xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nan giải những vấn đề “nóng”

Trường Hoàng

Hàng loạt vấn đề bức xúc đã được các đại biểu HĐND TP HCM đặt ra như “vẽ” bệnh ở phòng khám Trung Quốc, “xe dù, bến cóc”, dự án “rùa bò”...

Ngày 8-12, kỳ họp thứ 3 HĐND TP HCM tiếp tục với phần chất vấn và trả lời chất vấn.

Chịu thua phòng khám Trung Quốc?

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm hỏi: “Thời gian qua, hàng chục phòng khám sử dụng bác sĩ Trung Quốc “vẽ” bệnh để lấy tiền mà điều trị không khỏi, thậm chí biến chứng. Người dân kêu cứu, báo chí cũng có nhiều phản ánh. Vậy, việc quản lý những phòng khám này ra sao? Biện pháp chấn chỉnh như thế nào?”.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, trả lời chất vấn Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, trả lời chất vấn Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, cho biết công tác quản lý ngành nghề y tế trên địa bàn TP rất phức tạp. Có tình trạng phòng khám Trung Quốc lừa gạt, gây ra nhiều tai biến nên bệnh nhân phải tới bệnh viện công, tốn chi phí và sức khỏe. Hiện nay, ngành y tế cấp phép cho 40.000 trường hợp hành nghề y tế, 200 phòng khám đa khoa... Chuyện phòng khám Trung Quốc không chỉ diễn ra mới đây mà đã nhiều năm. “Qua phản ánh của báo chí, chúng tôi đã triển khai kiểm tra, bên cạnh chương trình thanh tra hằng năm. Các phòng khám trong nước và có yếu tố quốc tế thì ít xảy ra sai sót nhưng phòng khám Trung Quốc thì xảy ra nhiều” - ông Bỉnh nói.

Theo ông Bỉnh, Sở Y tế cấp phép hành nghề cho y - bác sĩ, phòng khám có yếu tố nước ngoài dựa trên đăng ký, thẩm định của ngành y tế. Giá dịch vụ tại các cơ sở này hiện rất bất cập, sở đề nghị nhiều lần nhưng do thuốc mang tính thị trường, người dân chỉ cần thấy bảng giá tại dịch vụ y tế tư nhân là trả chứ không biết là rất cao. Hiện nay, người dân ít có điều kiện tiếp cận thông tin y tế nên dễ tin vào quảng cáo sai sự thật của các phòng khám Trung Quốc. Có trường hợp báo chí phản ánh, sở tổ chức kiểm tra thì mọi việc đã xong, hồ sơ không còn. “Kiểm tra không có giấy phép hành nghề thì phạt rất nặng. Tuy nhiên, rút giấy phép những phòng khám này thì họ lại mở phòng khác và tiếp tục lừa đảo” - ông Bỉnh nêu.

Không dẹp được “xe dù”, bến cóc”

Phản ánh tình trạng “xe dù, bến cóc” cũng gây bức xúc cho người dân, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đặt vấn đề: “TP nhiều lần quyết tâm triệt “xe dù, bến cóc” và đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) xử lý dứt điểm, hạn chót là ngày 31-12-2016 nhưng đến nay chưa thấy gì? Người dân nói giải quyết không khó nếu quyết tâm làm. Sau ngày 31-12 mà vẫn không dẹp xong thì TP có hướng giải quyết nào? Xử lý trách nhiệm đối với đơn vị được giao nhiệm vụ ra sao?”.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết trong nhiều buổi họp giao ban thường kỳ, UBND TP đều có ý kiến với Sở GTVT, chú trọng giải quyết tình trạng “xe dù, bến cóc” chứ không phải hôm nay mới nhận thấy biến tướng của tình trạng này. “Tôi nhận được nhiều tin nhắn về “xe dù, bến cóc”. Mỗi lần nhận, tôi đều gọi điện cho Giám đốc Sở GTVT yêu cầu giải quyết và ra hạn đến cuối năm phải dứt điểm. Nói vậy để thấy không phải các sở không có quyết tâm mà đã rất cố gắng vì vấn đề này cần nhiều giải pháp đồng bộ” - ông Phong nói.

Người đứng đầu chính quyền TP khẳng định thời hạn và nhiệm vụ đã giao thì các đơn vị chức năng cố gắng giải quyết. “Nếu không hoàn thành thì tùy vào sự việc cụ thể sẽ có hình thức xử lý nghiêm khắc, hợp tình hợp lý” - ông Phong nhấn mạnh.

Về vấn đề nhiều dự án chậm triển khai gây ảnh hưởng cuộc sống người dân, đại biểu Nguyễn Văn Đạt chất vấn: “Tại quận Bình Tân có dự án cải tạo rạch Ông Bụt. Dự án triển khai chậm, vậy trách nhiệm của chủ đầu tư thế nào? Có thể phân cấp về cho quận làm chủ đầu tư hay không?”. Ông Nguyễn Thành Phong cho biết hiện nay, trên địa bàn TP có hơn 500 dự án treo. Quan điểm của TP là không chấp nhận việc triển khai chậm, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. “Phải tìm hiểu cụ thể các dự án, nếu không triển khai được thì thu hồi. Đối với các dự án được giao mà triển khai chậm thì TP có thái độ rất rõ ràng. Còn về dự án cải tạo rạch Ông Bụt, tôi sẽ yêu cầu kiểm tra cụ thể” - ông Phong khẳng định.

Bức xúc dự án Nhà hát Trần Hữu Trang

Đại biểu Đinh Thị Thanh Thủy phản ánh Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã xây xong từ lâu nhưng chưa được đưa vào hoạt động vì thiết kế không phù hợp cho biểu diễn, gây bức xúc trong dư luận và giới nghệ sĩ. “TP chỉ đạo khắc phục, sửa chữa như thế nào?” - bà Thủy hỏi.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết TP đang chờ kết quả thanh tra dự án Nhà hát Trần Hữu Trang. “TP sẽ có một công trình khác nếu Nhà hát Trần Hữu Trang không sử dụng được. Sân khấu phải tầm cỡ và biểu diễn được nhiều loại hình như tuồng, kịch… Người đi xem phải thoải mái chứ không thì ngồi nhà cũng được. Bức xúc lắm chứ” - ông Phong thẳng thắn.

HĐND TP Hà Nội và Đà Nẵng bế mạc

Cần Thơ kêu gọi sản xuất sạch . Nhiều trụ sở ở Bình Dương bỏ không

Ngày 8-12, kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hà Nội khóa XV đã bế mạc sau 4 ngày làm việc. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết kỳ họp đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, tập trung thảo luận, quyết nghị kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thu - chi ngân sách TP năm 2017. Đồng thời, thống nhất chọn chủ đề năm 2017 là “Năm kỷ cương hành chính” để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thực hiện tốt an sinh, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị ngay sau kỳ họp, UBND TP, các cấp, các ngành, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có kế hoạch triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND để bảo đảm đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực.

Cùng ngày, kỳ họp thứ 3, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX cũng đã bế mạc. Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đặt vấn đề liên quan đến công tác đầu tư các dự án về y tế, giáo dục. Theo nhiều đại biểu, Bệnh viện Phụ sản Nhi TP Đà Nẵng có quy mô ban đầu là 600 giường đã quá tải. Trong khi đó, từ năm 2013, HĐND TP đã ra nghị quyết nâng cấp bệnh viện này lên 1.650 giường nhưng vẫn chưa thực hiện. Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, cho biết dự án nâng cấp Bệnh viện Phụ sản Nhi TP Đà Nẵng không được Quốc hội đồng ý đưa vào danh mục đầu tư công từ nguồn vốn của Chính phủ do khó khăn về nguồn vốn. Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, đề xuất với dự án mở rộng Bệnh viện Phụ sản Nhi TP Đà Nẵng, cần áp dụng mô hình liên kết công - tư để huy động doanh nghiệp cùng tham gia.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, nhận định con số đầu tư 2.200 tỉ đồng để mở rộng bệnh viện là quá lớn, chiếm gần nửa ngân sách TP dành cho xây dựng cơ bản. “Cần kêu gọi các nguồn lực trong xã hội tham gia vào việc mở rộng Bệnh viện Phụ sản Nhi TP Đà Nẵng vì nếu chờ tiền ngân sách để xây dựng thì 10 năm nữa cũng không xong” - ông Xuân Anh nói.

Kỳ họp thứ 4, HĐND TP Cần Thơ nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục vào ngày 8-12 với phần chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ Phạm Văn Hiểu nêu ý kiến của cử tri về việc thời gian qua, thực phẩm bẩn xuất hiện tràn lan. Trả lời cử tri, ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh: “Hiện nay, một số nông dân còn dùng thuốc tăng trưởng, thuốc kích thích, kết hợp với bón nhiều phân đạm nhằm tăng năng suất. Rau và trái cây bón nhiều phân đạm sẽ thối rửa nhanh, úng nước, dễ bị dập nát khi vận chuyển, ảnh hưởng đến hương vị, chất lượng và sức khỏe con người”. Theo ông Hè, thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tích cực vận động nông dân sản xuất an toàn để có sản phẩm chất lượng.

Trong ngày 8-12, tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Dương, đại biểu Nguyễn Văn Vẹn chất vấn giám đốc Sở Tài chính về việc xử lý như thế nào đối với hàng chục trụ sở cũ của địa phương. Bắt đầu từ năm 2014, số trụ sở này bỏ không vì các cơ quan, đơn vị hành chính cấp tỉnh chuyển vào làm việc tại tòa hành chính tập trung.

Ông Phạm Văn Hảo, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết hiện nay, hầu hết trụ sở riêng lẻ vẫn đang bỏ không, có nơi đã được bán đấu giá 3 lần nhưng không ai mua. “Sắp tới, 2 cụm trụ sở gần nhau gồm cụm trụ sở Thành ủy, UBND TP Thủ Dầu Một, Sở Ngoại vụ và cụm trụ sở Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, LĐLĐ, Thanh tra tỉnh sẽ được quy hoạch làm khu thương mại, dịch vụ và khu dân cư. Các trụ sở còn lại có thể cho các đơn vị hành chính sử dụng, cho thuê hoặc áp dụng hình thức “đổi công trình lấy trụ sở”.

Th.Dương - B.Vân - N.Phú - C.Linh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo