xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nguyễn Văn Kỉnh - Tấm gương ngời sáng (*): Tài đức thu phục nhân tâm

Phan Anh

Với những người thân và đồng đội của ông Nguyễn Văn Kỉnh, ký ức về người cộng sản kiên trung, nhà ngoại giao tài ba này là những mẩu chuyện cảm động của một nhân cách lớn

“Những ai được tiếp xúc lần đầu cũng đều nhanh chóng có thiện cảm với anh Tư Kỉnh - Nguyễn Văn Kỉnh bởi cách giao tiếp chân tình, sự thân thiện, cởi mở xuất phát từ tấm lòng nhân ái của anh”. Ông Trần Hữu Phước, nguyên Bí thư Trung ương Cục miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mở đầu câu chuyện về người mà ông kính phục. Cũng như ông Phước, nhiều bạn bè của ông Nguyễn Văn Kỉnh đã mang đến cuộc tọa đàm “Nguyễn Văn Kỉnh - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường” những mẩu chuyện cảm động về một nhân cách lớn, một con người tài ba của Đảng. Tọa đàm được Thành ủy TP HCM tổ chức sáng 26-2 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Nguyễn Văn Kỉnh (28.2.1916-28.2.2016) - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.

Làm việc và làm việc

Biết ông Nguyễn Văn Kỉnh từ thời kháng chiến chống Pháp khi đang làm thư ký cho ông Lê Đức Thọ - nguyên Bí thư Trung ương Cục miền Nam, rồi có 3 năm làm thư ký cho “anh Tư”, ông Trần Hữu Phước càng cảm phục một người cộng sản tài đức vẹn toàn. Trong ký ức của ông Phước, ông Kỉnh là một lãnh đạo không bao giờ sử dụng quyền uy để áp chế cán bộ mà dùng tài đức, dùng cái tâm trong sáng để thu phục lòng người.

Lãnh đạo TP HCM thăm hỏi bà Mạc Thị Kim Cúc, phu nhân của ông Nguyễn Văn Kỉnh Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Lãnh đạo TP HCM thăm hỏi bà Mạc Thị Kim Cúc, phu nhân của ông Nguyễn Văn Kỉnh Ảnh: HOÀNG TRIỀU

“Tôi nhớ trong những năm kháng chiến, có một số cán bộ lãnh đạo cấp cao nổi danh là hay “đe”, hay “búa”, hay “chỉnh đốn tư tưởng” cán bộ. Anh Tư Kỉnh không làm điều ấy. Khi tiếp xúc với những cán bộ phạm khuyết điểm, sai lầm, anh đã cảm hóa họ và chinh phục nhân tâm bằng đức trị” - ông Phước hồi tưởng.

Cảm phục một nhân cách sáng ngời, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Thọ Chân kể: “Anh Tư Kỉnh chưa hề to tiếng với ai. Anh là con người độ lượng, văn hóa cao và khiêm tốn. Ở anh, tôi chỉ thấy một con người làm việc và làm việc”.

Với ông Lê Quang Thành, nguyên Bí thư Xứ ủy đoàn ủy Thanh niên Cứu quốc Nam Bộ, ông Nguyễn Văn Kỉnh là người thầy, người anh mà ông suốt đời không bao giờ quên. “Lần đầu tiên tôi được gần anh là thời gian trước, trong và sau Đại hội Đoàn Thanh niên Cứu quốc Nam Bộ cuối năm 1949; lần thứ hai là lúc tôi tham gia khóa 2 của Trường Trường Chinh từ năm 1950-1951, khi ấy do anh Tư Kỉnh làm giám đốc. Tôi thật may mắn khi được nhiều lần gần gũi, học tập một con người tài đức vẹn toàn như anh Tư Kỉnh” - ông Thành xúc động.

Nhắc đến người anh đáng kính của mình, ông Thành cho biết: “Lớp học của anh Tư Kỉnh lúc nào cũng vui nhộn. Anh Tư là một giám đốc rất quan tâm tìm hiểu gia đình, đời sống học viên. Anh nhiều lần đứng ra tổ chức đám cưới tập thể cho các cặp vợ chồng mà vì hoàn cảnh chiến tranh chưa tiến hành được. Vậy mà tôi thấy anh chưa bao giờ lo cho bản thân. Khi ấy, dù đã 35 tuổi đời nhưng anh vẫn phòng không, cô đơn”.

Nhà ngoại giao tầm cỡ

Lần thứ ba được kề cạnh ông Nguyễn Văn Kỉnh là khi ông Thành được cử đi học ở Liên Xô từ năm 1961 đến 1964. Thời gian đó, ông Nguyễn Văn Kỉnh đang làm đại sứ tại Liên Xô. “Nhiều người quan niệm làm đại sứ là có cuộc sống sung túc nhưng tôi thấy anh Tư Kỉnh thì ngược lại. Thần kinh anh luôn căng thẳng, vô cùng vất vả, cực nhọc muôn phần vì tình hình lúc đó rất phức tạp” - ông nhớ lại.

Ông Thành cho biết vào tháng 7-1964, một đoàn học viên Việt Nam tại Trường Đảng Liên Xô bỗng nhiên mất tích trước đêm về nước. Khi ông đến báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo thì ông Nguyễn Văn Kỉnh ôn tồn: “Đây không phải lần đầu tiên xảy ra chuyện này. Lần này, ta phải kiên quyết đấu tranh với bạn nhưng phải thấu tình đạt lý, bảo đảm tình đoàn kết, hữu nghị, không để mối tình đó bị tổn thương”. “Nhiều lần chứng kiến cách xử lý sự cố của anh Tư Kỉnh, tôi càng cảm phục tài làm ngoại giao của anh” - ông Thành bày tỏ.

Trong khi đó, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cho rằng sẽ rất thiếu sót nếu không nói đến tài năng của ông Nguyễn Văn Kỉnh trong lĩnh vực đối ngoại. “Nguyễn Văn Kỉnh là một nhà ngoại giao tầm cỡ của Đảng ta. Có thấy hết bối cảnh lịch sử đặc thù trên trường quốc tế trong thời gian anh Tư Kỉnh làm công tác đối ngoại, có hiểu rõ được nguyên nhân vì sao trung ương quyết định kéo dài thời hạn tới 3 nhiệm kỳ 10 năm của anh làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của nước ta trên đất nước Xô Viết, chúng ta mới lý giải được điều này” - ông Phan Văn Khải khẳng định.

Dành những lời tốt đẹp về người đồng chí của mình, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nhìn nhận: “Cuộc đời anh trong như giọt sương, đẹp như ánh nắng. Anh không chỉ là một cán bộ lãnh đạo tài cao mà còn là một chiến sĩ cách mạng đức trọng. Tài cao thể hiện ở chỗ bằng sự nêu gương của chính mình, anh đã thu phục nhân tâm quần chúng, tập hợp và quy tụ được mọi người đoàn kết gắn bó xung quanh để cùng nhau tổ chức thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ công tác của Đảng. Đức trọng của anh đã để lại những dấu ấn sâu đậm khi kiên trì phấn đấu để vận dụng nhuần nhuyễn tư tưởng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của Bác Hồ trong mọi mặt hoạt động và trong cuộc sống đời thường, có tác dụng nêu gương và có sức lan tỏa mạnh”.

Trước những tình cảm, sự tin yêu mà đồng đội dành cho chồng mình, bà Mạc Thị Kim Cúc thật sự xúc động. Bà lặng lẽ lau nước mắt, giọng run run: “Cho tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Đảng, nhà nước đã tổ chức buổi tọa đàm này. Tọa đàm đã tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của chồng tôi. Đây là sự ghi nhận của Đảng, của nhà nước đối với sự đóng góp của chồng tôi. Tôi không biết nói gì hơn trước những tấm lòng này...”.

Kỳ tới: Giương cao hai ngọn đuốc

Vượt qua mọi chông gai thử thách

Theo ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, ông Nguyễn Văn Kỉnh là tấm gương sáng ngời của một chiến sĩ cộng sản kiên cường, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng cộng sản, vì độc lập cho Tổ quốc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

“Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh trọn đời kiên trung với Đảng, với sự nghiệp cách mạng; không quản ngại gian nan, nguy hiểm, dù ở cương vị nào, dù ở thời kỳ cách mạng nào vẫn vượt qua mọi chông gai thử thách, phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Trong cuộc sống hằng ngày, đồng chí luôn giữ vững phẩm chất trong sạch, liêm khiết, khiêm tốn, giản dị, tiết kiệm, điều độ, yêu lao động, quý trọng thời gian, không ham muốn quyền lợi cho riêng mình, không khoa trương...” - ông Tất Thành Cang bày tỏ.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo