xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người tù khổ sai

Bài và ảnh: TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Gia đình nghèo, cha mẹ tôi sinh được tám anh em, năm trai ba gái. Đứa em út mới sinh chưa đặt tên đã mất lúc gia đình đi tản cư. Tôi là con thứ năm nhưng trở thành con lớn vì các anh chị em đều hy sinh trong hai cuộc chiến tranh...

Ngồi với tôi một ngày cuối năm, ông Nguyễn Hữu Bì, một đảng viên bị bắt giam ở cả chục nhà tù miền Nam từ năm 1964-1973, bắt đầu câu chuyện đời mình.

Chín năm lao tù

Đầu năm 1947, mặt trận Thái Phiên (Đà Nẵng) bùng nổ. Có lệnh tản cư, gia đình tôi và cả làng rầm rập ra đi, kẻ gồng người gánh. Thanh Quýt (Điện Bàn, Quảng Nam) trở thành vùng tạm chiếm, giặc Pháp xây dựng đồn bốt khắp nơi.

Tháng 10-1949, Quảng Nam làm lễ đón và tiễn vua Bảo Đại hồi loan về thăm Điện Bàn. Anh Ba tôi là Nguyễn Hữu Lỳ - lúc đó mới 15 tuổi, làm giao liên cho bộ đội địa phương - được giao ám sát Bảo Đại. Anh lận lựu đạn trong người, lẩn vào đám đông được huy động đi đón vua. Do Bảo Đại được canh giữ chặt chẽ và có lẽ bị chỉ điểm nên anh bị bắt. Anh Lỳ bị giam vào nhà lao nơi anh Hai Thông (Nguyễn Hữu Nì) của tôi vừa vượt ngục mấy tháng trước. Anh bị nhốt tại đó 3 tháng với những đòn tra tấn dã man.

Sau anh Lỳ, cha tôi cũng bị bắt về giam ở đồn Hương Sen. Nhà cửa bị đốt sạch nên mẹ tôi phải dắt đàn con sang hàng xóm ở nhờ. Một hôm, cha tôi vượt ngục về nhà, từ biệt vợ con rồi ra đi. Cuối năm ấy, tin dữ đưa về: Cha tôi đã bị Tây bắn chết. Cùng lúc, nhà lao Vĩnh Điện đưa anh Lỳ cùng 2 tù nhân khác ra bắn ở bến đò Vân Ly (xã Điện Phước bây giờ) và mất xác vĩnh viễn.

 


Ông Nguyễn Hữu Bì

Ông Nguyễn Hữu Bì

 

Một đêm tối trời, mẹ tôi đặt hương án giữa sân. Mẹ quỳ trước, chị em chúng tôi quỳ phía sau. Ông bà nội tôi đứng chắp tay hai bên. Ông khấn vái còn bà thì nhắc các cháu sụp lạy, phục khăn tang cho cha và hai anh, trong đó có anh Lỳ ra đi vì mưu sát vua Bảo Đại bất thành. Còn gì đau đớn bằng nhiều người thân ra đi mà không hề thấy mặt!

Khi hòa bình lập lại vào tháng 7-1954, cuộc đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử của nhân dân diễn ra tại Miễu Khuôn ở làng tôi đã bị đàn áp dã man, Ủy ban Kiểm soát đình chiến phải đến tận nơi can thiệp mới chấm dứt. Mẹ và tôi bị bắt lên đình Thanh Quýt, giam hai nơi riêng biệt.

Khi chúng bảo mẹ tôi viết giấy từ con (anh Hai Thông, vượt ngục đi tập kết), bà uất ức la lớn: “Đạo lý con người để đâu mà lại từ con mình đẻ ra? Bọn bây làm được chớ tao không bao giờ làm!”. Chúng lại lôi mẹ tôi ra đánh, bắt bà lấy hai chai thủy tinh nhỏ để... lấy nước đổ cho đầy cái hồ lớn. Mẹ tôi chỉ tay vào mặt tên thẩm vấn thét lên: “Mày về hỏi cha mẹ mày có làm được việc đó không? Nếu cha mẹ mày làm được thì tao mới làm”. Trước thái độ cứng rắn của bà, chúng đuối lý và quay qua bắt tôi viết giấy từ anh. Tôi chối: “Tôi chưa hề biết mặt anh ấy thì làm sao từ được”. Không lay chuyển được mẹ con tôi, chúng phải thả về...

Tôi được phân công làm đội trưởng Đội Công tác nội thành Đà Nẵng, có nhiệm vụ xâm nhập thành phố, bắt liên lạc và tổ chức cơ sở, đưa thanh niên về căn cứ huấn luyện để thành lập lực lượng vũ trang. Tháng 4-1964, trên đường công tác, tôi bị bắt đưa về nhà lao Vĩnh Điện, sau đó đưa vào ty công an rồi lao xá Hội An.

Tháng 9-1965, tôi bị đưa ra nhà lao Thừa Phủ ở Huế rồi ra tòa áo đỏ (tòa đại hình), bị án 10 năm khổ sai. Tháng 10-1965, chúng tôi gồm 120 người bị chuyển vào kho đạn Đà Nẵng, một tháng sau lại vào khám lớn Chí Hòa (Sài Gòn).

Chiều 24-2-1966, từ nhà lao Chí Hòa, chúng tôi bị đưa đi lưu đày Côn Đảo trên chuyến tàu thủy đầu năm. Tất cả 260 anh em tù từ nhiều địa phương cùng đi chung chuyến đó. Ở Côn Đảo, nhiều lần tôi bị nhốt vào khu chuồng bò.

Sau Tết năm 1973, chúng tôi được tin Hiệp định Paris đã ký. Nhiều anh em bệnh tim mạch xúc động quá đã ngất xỉu, phải đưa đi cấp cứu. Tên trật tự viên đạp phòng tôi quát: “Ai nói mày hòa bình?”. Tôi từ tốn: “Hòa bình là nguyện vọng của toàn dân; vợ con, người thân của anh cũng đều ao ước vậy. Mình dù gì cũng đều là tù nhân, sao anh lại không vui?”. Nghe vậy, thái độ gã liền chùng xuống.

Tháng 3-1973, chúng tôi được đưa về đất liền trao trả theo Hiệp định Paris. Tôi đi chuyến bay thứ ba cất cánh từ Côn Đảo chở theo 18 anh em tù khổ sai về thẳng Đà Nẵng và tiếp tục bị giam tại nhà lao Ty Gia Long. Sau đó, tôi và ba người nữa quê Điện Bàn được thả xuống bên quốc lộ lúc chạng vạng tối. Học sinh trong làng và bà con nhận ra tôi, lúc này bị bại liệt, đã đưa về xóm, giao cho cơ sở chăm sóc.

Về quê nhà trong cảnh bại liệt, tôi lại nghe những tin tức xé lòng. Anh Hai Thông từ miền Bắc về đã hy sinh năm 1968. Các em tôi bị bắt, vượt ngục về đi bộ đội cũng hy sinh từ năm 1965 đến 1972. Bạn bè, anh em không còn mấy người. Vợ tôi đã có con với người ta. Quê hương và cả gia đình tan tác bên dòng sông Thanh Quýt xanh trong ngày tôi thoát khỏi 9 năm lưu lạc khắp các nhà tù ở miền Nam.

Đất nước im tiếng súng, mẹ tôi sau những ngày bị tù cũng trở về, gặp lại đứa con trai duy nhất còn sống sót qua cuộc chiến. Bệnh mẹ tôi trở nặng và bà đã vĩnh viễn ra đi năm 1984. Trước khi nhắm mắt, mẹ gượng nói với tôi: “Vậy là công mẹ cũng không uổng”. Nỗi đau mất mẹ tuy không trầy da rách thịt nhưng còn hơn cả những ngày ở chuồng cọp, chuồng bò Côn Đảo...

Tâm hồn cao thượng

Ông Bì làm chủ tịch UBND rồi Bí thư Đảng ủy xã nhiều năm cho đến khi nghỉ hưu. Tuy ít học nhưng từng trải, ông là một lãnh đạo cơ sở có tư tưởng đổi mới. Khi nghỉ hưu, dù sức khỏe không tốt, ông vẫn nhận việc xây dựng lại đình làng, làm công tác khuyến học tại xã, “để cho bọn trẻ học giỏi hơn anh em mình”.

Sau năm 1975, ông lập gia đình mới. Vợ trước của ông ngoài đứa con gái chung còn có thêm hai con khác với người chồng sau, từng là cảnh sát chế độ cũ. Thời còn bao cấp, hằng ngày ông này đi mua thuốc tây đem ra chợ bán để kiếm tiền lo cho gia đình. Một hôm, ông ta bị quản lý thị trường bắt, sau đưa ra truy tố.

Lúc đó đang là chủ tịch xã, ông Bì đã âm thầm lặn lội ra Đà Nẵng, đến nhà riêng một người bạn cũ làm lãnh đạo VKSND và đưa đơn xin bảo lãnh. “Tay này là gì của anh mà anh xin?” - vị ấy hỏi. Ông Bì thú thiệt: “Là chồng của vợ cũ mình. Anh ta đói quá phải đi buôn bán nuôi con chớ không phải là người xấu”.

Cả người vợ trước và sau của ông Bì thường có mặt khi họ cưới gả con cái và ông đã nhiều lần dặn tôi đừng nhắc lại chi tiết này. Nhưng nay ông đã già yếu với tuổi 80, tôi đành không nghe lời ông. Bởi lẽ, đó là một hành động cao thượng, nhân nghĩa ở một người tù khổ sai từng bầm dập xác thân qua nhiều lao lý, đã mang chịu nhiều khổ đau trong hai cuộc chiến. Đó chính là tình yêu thương con người nảy mầm từ những khổ đau mà ông nếm trải.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo