar đã tắt gần hết đèn. Vài bàn còn một số khách đang trò chuyện hay uống những ly bia, cốc rượu cuối cùng. Thi thoảng lại có vài cụ già nhẹ nhàng bước tới, đưa những tấm vé số, bịch kẹo, gói thuốc ra mời. Mãi đến khi những vị khách cuối cùng này ra về, công việc mưu sinh trong đêm của các cụ mới kết thúc.

Tại các quán xá trên đường Phạm Ngũ Lão, dưới chân cầu Ông Lãnh, Bến Chương Dương... - quận 1, tôi còn gặp nhiều cụ 70-80 tuổi với đôi chân hoặc cánh tay tật nguyền yếu ớt, nhưng hằng đêm vẫn bán hàng kiếm sống.

Còn sức còn làm

Dù vất vả hằng đêm nhưng cụ Min vẫn rất lạc quan: “Nhiều bữa về đến nhà mệt lắm nhưng bà cảm thấy vui vì mình sống mà không dựa vào ai. Ngày nào còn sức khỏe, chân còn bước được là bà còn đi bán để kiếm tiền”.

Ngồi tại một quán nước trên đường Nguyễn Thái Học, tôi chạnh lòng khi thấy hai cụ bà trạc 75-80 tuổi dìu nhau vào các bàn mời khách mua hàng. Cụ Lương, quê Bến Tre và cụ Ngưng, ở Thanh Hóa, đều không còn người thân ở TPHCM, song không muốn dựa vào ai, họ tựa vào nhau để sống như chị em. Hằng đêm, cụ Lương dắt cụ Ngưng đến các quán xá ở quận 1 để bán số. Về nhà trọ (nằm trên đường Yersin, phường Cầu Ông Lãnh - quận 1), hai cụ chăm sóc cho nhau, cứ vậy đã gần 8 năm nay.

Cụ Ngưng năm nay 79 tuổi, đã 15 năm xa quê. Cụ kể: “Nhiều lần con gái vào đây tính đưa về quê, nhưng bà không chịu, vì thấy hoàn cảnh ngoài đó rất khó khăn. Thấy bà kiên quyết quá, con gái ôm bà khóc, rồi đành quay về. Dù không dư dả gì để gửi về cho con cháu nhưng bà tự sống một mình cũng được, khỏi làm khổ ai”. Cụ Ngưng khoe: “Sang năm bà được 80 tuổi rồi. Lẽ ra bà phải về quê sống cùng con cháu nhưng bà không dám về, sợ tụi nó thêm tốn kém. Nói vậy thôi chứ bà đang dành dụm ít tiền để Tết năm sau về quê. Bà chỉ sợ lỡ chết trong này thì không có ai bên cạnh”.

Cụ Ngưng từng bị một thanh niên say rượu tông khi đi bán dọc đường Trần Hưng Đạo, quận 1, phải dùng nạng. Dù chân còn đau, nhiều người khuyên ở nhà, đợi cho lành rồi hãy đi bán, nhưng cụ không chịu. “Sống dựa vào người khác thấy khó coi lắm. Vả lại, đồng tiền mình kiếm được thì tiêu mới thấy nhẹ lòng”- cụ cười móm mém. n

Biến cha mẹ thành công cụ kiếm tiền

Trước Trung tâm Triển lãm Quốc tế trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, một cụ già nhỏ thó, tóc bạc trắng ngồi co ro bán hàng từ 14 giờ đến tận nửa đêm. Cụ tên là Bùi Thị Điều, 91 tuổi, quê Long An, có đến 5 con. Cụ bán được bao nhiêu tiền đều bị ba người con chia nhau giành phần. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, 68 tuổi, con gái thứ ba của cụ, chua xót: “Ngày nào mẹ tôi cũng phải đưa cho chị lớn 50.000 đồng gọi là trả góp tiền nhà, tiền ăn. Các anh, chị, em tôi đã xem mẹ như một công cụ kiếm tiền, hằng ngày chỉ biết sống bám vào cụ, không có tiền thì chửi bới, còn dọa đánh đập”. Cụ Điều lau nước mắt: “Đành chịu thôi, nước mắt chảy xuôi, chú ơi...”.

Ngoài bà Mai, cụ Điều còn có một người con đang sống bên Mỹ, mỗi tháng gởi về cho mẹ 100 USD. Bà Mai cũng chu cấp cho cụ khoảng 600.000 đồng hằng tháng. Những khoản tiền này, cùng với tiền cụ bán hàng, đều bị các người con còn lại giành lấy gần hết. “Nhiều khi thấy mẹ bị ngược đãi, tôi chạy sang can ngăn, nhưng mẹ sợ tôi lại bị đánh nên năn nỉ bảo về. Có lúc thấy mẹ dầm mưa dãi nắng bán hàng, kiếm tiền về lại bị họ rỉa hết, tôi khổ tâm chịu không nổi. Song, hoàn cảnh tôi cũng khó quá, không lo cho mẹ được, đành để mẹ sống chung với họ” - bà Mai nghẹn ngào.

Trước Công viên 23-9, tôi thường bắt gặp một cậu bé chừng 13 tuổi dắt một cụ ông mù, chống gậy mò mẫm xin tiền. Cứ xin được 3-4 người, cậu bé lại lấy tiền bỏ vào túi mình, còn cụ ngồi xoài xuống đất nghỉ chân. Khoảng 24 giờ, có một người đàn ông đi xe máy đến chở cụ và cậu bé về phòng trọ ở phường 2, quận Tân Bình. Vừa vào phòng, cụ không kịp cởi chiếc áo khoác, lăn kềnh xuống nền nhà hổn hển thở rồi ngủ thiếp đi.

img
Cụ Bùi Thị Điều, 91 tuổi, bán hàng trước Trung tâm Triển lãm Quốc tế trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình-TPHCM

Hôm gặp tại Công viên Hoàng Văn Thụ, tôi hỏi chuyện thì được cụ cho biết tên là Nguyễn Trọng Mai, 83 tuổi, quê Thanh Hóa. Người đàn ông đi xe máy đến chở cụ hằng đêm là con cụ, cha đứa bé. Cụ Mai có lương hưu hằng tháng được 1,2 triệu đồng, nhưng con trai buộc cụ phải đi xin. “Nó bắt đứa con đang học lớp 5 phải nghỉ học để cùng vào Nam dẫn tôi đi xin. Xin được bao nhiêu, nó giữ cả. Ngày nào không đi xin thì không có cơm ăn, phải ăn mì gói”- cụ chua chát. Hôm sau gặp được người đàn ông con cụ Mai, tôi vừa đề cập đến chuyện sao gia đình để cụ vừa già yếu vừa mù lòa phải đi ăn xin, thì ông ta bực bội: “Già nhưng cũng phải ăn chứ! Phải lo nhiều thứ, một mình tôi sao xuể !”.

Cũng tại Công viên Hoàng Văn Thụ, tôi gặp một người đàn ông chừng 45 tuổi đi xe máy chở một cụ bà tấp vào. Ông ta đưa cụ một chiếc túi xách, một tập vé số rồi bỏ đi. Cụ lặng lẽ đi đến từng người mời mua vé số, vừa xin tiền. Tôi hỏi về người đàn ông lúc nãy, cụ thở dài: “Nó là con trai tôi”. Mãi đến 5 giờ hôm sau, tôi mới thấy người đàn ông hôm qua đến chở cụ về hướng quận 1.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo