xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người Sơn Lang và những phiến gỗ trong Lăng Bác

Ngọc Tấn

Ngày khởi công xây dựng Lăng Bác tôi nhớ có một thông tin vắn tắt: Từ núi rừng Tây Nguyên xa xôi, những phiến gỗ trắc đã được đồng bào gửi ra để tỏ lòng biết ơn Người... “Đồng bào” đó chính là bà con xã Sơn Lang (huyện KBang – Gia Lai). Truyền thống cách mạng, vẻ đẹp văn hóa đã hợp thành dòng hải lưu ấm đưa mảnh đất này trở thành điểm sáng ở vùng Đông Trường Sơn hùng vỹ...

Ông Đinh Rúp năm nay đã hơn 70 tuổi nhưng vẫn nhớ rành rẽ về những ngày có một không hai trong cuộc đời mình...

“Năm 1969 được tin Bác Hồ mất, đồng bào ai cũng thương khóc. Mới hôm nào Bác nói chẳng bao lâu nữa sẽ vào thăm đồng bào Tây Nguyên. Vậy là không được uống chung ché rượu cần mừng chiến thắng với Bác nữa rồi!”.

Ký ức 1973

Buồn rồi nhiều người lại lo. Bác Hồ như người cha. Cha mình mất thì biết tin ai, nghe ai? Cán bộ phải giải thích: Bác Hồ mất nhưng chúng ta còn Đảng, còn Chính phủ; còn những người con đã khôn lớn cũng đã đủ sức gánh vác việc của Bác để lại... Nguôi dần cái bụng thì lại thắc mắc với nhau: Bác Hồ mất thì ở đâu, có làm cái nhà cho to đẹp để mai mốt thống nhất, đồng bào ra viếng không? Không ai trả lời được, đành để trong bụng chờ ngày thống nhất vậy...

Bỗng một ngày cuối năm 1973, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai lúc bấy giờ là ông Trần Văn Bình về họp với bà con. Vẻ mặt xúc động, ông nói: “Cấp trên giao cho chúng ta khai thác 40 khối gỗ để gửi ra xây dựng Lăng Bác. Ai yêu nước, yêu Bác Hồ thì xung phong?”. Yêu nước, yêu Bác Hồ thì ai mà không yêu. Nhưng “Lăng” là cái gì? – “Lăng là cái nhà để thi hài Bác để mai mốt thống nhất bà con mình ra Hà Nội được nhìn thấy Bác” – ông giải thích. Ồ thế thì trúng cái bụng mọi người lắm rồi! Ai cũng xung phong. Nhiều người sức yếu không được chọn cứ ấm ức mãi không thôi.

Rừng KBang lúc đó là rừng nguyên sinh, có loại gỗ quý nổi tiếng Tây Nguyên là trắc. Người đi khai thác gỗ cho Bác khua chiêng, phất cờ như đi hội. Mà tất cả đều phải tự túc. Người gạo, người củ mì. Thức ăn thì chỉ măng rừng chấm muối ớt. Gian khổ thế nhưng cả đỉnh núi Kon Chơ Răng, Kon Ka Kinh quanh năm mây phủ họ cũng tìm đến. Gỗ trắc già rêu bám trơn nhẫy, phải búa to, rìu nặng mới hạ được. Có cây rìu chặt vào tóe lửa như vấp phải hòn đá cứng. Hạ được rồi thì đẽo thành cây dài 4-5 m, vuông 50 cm. Có cây to quá phải chặt đẽo 4-5 ngày mới xong một khúc. Kế hoạch giao là 40 khối nhưng bà con chặt thành 50 khối. “Gỗ KBang dành cho Bác Hồ cũng như lòng bà con, không có thiếu, chỉ có thừa” - bà con nói vậy...

img
Hội làng Sơn Lang. Ảnh: Tư liệu

Tìm gỗ, chặt đẽo đã khó, tuy vậy không thấm vào đâu so với việc kéo gỗ ra. Hồi đó chưa giải phóng, phải đưa gỗ xuyên rừng xuống Quảng Ngãi, từ đó mới đưa ra Bắc được. Rừng KBang núi cao tiếp núi, suối sâu nối tiếp suối sâu. Xe cộ không có, con trâu, con bò thì bom Mỹ giết hết rồi, tất cả đều phải dùng sức người thôi. Đinh Rúp lúc này là xã đội trưởng, huy động tất cả du kích ra tăng cường. Người khỏe thì kéo, yếu hơn thì sử dụng con lăn, dùng đòn xeo lái gỗ đi cho thẳng hướng... Hò kéo pháo thuở đánh Tây được mang ra hát. Bắp tay căng cứng, đỏ lựng như hoa chuối; chân miết lõm đất, gỗ mới nhích lên được từng tí một... Thung lũng bên kia Lâm trường Trạm Lập bây giờ mới khó nữa. Một con suối sâu rồi một con dốc thăm thẳm liền kề, phải làm cầu mới đưa gỗ qua được. Cả đoàn người môi mím chặt, người sau bấm vào chân người đi trước, thân căng cứng như cánh nỏ sắp bật đưa gỗ vượt dốc. Mỗi ngày, khi bóng tối còn lẩn khuất trong rừng, đoàn người đã thức dậy nướng củ mì ăn lót dạ. Rõ mặt là bắt tay vào kéo gỗ. Đến trưa chỉ dừng lại nấu cơm, ăn xong lại tiếp tục ngay. Cả ngày đánh vật với gỗ nhưng đặt lưng xuống thấy ánh lửa bập bùng là lại không ngủ được, bụng cứ lo không đưa kịp gỗ ra ngoài Bắc. Núi rừng như cũng hiểu thấu lòng người, cứ cúi đầu từng nấc, từng nấc. Ròng rã một tháng trời chỉ bằng đôi tay, những súc gỗ nặng nề đã vượt quãng đường gần trăm cây số với không biết bao nhiêu dốc cao, suối sâu từ Sơn Lang đến bên này sông Trà Khúc. 50 khối gỗ không thiếu một tấc, không mất một cây. Nhìn những súc gỗ nguyên lành được bộ đội nâng niu đưa lên xe tiếp tục cuộc hành trình, mọi người nhìn theo ứa nước mắt.

Có Bác Hồ giữa đời thường

Thời gian thấm thoắt, mới đó đã hơn ba chục năm rồi. Đinh Văn Tư, Chủ tịch UBND xã Sơn Lang, năm nay đã 44 tuổi. Ngày Sơn Lang gửi gỗ ra xây dựng Lăng Bác, Tư mới 11 tuổi. Dẫu vậy anh vẫn nhớ rất rõ bởi cha anh chính là xã đội trưởng Đinh Rúp – người trực tiếp chỉ huy du kích thực hiện công việc thiêng liêng kia. Tư là gạch nối giữa thế hệ chiến tranh và hòa bình. Cùng với đồng bạn trang lứa, anh đã không phụ tấm lòng người Sơn Lang.

Từ ban công phòng làm việc của Đinh Văn Tư có thể thu gọn vào tầm mắt một mảng lớn thung thổ Sơn Lang. Một gam màu cà phê xanh mướt kéo đến chân núi xa mờ. Nổi bật giữa tấm thảm xanh ấy là những mái nhà Thái kiểu cách. Đinh Văn Tư nói: “Mảng màu mới của Sơn Lang đấy. Cũng đã xuất hiện được hơn mười năm nay”.

Chính xác, cái thời điểm khởi đầu ấy là năm 1993. Trên sự ngồn ngộn của đất bazan phì nhiêu mà dân vẫn nghèo. Biết là cứ theo lối cũ thì cái đói vẫn đeo đẳng mãi, nhưng thoát ra bằng cách nào thì chưa ai nghĩ được. Giữa lúc đó Lâm trường Hà Nừng đưa cây cà phê đến. Lối ra của cuộc sống bắt đầu từ đó. Năm 2003, Nhà nước lại đầu tư cho Sơn Lang thủy lợi, điện, đường... Nhận thức mới và cơ sở hạ tầng đã đẩy Sơn Lang đi lên.

Tôi mở sổ chép vội mấy con số. Trước năm 1993, Sơn Lang có gần 15% số hộ nghèo, nay chỉ còn chưa đến 9%. Hơn một nửa đồng bào dân tộc tại chỗ đã có xe máy; gần 100% số hộ làm được nhà ngói, nhà tôn. Toàn xã hiện có hơn 20 cháu đang học trung học phổ thông. An ninh trật tự bảo đảm. Tám dân tộc anh em chung sống cùng đoàn kết một lòng xây dựng quê hương.

Chiến tranh và hòa bình – thời nào Sơn Lang cũng lung linh một vẻ đẹp gần như thuần khiết. Tôi đặc biệt ấn tượng với điều này: Lạ thay bây giờ nhiều làng không còn một nhà mồ truyền thống, một pho tượng mồ thì Sơn Lang – qua bao năm chiến tranh rồi giữa cơ chế thị trường, mọi giá trị đều bị thử thách bằng tiền - mà các giá trị tinh thần vẫn như còn nguyên vẹn. Tôi thật ngạc nhiên khi Đinh Văn Tư nói rằng hiện Sơn Lang còn trên 20 người biết kể Hơ Amon (trường ca). Cách nay mấy năm tình cờ phát hiện một người đàn bà biết Hơ Amon ở Kon Chro, tôi vẫn cứ đinh ninh đây là sự hy hữu, hóa ra ở Sơn Lang này lại có tới 2 người cùng biết kể. Người thứ nhất là Đinh Thị Ngom, năm nay cũng đã trên 70 tuổi. Bà nói rằng nhiều chuyện đời, chuyện người đã rơi rụng trong ký ức, chỉ riêng Hơ Amon là vẫn còn. Cũng như với mọi người dân Sơn Lang thời đánh Mỹ, Ngom cũng có mặt trong đoàn quân gùi hàng, tải đạn cho bộ đội. Trên những chặng đường nghỉ chân, những đêm ở cứ, lời kể của Ngom lại ngân lên cho mọi người quên đói, quên mệt. Người bạn của Ngom thuở ấy – Đinh Thị Dép - cũng từng có những năm tháng không quên như thế, bây giờ lại nối tiếp Ngom. Điện dù đã sáng, tiếng xe máy đã luồn vào mọi ngõ ngách thì Hơ Amon của Đinh Thị Dép vẫn là ma lực với lòng người.

Cách đây cũng đã hơn mười năm, những cán bộ cách mạng lão thành của Sơn Lang – trong đó có Đinh Rúp - được huyện cho ra Hà Nội viếng Lăng Bác, về thăm quê Bác. Trở về, ông đã kể tỉ mỉ cho cán bộ và dân các làng về chuyến đi ấy. “Cứ theo Bác Hồ là thắng tất” – lạ thay câu nói ấy của ông đã trở thành một khẩu hiệu. Nhớ cái đận cà phê rớt giá làm cho đời sống không ít người lao đao, bà con đã nhắc lại câu nói ấy của ông. Bây giờ, cứ mỗi lúc gặp khó khăn, người ta vẫn nhắc câu nói ấy. Với người Sơn Lang, Bác Hồ chính là cuộc sống hằng ngày của họ...

Tôi đã chiêm nghiệm điều này trong một chuyến đi ngắn ngủi – một khoảnh khắc trong vạn ngày đã qua trên đất Sơn Lang...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo