xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhùng nhằng xử lý công trình sai phép

NHÓM PHÓNG VIÊN

Cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng và Hà Nội đã thiếu kiên quyết khi xử lý sai phạm tại biệt thự trái phép trên núi Hải Vân và tòa nhà 8B Lê Trực

Ngày 1-2, UBND quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng lại ra văn bản  gia hạn thời gian tự tháo dỡ biệt thự trái phép của của ông Ngô Văn Quang trên núi Hải Vân thay vì tiến hành cưỡng chế như quyết định ngày 8-12-2015. Văn bản ghi rõ thống nhất gia hạn cho ông Quang tháo dỡ một số hạng mục công trình vi phạm và phải hoàn thành trước ngày 15-4.

Đến hẹn lại “câu giờ”

Biệt thự trái phép của ông Ngô Văn Quang (Giám đốc Công ty Vàng Phước Minh ở tỉnh Quảng Nam) tại khu vực đồi Chim Chim thuộc rừng đặc dụng Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) ngày 1-2 vẫn đóng cửa im lìm.

Trước đây, biệt thự này có cổng bê tông hoành tráng. Đến ngày tự tháo dỡ theo quyết định của UBND quận Liên Chiểu (12-12-2015), ông Quang thuê hơn 50 nhân công đến tháo dỡ cổng và mái ngói của 2 hạng mục nhà bê tông bên trong. Tuy nhiên, cho đến hết hạn tự tháo dỡ, ngày 1-2, phần cổng bê tông bị đập bỏ đã được thay bằng cổng sắt hoành tráng không kém. Nhiều nhà rường bằng gỗ, bê tông vẫn còn nguyên trạng, không có dấu hiệu tháo dỡ. Nhiều quản gia vẫn sống bên trong biệt thự để chăm sóc vườn cây, nuôi chó.

 

Đến ngày 1-2, tòa nhà 8B Lê Trực vẫn chưa tháo dỡ xong phần diện tích xây sai phép Ảnh: NGUYỄN QUYẾT
Đến ngày 1-2, tòa nhà 8B Lê Trực vẫn chưa tháo dỡ xong phần diện tích xây sai phép Ảnh: NGUYỄN QUYẾT

 

“Họ tháo dỡ được vài ngày đầu thôi. Mấy cái cổng phụ to đùng vẫn để nguyên chứ không mở cửa. Họ không muốn tháo thôi chứ xây mới khó, phá mấy hồi” - anh Trần Lâm, người dân phường Hòa Hiệp Bắc, nói.

Một quản gia trong biệt thự cho biết thợ tháo dỡ các công trình chủ yếu là người miền Bắc nên họ đã về quê ăn Tết cách đây vài tuần. Ông Quang hơn tháng nay không lên đây, mọi việc trông coi đều do quản gia phụ trách. “Thợ đã tháo dỡ nhiều rồi nhưng chưa chở đi nơi khác được vì chưa mua được đất để làm lại” - người quản gia này nói.

Ngay giữa thủ đô Hà Nội, công trình tòa nhà 8B Lê Trực (quận Ba Đình) đã xây dựng vượt chiều cao tương đương 5 tầng. Thủ tướng Chính phủ đã kết luận vi phạm ở công trình xây dựng 8B Lê Trực là nghiêm trọng, phải xử lý nghiêm. Các cơ quan chức năng của TP Hà Nội cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo xử lý tháo dỡ phần sai phép.

Từ đầu tháng 10-2015, TP Hà Nội đã buộc chủ đầu tư công trình phải khẩn trương tháo dỡ phần xây sai phép, nếu không sẽ cưỡng chế. Đến đầu tháng 11-2015, TP tiếp tục ra văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận Ba Đình yêu cầu chủ đầu tư lập phương án và thời gian cụ thể khắc phục sai phạm.

Trong lúc UBND quận Ba Đình chưa ban hành quyết định cưỡng chế thì chủ đầu tư đã có công văn gửi Sở Xây dựng và quận Ba Đình xin 7 tháng để hoàn thành phá dỡ giai đoạn 1 chỉ có tum và tầng 19.

Sau đó, do quá trình tháo dỡ quá chậm chạp, đến ngày 5-1, TP Hà Nội yêu cầu chủ tịch UBND quận Ba Đình khẩn trương ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính, báo cáo TP kết quả thực hiện trước ngày 10-1-2016. Đến ngày 9-1, quận Ba Đình quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Song, 10 ngày sau đó, TP lại có văn bản đồng ý với đề xuất “tiếp tục thi công phá dỡ để bảo vệ kết cấu, tuổi thọ công trình; điều chỉnh biện pháp thi công, tiến độ phá dỡ phần xây dựng sai phép tại 8B Lê Trực” của chủ đầu tư.

Đến ngày 22-1, UBND TP Hà Nội lại cho biết TP không hề bỏ lệnh cưỡng chế nhà 8B Lê Trực và cũng không có văn bản đồng ý để Công ty CP May Lê Trực được phép phá dỡ. Điều này cho thấy văn bản chỉ đạo của TP và các đơn vị liên quan chưa thống nhất.

Thể hiện sự coi thường pháp luật

Lý giải việc nhiều lần ấn định ngày tháo dỡ công trình trái phép rồi lại du di gia hạn thêm, ông Phạm Minh, Chánh Văn phòng UBND quận Liên Chiểu, cho biết ông Quang đã 2 lần gửi đơn xin gia hạn thời gian tự tháo dỡ vào ngày 16-12-2015 và ngày 20-1-2016. Ông Quang trình bày rằng trong 50 ngày đã tháo dỡ được 60% các công trình vi phạm gồm 1 cổng chính và 2 căn nhà rường.

“Các công trình vi phạm được xây dựng đa số bằng vật liệu gỗ, có kết cấu tinh xảo. Tài sản bên trong gồm nhiều vật dụng và đồ trang trí bằng gỗ có kích thước, khối lượng rất lớn, kết cấu phức tạp. Việc tháo dỡ cần nhiều nhân lực và thời gian nhưng do giáp Tết nên thuê nhân công khó khăn” - ông Quang viết trong đơn trình bày.

Nhiều hạng mục bên trong biệt thự trên núi Hải Vân còn nguyên trạng Ảnh: BÍCH VÂN
Nhiều hạng mục bên trong biệt thự trên núi Hải Vân còn nguyên trạng Ảnh: BÍCH VÂN

 

Đại diện UBND quận Liên Chiểu khẳng định thường xuyên giám sát việc tháo dỡ của ông Quang và xác thực ông Quang đang tự nguyện tháo dỡ.

Xét thấy việc xin gia hạn thêm thời gian là có cơ sở, hợp lý nên quận đồng ý. UBND quận Liên Chiểu cũng tái khẳng định sẽ đôn đốc, kiểm soát chặt quá trình tự tháo dỡ các công trình vi phạm đúng tiến độ. Ông Nguyễn Hữu Hùng, cán bộ hưu trí quận Liên Chiểu, cho rằng việc ông Quang không thực hiện tháo dỡ theo đúng quyết định của UBND quận Liên Chiểu thể hiện sự coi thường pháp luật.

“Chủ nhân biệt thự trái phép muốn chây ì tháo dỡ để giữ lại biệt thự. Không thể cứ viện lý do này nọ mà hết lần này đến lần khác vẫn tháo dỡ không xong” - ông Hùng bức xúc.

TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng việc TP Hà Nội ban hành quá nhiều văn bản đốc thúc chủ đầu tư là không hiệu quả bởi kết quả thực tế vẫn cho thấy dự án nhà 8B Lê Trực rất ì ạch trong khâu phá dỡ phần sai phạm. Trong đó, mấu chốt nằm ở chỗ TP đã không cương quyết đưa ra một thời hạn cụ thể cũng như biện pháp xử lý mạnh tay mà vẫn để cho chủ đầu tư được tự lên phương án. Thậm chí, có thời điểm còn có những khoảng trống để chủ đầu tự xin “hiến” phần sai phạm để khỏi phải phá dỡ.

“Mấy tháng qua, họ phá dỡ rất đủng đỉnh. Không cần thiết phải ép chủ đầu tư phá thật nhanh trong một thời gian ngắn mà có thể xem xét một khoảng thời gian cụ thể đủ để thực hiện. Tuy nhiên, nhất định phải ấn định thời gian và cương quyết đến ngày đó xử phạt hành chính, đồng thời, đưa lực lượng vào phá dỡ và chủ đầu tư phải trả toàn bộ chi phí này” - ông Phạm Sỹ Liêm nói.

Cũng theo ông Liêm, để cho chủ đầu tư tự dỡ không có nghĩa là không cưỡng chế. Ở đây, do bị cưỡng chế nên họ mới buộc phải tháo dỡ và nếu không tự nguyện tuân thủ thì sẽ phải chịu các biện pháp xử lý mạnh tay hơn. Cần phải làm rõ ý này để người dân không bức xúc.

Theo giới chuyên gia từng làm công tác quy hoạch thủ đô, việc tháo dỡ phần sai phạm của dự án nói trên không cần quá nhiều thời gian như phương án đưa ra. Do đó, nếu TP quyết tâm cưỡng chế để làm gương thì cần tham khảo ý kiến của các nhà xây dựng, kiến trúc để tính toán thời gian hợp lý; không cho phép chủ đầu tư tự tính toán thời gian để lợi dụng câu giờ nữa.

 

Đề nghị kỷ luật 2 cán bộ nghỉ hưu

Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản gửi Sở Nội vụ Hà Nội về việc xem xét kỷ luật các cán bộ trực thuộc sở đã nghỉ hưu liên quan tới sai phạm tại công trình 8B Lê Trực. Theo đó, 2 cá nhân bị đề nghị xem xét là ông Nguyễn Quốc Tuấn (nguyên phó giám đốc sở)và bà Lê Thị Nhung (nguyên trưởng phòng quản lý cấp phép xây dựng).

Trước đó, theo kết luận của Thanh tra TP Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Tuấn, bà Lê Thị Nhung và ông Lê Văn Đức, chuyên viên phòng quản lý cấp phép, bị quy trách nhiệm để xảy ra sai sót tại dự án 8B Lê Trực. Hiện ông Tuấn và bà Nhung đã nghỉ hưu.

 

“Chính quyền không nên cho gia hạn mà phải thực hiện cưỡng chế ngay lập tức để giữ nghiêm kỷ cương phép nước” - cán bộ hưu trí Nguyễn Hữu Hùng nói.

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo