xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiều âu lo về vốn ODA

Bài và ảnh: Kim Ngân

Dù được đối tác đánh giá sử dụng vốn ODA tốt nhưng các ngành trong nước lại cho rằng khai thác nguồn vốn này còn nhiều hạn chế do thiếu định hướng dài hạn, dự án thiếu tính cạnh tranh...

Ngày 7-8, tại TP Đà Nẵng, Ban Kinh tế trung ương đã chủ trì tổ chức hội thảo “Hoạt động ODA tại Việt Nam - 20 năm nhìn lại”. Gần 20 tham luận và ý kiến tại hội thảo đã đánh giá tác động, thực trạng, những khó khăn vướng mắc trong việc huy động và sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài và các nguồn vốn khác trong 20 năm qua.

Hàng loạt bất cập

Lũy kế từ năm 1993 đến 2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam đã lên đến 89,5 tỉ USD, tổng vốn đã ký kết đạt 73,68 tỉ USD, bình quân 3,5 tỉ USD/năm; vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân đạt 53,89 tỉ USD, chiếm trên 73,2% tổng vốn ODA đã ký kết.

Việt Nam được các nhà tài trợ đánh giá là nước sử dụng nguồn vốn ODA tốt. Khoảng 80 tỉ USD mà các nhà tài trợ cam kết trong 20 năm qua đã mang đến cho Việt Nam nguồn vốn quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân.

 

TSKH Võ Đại Lược đề nghị tập trung vốn ODA vào những vùng, tuyến phát triển quan trọng của đất nước
TSKH Võ Đại Lược đề nghị tập trung vốn ODA vào những vùng, tuyến phát triển quan trọng của đất nước

 

Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, việc thu hút và sử dụng vốn ODA hiện nay chưa thực sự gắn với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch của các địa phương. Do vậy, hiệu quả sử dụng nguồn vốn này chưa cao.

Nhìn nhận về một số hạn chế trong việc sử dụng nguồn vốn ODA, ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế trung ương, cho rằng việc huy động và sử dụng các nguồn vốn ODA trong những năm qua đã bộc lộ một số hạn chế do nhiều nguyên nhân, như thiếu một định hướng tổng thể với tầm nhìn dài hạn làm cơ sở cho việc huy động và sử dụng một cách có hiệu quả hơn; các dự án thiếu tính cạnh tranh nên chi phí đầu tư thường tăng rất nhiều so với dự toán ban đầu; do dễ tiếp cận và trách nhiệm của người vay không cao nên các dự án có nguy cơ quản lý kém, nảy sinh nhiều bất cập…

Nhiều ý kiến cho rằng những bất cập trong quản lý và sử dụng vốn ODA khiến lợi ích thu được hạn chế, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Việc quản lý vốn ODA còn chồng chéo về cả khung pháp lý và trách nhiệm thực tế. Cơ chế quản trị việc sử dụng nguồn vốn ODA còn bất cập nên đã xảy ra tình trạng lãng phí và tham nhũng. Vai trò giám sát, quản lý nhà nước của các bộ, ngành ở một số dự án sử dụng vốn ODA còn hạn chế do chất lượng nhân sự không ổn định…

Nâng hiệu quả vốn vay

Theo nhận định của PGS-TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Vì vậy, trong vòng 10 năm tới, nguồn vốn ODA khó có thể tăng với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Viện trợ không hoàn lại và những hình thức ưu đãi của nhà tài trợ sẽ trở nên khan hiếm. Do đó, Việt Nam phải chuyển từ nguồn vốn vay ưu đãi sang nguồn vốn có lãi suất cao hơn, dựa vào thị trường tài chính tư nhân nhiều hơn. “Nước ta phải phát triển các thể chế tài chính có khả năng thu hút nguồn vốn dài hạn cho đầu tư phát triển và giảm nghèo. Vấn đề quan trọng trong bối cảnh mới là nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi” - ông Sơn nói.

Về vấn đề này, TSKH Võ Đại Lược đề xuất một số giải pháp như: Cần có quy hoạch dài hạn đối với việc sử dụng vốn ODA, cân nhắc hiệu quả kinh tế - xã hội cho từng lĩnh vực cần vốn ODA. Cần tập trung vốn vào những vùng, tuyến phát triển quan trọng của đất nước, tạo ra những cực tăng trưởng có tác động dẫn truyền. Đổi mới cơ chế quản trị việc sử dụng nguồn vốn ODA theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch… tránh tình trạng lãng phí, tham nhũng. Loại bỏ những dự án ODA kém hiệu quả. Chỉ chấp nhận những dự án có ý nghĩa thiết thực và hiệu quả kinh tế - xã hội.

 

Định hướng sử dụng

Tại hội thảo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra định hướng sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong thời gian tới. Theo đó, đối với vốn ODA không hoàn lại, sử dụng thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ chính sách, phát triển thể chế, tăng cường năng lực con người; hỗ trợ trực tiếp cải thiện đời sống kinh tế - xã hội, môi trường cho người dân, nhất là người nghèo ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc; nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; chuẩn bị chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi và các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đối với vốn vay ODA, sử dụng chuẩn bị và thực hiện các chương trình, dự án không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; những chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước có thể tạo ra nguồn thu để phục vụ lợi ích kinh tế - xã hội quốc gia. Đối với vốn vay ưu đãi, đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia có nguồn thu và khả năng trả nợ chắc chắn.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo