xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người bệnh tâm thần liên tục gây án

Nhóm Phóng viên

Mới nhất là vụ thảm sát ở Gia Lai, nghi phạm được cho là bị tâm thần. Trước đó, hàng loạt vụ thảm án cũng do người bị tâm thần gây ra...

Theo phản ánh của người dân ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, hiện nơi đây có đối tượng tên T.M dùng giấy xác nhận bị bệnh tâm thần như lá bùa hộ mệnh sau những lần gây án.

Ung dung vì có “bùa”

Công an huyện Phú Quốc cho biết từng định đưa T.M đi cải tạo về tội đánh bạc nhưng tên này giả vờ điên dại và bệnh viện xác định bị bệnh tâm thần phân liệt nên vụ án phải khép lại. Ngoài những lần gây rối tại địa phương, T.M còn gây thương tích cho nhiều người nhưng do các bị hại sợ bị trả thù nên tự rút đơn tố giác, do đó cơ quan chức năng không khởi tố vụ án. Cũng chính vì có “bùa hộ mệnh” này mà năm 2013, T.M dùng dao chém đứt tay và chân của tên cầm đầu một băng nhóm nhưng thoát tội và ung dung ngoài vòng pháp luật.

Hôm 24-6-2015, T.M đến tiệm hớt tóc để xiết nợ của một người tên Tâm vì cho rằng Tâm đã vay của T.M 70 triệu đồng với lãi suất 1,4 triệu đồng/ngày. Con nợ trả lãi được hơn 1 tháng thì bỏ nghề hớt tóc, sang xứ khác lánh nạn. Hiện T.M đang đi tìm con nợ chứ không phải trị bệnh tâm thần như một số người cho biết.

Liên quan đến vụ bị can Nguyễn Thị Vân (51 tuổi; ngụ tỉnh Bến Tre) gây án vào ngày 24-8, đại tá Phạm Văn Ngân - Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long - cho biết cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định tâm thần đối với bị can Vân nhưng chưa có kết quả và sẽ mất rất nhiều thời gian.

 

Nạn nhân Vũ Công Danh điều trị tại bệnh viện sau khi bị Vũ Văn Đản chém trọng thương trong vụ trọng án xảy ra tại tỉnh Gia Lai vào chiều 23-8 Ảnh: Hoàng Thanh.
Nạn nhân Vũ Công Danh điều trị tại bệnh viện sau khi bị Vũ Văn Đản chém trọng thương trong vụ trọng án xảy ra tại tỉnh Gia Lai vào chiều 23-8 Ảnh: Hoàng Thanh.

 

Trước đó, khi tổ chức lễ ăn hỏi cho con trai, bị sui gia chê bị bệnh tâm thần nên bà Vân đi lang thang; đến tối 8-8, bà xách con dao mổ heo trà trộn vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long và đâm xuyên sọ bệnh nhi Dương Minh Phát (11 ngày tuổi). Sau khi gây án, bà Vân đập đầu vào tường tự tử nhưng bất thành. Ông Ngô Văn Chiến, trưởng ấp nơi nhà bà Vân ngụ, nói gần đây bà Vân có biểu hiện tâm thần, thường đi lang thang, nói nhảm và đang hưởng trợ cấp người tàn tật (dạng tâm thần) 270.000 đồng/tháng. Địa phương có yêu cầu gia đình đưa bà Vân đi điều trị nhưng vì nhà nghèo nên không đi.

Tại tỉnh Trà Vinh, hôm 15-5-2015, bà Lư Thị Dững (ngụ huyện Trà Cú) chuẩn bị đi chợ, thấy con là Lâm Văn Sanh (30 tuổi) đang nằm ngủ nên hỏi có ăn hủ tiếu không để mua. Bất ngờ Sanh lấy dao chém liên tiếp khiến bà Dững chết tại chỗ. Theo người nhà nạn nhân, Sanh bị bệnh tâm thần.

Tại Bình Định, tình trạng người tâm thần gây án cũng diễn ra khá phức tạp. Điển hình như vụ xảy ra tại xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn. Trong lúc nổi cơn điên, Lê Minh Nay (SN 1976) dùng rựa chém chết mẹ ruột là bà Lê Thị Đôi rồi đổ xăng lên thi thể đốt. Trước khi gây án, Nay được xác định bị bệnh tâm thần phân liệt nên được đưa vào Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn chăm sóc nhưng sau đó được đưa về.

Ngày 27-5, TAND Tối cao tại TP HCM đã phải hoãn phiên xử với bị cáo Nguyễn Minh Hải (ngụ tỉnh Đồng Nai) để giám định tâm thần theo đơn đề nghị của mẹ bị cáo. Trước đó, tại phiên sơ thẩm, TAND tỉnh Lâm Đồng đã tuyên phạt Hải án tử hình về tội “Giết người”, “Hiếp dâm”, “Cướp tài sản”. Theo hồ sơ vụ án, ngày 1-11-2014, sau khi thụ án 36 tháng tù giam về tội “Trộm cắp tài sản”, Hải được tha tù. Trên đường về, Hải ghé huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng xin bà Trương Thị Sáu (ngụ huyện Đạ Huoai) ngủ nhờ. Tối đó, Hải dùng dao khống chế cưỡng hiếp rồi giết nạn nhân. Trước đó, Hải có 6 tiền án về các tội “Hiếp dâm trẻ em”, “Cướp giật tài sản” và “Trộm cắp tài sản”.

Cũng tại Lâm Đồng, cách đây hơn 1 năm, người dân TP Bảo Lộc đau đớn khi chứng kiến Trần Phước Thành (30 tuổi) dùng dao đâm chết 2 con ruột là Trần Minh Đạt (5 tuổi) và Trần Ngọc Trân (3 tuổi) ngay trên giường ngủ. Sau khi đâm chết 2 con, Thành đâm vào ngực 2 nhát tự sát. Công an TP Bảo Lộc cho biết tháng 2-2014, Thành có đi chữa bệnh tâm thần.

Tại tỉnh Khánh Hòa, ngày 4-3-2014, chị Đặng Thị Đủ (ngụ TP Nha Trang) cùng một số người bạn đến thăm cô giáo Huỳnh Lưu Khánh An thì bị cô giáo này dùng dao đâm trúng động mạch chủ ở cổ gây tử vong. Cô An dạy ngoại ngữ cho một trường học. Từ khi mẹ chết, ly dị chồng, cô An có triệu chứng tâm thần. Điều đau lòng là mối quan hệ giữa 2 cô trò trước đó rất tốt.

Tại tỉnh Bình Thuận, tháng 12-2010, Nguyễn Văn Hải (ngụ TP Phan Thiết) đang đi trên đường thì nhìn thấy anh L. “khó ưa” nên chạy về nhà lấy dao quay lại đâm chết anh này. Sau đó, Hải được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự do Viện Giám định pháp y tâm thần trung ương kết luận “đương sự gây án trong cơn xung động phân liệt nên không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi”.

Giám sát chặt để không đào thoát

Tại Phân viện Giám định tâm thần pháp y trung ương 2 (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) hiện có 337 bệnh nhân là phạm nhân đang phải điều trị bắt buộc. Đây là những can phạm gây án khi đang có bệnh tâm thần.

Tại khu điều trị bắt buộc của phân viện, can phạm Lâm Tiến Dũng nói với chúng tôi: “Tôi có làm hại ai đâu, bị bệnh nên vào đây để chữa, khi nào hết sẽ về, gia đình không ai lên thăm”. Hồi giữa năm 2012, Dũng tạt axít gây thương tích nặng cho 4 người trong gia đình hàng xóm tại quận Gò Vấp, TP HCM và được cơ quan chức năng kết luận có bệnh tâm thần, phạm tội là do bị “hiện tượng ảo thanh”.

 

Hung thủ Vũ Văn Đản tại cơ quan công anẢnh:  Trung Dũng
Hung thủ Vũ Văn Đản tại cơ quan công anẢnh: Trung Dũng

 

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tý, Trưởng Phòng Tổng hợp Phân viện Giám định tâm thần trung ương 2, cho biết đối với can phạm được đưa đến phân viện, khi đã xác định có bệnh thì được giám sát chặt để không đào thoát. Hiện phân viện có 17 trường hợp chưa xác định có mang bệnh hay không. Trung bình mỗi năm chỉ có vài trường hợp có dấu hiệu phạm pháp được đưa vào đây giám định mà sau đó kết luận không có bệnh.

 

Rất nguy hiểm cho gia đình và xã hội

Bác sĩ Võ Văn Thống, Phó Khoa Điều trị I Bệnh viện Tâm thần Bình Định, cho biết người mắc chứng bệnh tâm thần thường bị hoang tưởng, ảo giác, kích động... Nếu không có biện pháp quản lý, điều trị thì mức độ nguy hiểm cho gia đình và xã hội là rất lớn. Do vậy, khi nhà nào có người thân mắc bệnh tâm thần, người nhà cần phải đưa vào các cơ sở chữa bệnh dành cho người tâm thần để điều trị. Đây chính là biện pháp hữu hiệu nhất, góp phần hạn chế những hậu quả đáng tiếc do người tâm thần gây ra.

 

Vụ thảm sát ở Gia Lai: Giám định tâm thần nghi phạm

Ngày 24-8, Công an tỉnh Gia Lai đã khám nghiệm hiện trường vụ án gây xôn xao dư luận vừa xảy ra tại huyện Chư Prông.

Trước việc Đản sát hại và làm bị thương nhiều người, những người dân xã Ia Băng vẫn chưa hết bàng hoàng. Sáng cùng ngày, thi thể chị Lê Thị Thơm (em dâu Đản) và con là Vũ Thị Vân đã được ông Vũ Văn Chản (bố Đản) cùng người thân đưa về quê Hải Dương an táng. Thi thể chị Nguyễn Thị Ngọc Liên (quê Bình Định, vừa lên làm thuê) cũng được người thân đưa về quê nhà. Tại Bệnh viện ĐH Y Dược Hoàng Anh Gia Lai, bệnh nhân Nguyễn Thị Minh đã được phẫu thuật và đang phục hồi. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, anh Vũ Văn Tuyên và anh Vũ Công Danh vẫn đang tiếp tục điều trị. Trong khi đó, người dân địa phương vẫn không biết chị Nguyễn Thị Lan (vợ Đản) và 2 con nhỏ đang ở đâu. Sau khi chồng gây án, chị Lan và 2 con nhỏ đã rời khỏi địa phương ngay trong đêm.

Theo thông tin từ gia đình, Đản có dấu hiệu bệnh tâm thần, từng được đưa đi khám và được các bác sĩ cho thuốc uống, dặn phải chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, người duy nhất có thể cung cấp các thông tin liên quan là người vợ thì vắng mặt. Trung tá Trần Ngọc Anh, Trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh Gia Lai, cho biết chưa có cơ sở xác định Đản có biểu hiện của bệnh tâm thần nên trong quá trình điều tra phải đưa Đản đi giám định. Hiện cũng chưa xác định có đồng phạm nào khác.

Trước đó, như Báo Người Lao Động đưa tin, chiều 23-8, Đản chém chết 4 người, gồm ông Vấn (hàng xóm), chị Liên, chị Thơm và cháu Vân; 3 người bị thương là các anh Vũ Văn Tuyên (em ruột Đản, chồng chị Thơm); anh Vũ Công Danh và bà Nguyễn Thị Minh (hàng xóm của Đản).

Cùng ngày, UBND huyện Chư Prông hỗ trợ gia đình mỗi người chết 3 triệu đồng, người bị thương 500.000 đồng. UBND xã Ia Băng hỗ trợ cho thân nhân của mỗi người chết 1 triệu đồng. Ủy ban MTTQ tỉnh Gia Lai hỗ trợ 3 nạn nhân bị chém trọng thương 4 triệu đồng.

Hoàng Thanh

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo