xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngập nặng vì mưa lớn và thủy điện xả lũ

Hồng Ánh

Mưa như trút nước xuống 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa cùng lúc các thủy điện đồng loạt xả lũ đã nhấn chìm nhiều vùng dân cư

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên taiTìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Phú Yên, đến cuối chiều 13-12, các thủy điện ở tỉnh này đã xả lũ xuống hạ lưu sông Ba với lưu lượng 9.000 m3/giây. Nếu tính cả lưu lượng xả nước chạy máy thủy điện và lưu lượng các sông, suối đầu nguồn thì lưu lượng đổ về hạ lưu sông Ba lên đến trên 12.000 m3/giây. Trong đó, thủy điện Sông Hinh xả 3.000 m3/giây, thủy điện Sông Ba Hạ 6.000 m3/giây.

Buộc phải xả?

Một kỹ sư đang công tác tại thủy điện Sông Ba Hạ cho biết thủy điện này buộc phải xả lũ với lưu lượng lớn vì các thủy điện thượng nguồn sông Ba như An Khê - Kanak, Krông H’Năng đều xả với lưu lượng lớn tạo áp lực cho thủy điện cuối nguồn. Riêng thủy điện Krông H’Năng đã xả xuống hồ thủy điện Sông Ba Hạ với lưu lượng 1.500 m3/giây. “Trong khi hồ đã xấp xỉ mực nước thiết kế mà lưu lượng về khoảng 7.000 m3/giây, buộc phải xả lũ” - kỹ sư này giải thích.


Dùng xe cẩu giải cứu đàn bò, tránh bị lũ cuốn tại tỉnh Phú Yên Ảnh: Quang Minh

Dùng xe cẩu giải cứu đàn bò, tránh bị lũ cuốn tại tỉnh Phú Yên Ảnh: Quang Minh

Lũ tràn về đã làm nhiều vùng thuộc hạ lưu sông Ba như huyện Phú Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa và TP Tuy Hòa ngập nặng. “Trước giờ có khi nào qua rằm tháng 11 rồi mà lũ lụt như thế đâu. Tết này chắc đói rồi” - bà Nguyễn Thị Diệu (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa) buồn bã. Gia đình bà trông cậy vào một sào hoa Tết nhưng vừa xuống giống thì bị lũ cuốn sạch.

Chỉ trong vòng từ 0 giờ đến 13 giờ ngày 13-12, lượng mưa đổ xuống tỉnh Phú Yên đo được đến 250 mm nên càng tăng thêm diện ngập lụt. Trong chiều cùng ngày, tất cả trường học ở Phú Yên đều cho học sinh nghỉ học.

Rút kinh nghiệm từ trận lũ một tháng trước đã cuốn trôi hàng trăm con bò, nhiều gia đình ở xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), Hòa Thành (huyện Đông Hòa) tranh thủ lùa bò chạy lũ nhưng không kịp do lũ ập đến quá nhanh. Lực lượng cứu hộ phải đưa xe cẩu lên cầu Đà Rằng cứu các đàn bò đứng trước nguy cơ bị lũ cuốn.

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho hay với lưu lượng xả lũ của các thủy điện cùng thủy triều trong ngày lên cao trung bình trên 2 m (chưa tính sóng biển), làm giảm khả năng thoát nước nên nhiều vùng ngập nặng. “Tối 13-12, lũ sẽ còn giữ ở mức cao nên nhiều vùng còn ngập lâu” - ông Thế lo lắng.

Sạt lở nhiều đoạn ở đèo Rù Rì

Chiều 13-12, ông Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc Chi nhánh vận tải Đường sắt Nha Trang, cho biết đơn vị này đã phải cấm tàu qua lại trên tuyến đường sắt từ ga Hòa Đa (xã An Mỹ) đến ga Chí Thạnh (thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). 14 giờ cùng ngày, khoảng 200 m nền thuộc tuyến đường này sụt lún, rất yếu do mưa xói lở. Nếu cho tàu chạy qua, nhiều khả năng sẽ làm đường ray trượt, rất nguy hiểm.

Theo ông Sơn, phải chờ tạnh mưa để tìm giải pháp khắc phục nên chưa xác định được khi nào mới cho thông tàu. Rất nhiều đoàn tàu đã phải dừng lại các ga Chí Thạnh, Hòa Đa, Tuy Hòa và Nha Trang (Khánh Hòa). “Hành khách lỡ mua vé mà không thể chờ được thì đến các ga để chúng tôi hoàn tiền vé. Chúng tôi cũng đang nghĩ đến giải pháp trung chuyển bằng xe khách từ ga Hòa Đa đến ga Chí Thạnh cho những chuyến tàu đang kẹt” - ông Sơn nói và cho hay lúc 14 giờ cùng ngày, đoạn sạt lở đường sắt qua đèo Rù Rì (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã được giải phóng, tạm thông tàu. Tuy nhiên, do đất đá trên đèo tiếp tục sạt lở nên chỉ cho tàu chạy với vận tốc 5 km/giờ. Tương tự, 19 giờ 5 phút, đoạn đường sắt từ ga Hoà Đa đến ga Chí Thạnh thông tàu. Quốc lộ 1 qua đèo Rù Rì cũng sạt lở, vùi lấp gây ách tắc nhiều giờ.

Khánh Hòa: Vỡ kênh thoát lũ

Trong ngày, 14/16 hồ thủy lợi ở tỉnh Khánh Hòa cũng đồng loạt xả lũ cùng mưa lớn làm nhiều tuyến đường ngập từ 0,4 đến hơn 1 m. Tỉnh Khánh Hòa phải sơ tán khẩn cấp 100 hộ dân với gần 400 người. Tính đến cuối ngày, ít nhất 4 ngôi nhà bị sập ở khu vực Hòn Xện, phường Vĩnh Hòa (TP Nha Trang) do kênh thoát lũ phía Tây hồ chứa nước Đường Đệ vỡ một mảng dài 20 m, sâu 5 m lúc rạng sáng. Nhiều phương tiện qua khu vực này cũng bị vùi trong bùn lũ.

Lực lượng cứu hộ tỉnh Khánh Hòa đã tìm thấy thi thể em Bùi Phan Hoàng Trúc (14 tuổi; ngụ xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh) bị lũ cuốn. 13 giờ cùng ngày, Trúc chơi trên đường không may sụp hố, nước cuốn trôi. Trước đó, lúc rạng sáng, trong khi dọn dẹp nhà cửa sau lũ, anh Trần Văn Hồi (22 tuổi; ngụ phường Phước Long, TP Nha Trang) bị điện giật và tử vong.

Bình Định: Nhiều khu dân cư bị cô lập

Mưa to kéo dài trong ngày 13-12 cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã làm nhiều vùng ở tỉnh Bình Định ngập. Nặng nhất là các xã thuộc khu Đông huyện Tuy Phước. Nhiều đoạn trên Tỉnh lộ ĐT 640 (tuyến độc đạo nối từ trung tâm huyện với các xã khu Đông) ngập khoảng 0,7 m, gây chia cắt giao thông. Nhiều khu dân cư thuộc các xã Phước Nghĩa, Phước Thuận, Phước Sơn và Phước Hòa tiếp tục bị cô lập khiến người dân lâm vào cảnh khốn đốn. Hàng ngàn hộ dân ở một số nơi bị cô lập đang rất cần lương thực và nước uống.

Ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, cho biết lũ chia cắt cục bộ 5 thôn và 2 thôn của xã này bị cô lập hoàn toàn là Huỳnh Giản Nam và Huỳnh Giản Bắc. Dù đã có chuẩn bị nhưng do liên tiếp chống chọi 4 đợt lũ chồng lũ kéo dài nên phần lớn người dân địa phương lâm vào cảnh cạn kiệt nhu yếu phẩm. Hiện toàn xã có khoảng 2.400 hộ với 9.600 nhân khẩu trong các vùng bị cô lập.

Tương tự, 6 thôn ven đầm Thị Nại của xã Phước Thuận (Phổ Trạch, Quảng Vân, Diêm Vân, Bình Thái, Nhân Ân và Lộc Hạ) tiếp tục bị lũ chia cắt. Theo ông Phan Thế Khoa, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, xã có hơn 10.000 nhân khẩu tại 6 thôn bị lũ chia cắt đang rất cần lương thực. Tại huyện Tuy Phước, hơn 24.000 học sinh của 43/58 trường phải nghỉ học.

Đồn Biên phòng Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) cho biết đang xác minh việc một ngư dân rơi xuống biển mất tích là ông Bạch Văn Âu (SN 1977, ngụ huyện Đức Phổ).

A.Tú - Tr.Thy

Tàu cá chìm, 3 ngư dân được cứu

Đầu giờ chiều 13-12, lãnh đạo Đồn Biên phòng Bến Đầm (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tàu cá do ông Võ Ngọc Trang (39 tuổi; ngụ xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) làm tài công bị sóng đánh chìm lúc 9 giờ ngày 12-12, trên tàu có 3 thuyền viên. Ngay sau đó, một tàu cá khác đang đánh bắt ở khu vực này đã vớt được cả 3 ngư dân và kéo tàu bị nạn vào bờ.

img

Nhiều tàu cá và ngư dân được đưa vào nơi trú ẩn an toàn tại cảng Bến Đầm

Cũng trong tối 12-12, 92 ngư dân hành nghề tại vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu trên 107 tàu cá từ các tỉnh Kiên Giang, Bình Thuận, Quảng Ngãi… cũng được di chuyển vào nơi tránh trú an toàn. Sớm 13-12, lệnh cấm các tàu cá ra khơi được bãi bỏ. Số tàu cá vào nơi trú ẩn đã quay ra biển hoạt động bình thường.Tin-ảnh: M.Thắng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo