xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mùa khô, chạy trốn… “hà bá”

Nhóm phóng viên

Dù là mùa khô nhưng tại nhiều địa phương ở ĐBSCL thường xuyên xuất hiện sạt lở đất. Không chỉ “tấn công” nhà cửa, vườn cây ăn trái, sạt lở còn “ngốn” cả công trình chống sạt lở đang xây dựng

Một trong những địa phương xuất hiện sạt lở nặng trong mùa khô là huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

“Nuốt chửng” nhà cửa, hoa màu

Ông Trần Quanh Hành, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Châu Thành, cho biết địa phương hiện có 15 điểm sạt lở. Bình thường, vào mùa mưa mới diễn ra sạt lở; năm nay, tuy là mùa khô nhưng sạt lở lại rất trầm trọng. Trong 4 tháng đầu năm, toàn huyện đã xảy ra 15 điểm sạt lở, sụp đất bờ kênh với chiều dài từ 10-34 m, rộng từ 2-9 m. Hậu quả, gần 300 m đê, đập và 1.440 m2 đất trôi xuống sông. Ước tính, tổng thiệt hại về đất đai, hoa màu, vật kiến trúc, kể cả đường giao thông nông thôn là 343 triệu đồng.

Một điểm sạt lở nặng tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang Ảnh: Ca Linh
Một điểm sạt lở nặng tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang Ảnh: Ca Linh

Bà Trần Thị Bé (73 tuổi; ngụ ấp Đông Sơn, xã Đông Phước, huyện Châu Thành) ngao ngán: “Lâu nay, tôi vẫn sống trong căn nhà cấp 4 gần mé sông. Hồi tháng 4 vừa qua, khi vừa bước ra khỏi nhà thì đất ngay khu vực tôi đang ở bị sụp, kéo theo đó là vườn cây ăn trái và một phần căn nhà”. Theo ông Hành, do huyện Châu Thành nằm sát sông Hậu, mùa khô mực nước xuống thấp, tàu và sà lan di chuyển nhiều nên dễ tạo ra hàm ếch gây sạt lở.

Thống kê cho thấy toàn tỉnh Đồng Tháp có đến 40 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thị, thành phố nằm trong vùng sạt lở với tổng chiều dài các đoạn lên đến trên 30 km. Trong năm 2014, tổng diện tích đất bị sạt lở lên đến trên 12 ha, thiệt hại trên 30 tỉ đồng, tăng hơn 5,5 tỉ đồng so với năm 2013. Năm nay, tình hình sạt lở “trái mùa” tại Đồng Tháp diễn ra nặng nề. Ngày 10-3 vừa qua, dưới chân mỏ hàn số 7 thuộc công trình kè mỏ hàn xã An Hiệp (huyện Châu Thành) sạt lở nặng, làm 150 m đất bị “nuốt chửng” và ăn sâu vào đất liền hơn 70 m. Trong đó có hơn 11.000 m2 vườn bị thiệt hại lớn, 4 căn nhà sụp hoàn toàn. Mỏ hàn số 7 là hạng mục chính trong công trình phòng chống sạt lở bờ sông trị giá 250 tỉ đồng của tỉnh Đồng Tháp. Sau đó, vụ sạt lở tại đây một lần nữa nhấn chìm gần 1 ha đất, tổng thiệt hại gần 1 tỉ đồng.

Tại Cần Thơ, ngày 23-3, một đoạn kè dài khoảng 40 m ở khu vực 4 (phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng) thuộc công trình kè sông Cần Thơ bị sụp lún nặng. Đây là công trình có tổng kinh phí hơn 1.000 tỉ đồng nhưng thường xảy ra sạt lở. Trước đó, ngày 30-5-2013, công trình này cũng xảy ra sạt lở với gần 60 m kè bị lún, đổ xuống sông.

Đe dọa cuộc sống người dân

Theo thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, mỗi năm, địa phương này sạt lở khoảng 900 ha đất tại khu vực ven biển và ven các cửa sông lớn, làm trôi hàng ngàn hecta rừng phòng hộ; hàng trăm công trình phúc lợi xã hội, cơ sở hạ tầng nông thôn, nhà ở của người dân bị phá hủy.

Cửa biển Khánh Hội thuộc xã Khánh Hội, huyện U Minh là cửa biển lớn thứ hai ở Cà Mau, cách trung tâm TP Cà Mau 50 km. Do nằm ở vị trí ven biển phía Tây nên tình trạng sạt lở luôn thường trực, đe dọa đời sống của 500 hộ dân. Ước tính mỗi năm, nơi đây bị biển lấn vào khoảng 50 m, nhà nước phải tiêu tốn hàng tỉ đồng để chống sạt lở nhưng chỉ là giải pháp tạm thời.

Chỉ tay về phía bia tưởng niệm hơn 1.000 ngư dân thiệt mạng trong cơn bão số 5 năm 1997, ông Nguyễn Văn Chiến, một người dân ở cửa biển Khánh Hội, cho biết: “Bia này được xây dựng từ năm 1998, cách bờ biển hàng trăm mét nhưng bây giờ đã bị nước biển lấn tới chân”.

Tại tuyến bờ biển chạy dài từ Ðông sang Tây thuộc các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, tình trạng sạt lở cũng diễn ra liên tục, làm thu hẹp dần diện tích rừng phòng hộ ven biển cũng như đất liền ven bờ. Tuy chưa có số liệu chính thức nhưng ước tính hằng năm, nước biển lấn sâu vào đất liền khá lớn, nhất là khu vực các cửa biển Gành Hào, Hố Gùi, Bồ Ðề và Vàm Xoáy. Trong vòng 10 năm trở lại đây, có hàng trăm căn nhà của người dân đã bị sóng biển cuốn trôi, hàng ngàn hộ dân chưa có điều kiện di dời phải sống chung với sạt lở trước sự đe dọa trực tiếp của sóng biển.

Do các vụ sạt lở thường diễn ra vào ban đêm nên người dân không kịp trở tay, tài sản mất trắng chỉ trong khoảnh khắc. Huyện Ngọc Hiển là nơi chịu nhiều ảnh hưởng nhất bởi nằm lọt thỏm giữa sông và biển như một ốc đảo. Tại đây, trong năm 2014, xảy ra 10 trận sạt lở đất cuốn trôi 16 căn nhà, hơn 200 căn nhà khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, hiện tượng nước biển dâng đã làm thiệt hại trên 3.000 ha nuôi thủy sản và đất trồng hoa màu, ước thiệt hại trên 3,5 tỉ đồng. Ông Lê Chí Hẳng (ngụ ấp Kinh Ba, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển), 3 lần bị sạt lở nhà chỉ trong vài năm, nói: “Những năm qua, tôi luôn sống trong cảnh phập phồng lo sợ. Đêm ngủ không yên giấc, phải đi ra đi vào canh chừng sạt lở”.

Công bố tình trạng khẩn cấp

Giải thích nguyên nhân sạt lở xảy ra trong mùa khô, PGS-TS Lê Anh Tuấn - Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ - phân tích: “Vào mùa khô, nền đất sét ở ĐBSCL mở rộng ra. Năm nay, mùa khô hạn đến sớm làm cho mực nước sông thấp hơn mọi năm nên đất có xu hướng sụp xuống”. Còn ông Lê Phước Đại, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, cho rằng dòng chảy mạnh, nền địa chất yếu cũng là một trong những nguyên nhân gây sạt lở. Huyện Châu Thành đã đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang xin kinh phí làm các công trình chống sạt lở nhưng đến nay chưa có phản hồi. “Đối với những hộ nằm trong vùng sạt lở, chúng tôi khuyến cáo người dân nhanh chóng di dời nhà cửa, vật dụng. Hằng năm, đều có di dời người dân vào khu tái định cư hoặc hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ để họ có nơi trú ngụ an toàn” - ông Hành nói.

Trước tình trạng sạt lở ngày càng nguy hiểm, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đã ký quyết định công bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở đất bờ sông Tiền, đoạn qua xã An Hiệp, huyện Châu Thành. UBND tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT và chính quyền địa phương xác định ngay vành đai sạt lở, cắm mốc và biển báo khu vực thường xảy ra sự cố để cảnh báo cho người dân biết; đồng thời di dời các hộ dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh… ra khỏi nơi sạt lở.

Cần trồng các loại cây ven bờ

Nhiều nhà khoa học cho rằng việc xây các công trình trên sông làm thay đổi dòng chảy và gây sạt lở. “Các địa phương không nên xây quá nhiều công trình ven sông, nếu có làm thì phải xa bờ. Bên cạnh đó, cần trồng các loại cây ven bờ như: dừa nước, bần, đước, mắm… để giữ bờ. Ở những điểm sạt lở nặng thì có bảng hạn chế tốc độ để tàu thuyền biết mà chạy chậm lại” - PGS-TS Lê Anh Tuấn đề xuất.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo