xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nỗi đau mang tên lá ngón

Bài và ảnh: PHƯỚC TRỊNH

Trên khắp núi rừng vùng đồng bào Cơtu ở huyện Tây Giang (Quảng Nam) có một thứ cây dây leo, hoa rất đẹp nhưng cực độc, có tên lá ngón. Mỗi năm, hàng chục mạng người đã mất do... ăn lá ngón tự tử. Nỗi đau mang tên lá ngón vẫn cứ ám ảnh khắp các bản làng Cơtu ở biên giới khu 7 Tây Giang, nơi núi cao chất ngất, vực sâu thăm thẳm được mệnh danh là “cổng trời” ở tỉnh Quảng Nam

“Người Cơtu mình rất sợ cây lá ngón. Ngay từ nhỏ, trẻ con trong làng đã được cha mẹ dạy cách phân biệt loại cây cực độc này với những cây khác. Có người, chỉ cần ăn một lá ngón là đã ngấm độc nặng, không phát hiện cấp cứu kịp là chết”. Trên chuyến xe U-oát ngược “cổng trời” về 4 xã khu 7 là Tr’hy, Axan, Gary và Ch’um của huyện Tây Giang, anh Bhling Mia, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, nói thế.

Những cái chết thương tâm
Nhà anh Mia ở thôn Abanh 1, xã Tr’hy. Ba năm trước, cô em dâu của Mia ăn lá ngón không cứu kịp, để lại 3 đứa con nhỏ dại. Những cái chết vì lá ngón ở nơi “cổng trời” Quảng Nam này rất thương tâm. Ploong Thị Tài, cô gái Cơtu ở cùng thôn Abanh 1 với anh Bhling Mia, chết vì lá ngón khi mới 22 tuổi. Tài tìm đến cái chết là do xấu hổ với bên nhà chồng. Vào tháng 6-2007, gia đình chồng cô tổ chức cưới vợ cho con, có mời cha ruột của Tài ở bên huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) đến dự. Sau khi uống rượu say, cha ruột Tài mở miệng xin cái ché, nhưng cha chồng tiếc của không cho. Thế là hai bên cãi vã lớn tiếng với nhau. Chiều hôm đó, Tài tìm ra nhà duông chứa thóc trên rẫy... Khi người nhà phát hiện thì cô đã chết vì ăn lá ngón tự tử.
Bác sĩ Ploong Lới ở Trạm Y tế xã Tr’hy cho biết, trong năm 2008, xã có 5 người ăn lá ngón tự tử, 2 người được phát hiện kịp thời nên cứu sống. Ngoài Ploong Thị Tài chết, còn có Ploong Thị A (SN 1985), ở thôn Dầm 1, có chồng và 3 con. Zơrâm Xước (SN 1983), ở thôn Voòng, đã có vợ và một đứa con nhỏ cũng tìm đến cái chết bằng lá ngón. Chàng trai Cơtu này nguyên là chiến sĩ Đồn Biên phòng 651 tại xã Gary (Tây Giang), mới ra quân. Không biết buồn chuyện gì, một hôm Xước nói với vợ là thích ăn lá ngón tự tử! Tưởng chồng nói đùa, cô vợ trẻ liền “thách”, bảo “mày thích thì ra suối hái lá ngón mà ăn đi”. Không ngờ Xước ra rừng ăn lá ngón thiệt. Khi được phát hiện thì người Xước đã tím tái, miệng thở dốc, hai tay cào cấu áo quần rách tươm. Cái chết của Zơrâm Xước làm cho người dân làng Voòng thêm hoảng loạn vì thứ cây độc mọc khắp cả làng mình.

img
 Ảnh lớn: Làng Voòng, xã Tr’hy (Tây Giang - Quảng Nam), nơi có 2 người tự tử bằng cây lá ngón trong năm 2008. Ảnh nhỏ: Cây lá ngón mọc dày ở bên kia “cổng trời” Quảng Nam


Đã nghèo lại khổ vì lá ngón
Đi dọc các bản làng Cơtu vùng biên giới này, nơi đâu cũng nghe những cái chết thương tâm từ lá ngón. Trong năm 2008, ở thôn Đhung, xã Ch’um có 2 phụ nữ chết vì lá ngón. Đó là Ploong Thị Nét (SN 1986, có chồng và 3 con); Hối Thị Bích (SN 1987, có chồng, 1 con). Còn ở thôn Acho, cũng thuộc xã Ch’um, có Alăng Thị Nhíu. Xã Axan cũng có 3 người tự tử bằng lá ngón. Ngày 17-12-2008, Bhling Thị Nhơ (SN 1980, ở thôn Canoonh 3), tự tử bằng lá ngón, may là người nhà phát hiện nên đưa xuống trạm y tế xã cấp cứu kịp thời.
Ở vùng cao biên giới khu 7 huyện Tây Giang, đời sống của người dân còn quá nghèo, núi cao, vực sâu chia cắt nên đi lại khó khăn, mưa lũ thì sạt lở núi, cả khu vực bị cô lập hàng chục ngày. Trưởng Phòng Y tế huyện Tây Giang Nguyễn Huy Thông lo lắng: “Từ năm 2005 đến nay, số người ăn lá ngón tự tử tăng cao đáng báo động. Như năm 2008 vừa rồi có 10 người chết vì lá ngón. Điều kiện y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân ở khu 7 Tây Giang quá nghèo nàn. Nếu ăn lá ngón mà phát hiện kịp thì may ra được cứu sống. Còn phần lớn đều chết”. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Huy Thông, hầu hết những người tự tử bằng lá ngón đều còn quá trẻ, từ 14-26 tuổi. Nếu không có cán bộ, chiến sĩ quân y của 3 đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn cùng với y tế địa phương cứu chữa kịp thời thì số ca tử vong do ăn lá ngón tự tử trên địa bàn huyện còn cao hơn nhiều.
Bác sĩ Ploong Lới đã nhiều lần tham gia cấp cứu bệnh nhân tự tử bằng lá ngón, cho biết các triệu chứng của người ngộ độc lá ngón là kêu đau, nóng rát trong ruột, nặng thì lên cơn như động kinh, thân thể tím tái, mạch, huyết áp hạ, khó thở rồi tử vong. Biện pháp cấp cứu là dùng nước xà phòng, bột ngọt, phân trâu cho nạn nhân uống để nôn lá ngón ra, rồi dùng nước súc ruột. Có thể lấy nước lá rau má hay lấy rau muống giã nhỏ cho người ăn lá ngón uống để giải độc, rồi chuyển ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế. Nhắc đến Ploong Thị Tài, bác sĩ Lới đưa tay chỉ con dốc Voòng cao ngất, buồn bã cho biết: “Đợt lũ cuối tháng 11-2007, Tài đẻ khó, phải khiêng bộ vượt đường lầy xuống bệnh viện huyện cấp cứu. Mới đến con dốc này thì đứa trẻ đã chết trong bụng mẹ, còn Tài may mắn được cứu sống. Vậy mà cô ấy lại chết vì lá ngón...”.

 
img 
Khảo sát cây lá ngón để tìm cách tiêu diệt


Khó triệt hạ loài cây độc
Khắp núi rừng vùng cao khu 7 huyện Tây Giang, nơi nào cũng có mặt thứ cây chết người này. Nhưng nhiều nhất là ở xã Tr’hy. Cây lá ngón mọc trong rừng già, có mặt bên đường lên rẫy, bên suối và cả trên đường vào các thôn bản. Thân dây lá ngón có khía. Lá mọc đối, hình trứng, đầu nhọn, mép nguyên, nhẵn bóng. Hoa mọc thành chùm đầu cành hay kẽ lá. Cánh hoa màu vàng rất đẹp, trông giống như hoa của một loài phong lan. “Thứ cây độc mà mọc tốt hơn cây lúa, tốt hơn cây bắp. Dân Cơtu mình bao đời nay ghét nó, lánh xa thứ cây giết người này. Nó làm cho nhiều con trai, con gái trong làng mình chết rồi...”- già làng Clâu Blao ở thôn Voòng, xã Tr’hy, dõi mắt về phía rừng già, nói xa xăm.
Phó Bí thư xã Tr’hy Ploong Thái cho biết địa phương rất âu lo về nạn tự tử bằng lá ngón trong xã. Để trừ diệt loại cây độc này, địa phương đã lập kế hoạch và xin huyện cấp kinh phí để “thưởng” cho dân. Mức “thưởng” mà xã dự kiến sẽ là 20.000 đồng/kg rễ cây lá ngón khi bị đốt tiêu hủy. Ploong Thái cho biết: “Thứ cây này có mặt khắp cả núi rừng Tr’hy, có tiền tỉ cũng không cách gì diệt trừ hết đâu. Mà huyện và xã mình thì quá nghèo, năm nào cũng chờ gạo cứu đói của Trung ương và của tỉnh thì lấy tiền đâu ra để nhổ hết cây lá ngón?”. Ông Bhling Mia trăn trở: “Huyện có trên 60% hộ đói nghèo. Lo cái ăn cho người dân đã quá khó khăn rồi. Việc diệt bỏ cây lá ngón sẽ tốn nhiều thời gian, công sức và tiền của. Chỉ còn cách là tuyên truyền vận động người dân mà thôi”.
Trong chuyến công tác vùng cao khu 7 Tây Giang cuối năm 2008, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Sáng đã lưu ý Đảng bộ, chính quyền, mặt trận các cấp ở các xã phải tích cực ngăn chặn tình trạng ăn lá ngón tự tử trong dân.                                                                                          
Cây lá ngón, còn gọi là cây rút ruột, hoàng đằng, đoạn trường thảo... có tên khoa học gelsemium elegans, thuộc họ mới là họ hoàng đằng
(gelsemiaceae).
Ở Việt Nam và Trung Quốc, cây lá ngón được coi là một trong 4 loại cây có độc tính cao nhất (thuốc độc bảng A). Là một loại cây dây leo khá phổ biến ở miền rừng núi Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, miền Bắc Myanmar, Bắc Thái Lan, cũng như các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Hải Nam, Hồ Nam, Giang Tây, Vân Nam, Chiết Giang (Trung Quốc) và Đài Loan. Nó được tìm thấy trong các cánh rừng rậm và dày ở cao độ từ 200 m đến 2.000 m.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo