xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Nóng” chuyện tiền tệ, quản lý internet

Tô Hà

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII bắt đầu hôm qua (17-11) với hai thành viên Chính phủ đăng đàn là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp

Không thắt chặt mà nới lỏng thận trọng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Nguyễn Văn Giàu còn né tránh trả lời câu hỏi của một số đại biểu


Các câu hỏi của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) dành cho Thống đốc Nguyễn Văn Giàu tập trung vào 3 nội dung: điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá; hỗ trợ lãi suất; “loạn” giá vàng.


Mất chứ không phá giá


ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đặt vấn đề: “Chức năng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là ổn định giá trị đồng tiền VN, vậy thống đốc có trách nhiệm đến đâu khi để xảy ra tình trạng đồng tiền mất giá khiến đời sống người dân ngày càng khó khăn? Sắp tới giá một số mặt hàng thiết yếu sẽ “thả” theo cơ chế thị trường, tăng lương..., NHNN có cách nào vừa giữ ổn định đồng tiền vừa thực hiện được các chủ trương đó?

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định: NHNN luôn kiên trì mục tiêu ổn định chính sách tiền tệ, không phá giá nội tệ. Song ông cũng thừa nhận hằng năm, VNĐ đều mất giá. Từ cuối năm 2008 đến nay, VNĐ đã mất giá 5,18% so với USD.


ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) phản ảnh cung - cầu ngoại tệ rất căng thẳng, doanh nghiệp (DN) phải trả thêm 500 đồng/USD để mua USD chợ đen, chính sách điều hành tỉ giá hối đoái của NHNN thời gian tới có gì mới, thay vì chỉ giải quyết bằng biện pháp hành chính?

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu trả lời: Để cân đối cung - cầu ngoại tệ, giải pháp nhanh nhất là thắt chặt chính sách tiền tệ, kiềm chế nhập siêu nhưng như vậy sẽ mâu thuẫn với mục tiêu tăng trưởng. Cung - cầu ngoại tệ căng thẳng vì 2-3 năm qua, nền kinh tế VN đều nhập siêu, chưa giải quyết được khó khăn cũ, năm nay cả 4 nguồn thu đều sụt giảm nên tình hình căng thẳng hơn.

img
ĐB Phạm Thị Loan: “Thị trường căng thẳng không phải do thiếu ngoại tệ mà do găm giữ, đầu cơ”. Ảnh: T. Dũng


VN không thể áp dụng biện pháp vừa điều hành linh hoạt vừa phá giá VNĐ như đề xuất của các chuyên gia vì nợ quốc gia về ngoại tệ đến nay không nhỏ. Nợ nước ngoài của các DN đã lên tới 17 tỉ USD.


Chưa thỏa mãn, ĐB Loan hỏi tiếp: “Thị trường căng thẳng không phải do thiếu ngoại tệ mà do găm giữ, đầu cơ”. Ông Giàu nói Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành làm rất tích cực để giải quyết vấn đề này. “Đây là vấn đề rất lớn, nếu cần thiết thì tôi báo cáo với chủ tịch QH” - ông Giàu thoái thác.


Nguy cơ mất kiểm soát tăng trưởng tín dụng


Cho rằng chính sách hỗ trợ lãi suất không phải là nhân tố tác động giúp kinh tế phục hồi mà vì chính sách tiền tệ đột ngột thắt chặt quá mức từ cuối năm 2007, đầu năm 2008 đã gây cú sốc cho DN giảm tăng trưởng, ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) chất vấn: “Chính sách điều hành bất cập, trách nhiệm của thống đốc NHNN như thế nào và có biện pháp gì để cú sốc đó không lặp lại?”.

Không trả lời thẳng vấn đề, Thống đốc Giàu nói cả nước có 326.000 DN, không phải DN nào cũng thiếu vốn, nhiều DN muốn vay nhưng không đủ điều kiện. Đến nay, chỉ 20% DN tiếp cận được vay vốn hỗ trợ lãi suất... “Tôi không hỏi vì sao chỉ 20% DN tiếp cận được vốn hỗ trợ lãi suất. Tác động đến tăng trưởng trở lại hiện nay là nhờ nới lỏng chính sách tiền tệ. Vậy việc thắt chặt lãi suất đột ngột như vừa qua đúng hay không, trách nhiệm của NHNN như thế nào?” - ĐB Sơn “truy”. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu vẫn không trả lời câu hỏi này...

img
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: “Đây là vấn đề rất lớn..., Chính phủ đang chỉ đạo giải quyết”


Tiếp tục xoáy vào tăng trưởng tín dụng, ĐB Phạm Thị Loan cho rằng tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đến 40% trong khi nhiều lần điều chỉnh, Chính phủ thống nhất hạn chế ở mức 30%. Điều này cho thấy khả năng không kiểm soát được tăng trưởng tín dụng, NHNN có biện pháp gì để không tái diễn tình trạng đột ngột thắt chặt chính sách tiền tệ?

Thống đốc Giàu đáp: “Kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, chúng ta chưa thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt mà chỉ nới lỏng một cách thận trọng. Khi có dấu hiệu biến động về lạm phát, công cụ sử dụng đầu tiên là nâng tỉ lệ dự trữ quốc nội và tăng lãi suất. Đó là phương thức kinh điển, không có cách làm nào khác”.


Sàn vàng ngoài vòng pháp luật


Câu hỏi chất vấn của ĐB Hoàng Thị Hảo (Hải Dương) xoáy vào vấn đề: Các sàn giao dịch vàng chưa được quản lý chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây nguy cơ bất ổn trong thị trường tiền tệ. Trách nhiệm thuộc về ai? Thời gian tới có biện pháp gì chấn chỉnh? Người đứng đầu NHNN có câu trả lời gây bất ngờ: “Đây là kẽ hở của pháp luật. Xem lại toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật mới thấy không có cơ quan nào quản lý. Thống đốc chưa cấp giấy phép nào cho hoạt động của sàn vàng”.

Thống đốc NHNN khẳng định quyết định cho nhập khẩu vàng vừa qua là phản ứng kịp thời.

Không thể lãng phí tiền như vậy được !

Tại phiên chất vấn, ĐB Lê Thị Nga trưng ra đồng xu mệnh giá 1.000 đồng để chứng minh rằng chất lượng tiền xu quá tệ, hiệu quả sử dụng thấp; đồng thời hỏi trách nhiệm đó thuộc về ai. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu trả lời rằng do không hiệu quả nên đã ngưng phát hành thêm tiền xu.


Trao đổi với báo chí sau phiên chất vấn, ĐB Nga nói: Thống đốc NHNN không thể nói đơn giản là đồng tiền nào hỏng thì bỏ bởi vấn đề đang diễn ra là dù tiền xu chưa hỏng nhưng người dân vẫn không dùng.

Dân không dùng, thống đốc phải đưa ra giải pháp gì để người ta dùng tiếp, chứ không thể nói là không hiệu quả thì ngưng phát hành. Không thể lãng phí tiền của Nhà nước như vậy được! Trách nhiệm của ai phải làm rõ. Vị trí thống đốc NHNN mang tính kế thừa liên tục, không thể nói đó là việc của người tiền nhiệm, tôi không có trách nhiệm.

T.An

Kiểm soát internet là vấn đề lớn...

Các câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp vào chiều 17-11 tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Công tác quản lý báo chí; kiểm soát và ngăn chặn tác hại từ internet và trò chơi trực tuyến; tổ chức thực hiện quy hoạch hệ thống hạ tầng viễn thông...


Về ý kiến của ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) liên quan đến việc quản lý, kiểm duyệt các ấn phẩm xuất bản, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định: Bộ Thông tin và Truyền thông không can thiệp vào công tác kiểm duyệt các ấn phẩm xuất bản.

Trách nhiệm kiểm tra, kiểm duyệt nội dung thuộc về tổng biên tập các đơn vị báo chí, nhà xuất bản. Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) về việc xử lý các hành vi thông tin sai sự thật, gây thiệt hại cho DN và người dân, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết: Trong hai năm 2008-2009, bộ đã kiểm tra, xử lý 96 trường hợp vi phạm ở hoạt động lĩnh vực báo chí, truyền thông, trong đó có 40 trường hợp do cung cấp thông tin sai sự thật; thu hồi 19 thẻ nhà báo.

Bộ trưởng cho biết nguồn nhân lực làm công tác xử lý vi phạm còn rất thiếu với 35 người quản lý hơn 700 cơ quan báo chí, vì thế chỉ có thể bảo đảm xử lý các trường hợp sai phạm đơn giản, còn các trường hợp phức tạp, nghiêm trọng thì bộ có trách nhiệm cung cấp hồ sơ cho các cơ quan tư pháp tiến hành giải quyết theo luật định.

img
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp: “Sẽ kiểm soát giá sàn dịch vụ để viễn thông cạnh tranh lành mạnh”


Trả lời câu hỏi của các ĐB Cao Thành Văn (Bạc Liêu), Phan Thị Thu Hà (Đồng Tháp), Đặng Như Lợi (Cà Mau) về trách nhiệm và phương hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc quản lý internet, ngăn chặn hậu quả xấu từ game online, web có nội dung không lành mạnh, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết đây là vấn đề lớn, bộ luôn quan tâm.

Đích thân bộ trưởng đã bàn thảo với các chuyên gia kỹ thuật của ngành, tìm hiểu cách quản lý của quốc tế... Bộ đã ban hành đầy đủ các công cụ quản lý, các văn bản hướng dẫn; tăng cường công tác quản lý hành chính, tăng cường công tác giáo dục để nâng cao trách nhiệm cá nhân, gia đình và toàn xã hội...

Tuy nhiên, bộ trưởng cho rằng công tác quản lý có hiệu quả hay không, vai trò của chính quyền cơ sở cùng vào cuộc với bộ là rất quan trọng và đề nghị quan tâm đầu tư hơn nữa cho cấp cơ sở. “Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường hoạt động quản lý đối với các nhà cung cấp dịch vụ internet, các nhà cung cấp game online. Bên cạnh đó, bộ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bộ đẩy mạnh hoạt động sản xuất các loại game online có nội dung lành mạnh, có ý nghĩa giáo dục lịch sử, văn hóa truyền thống dân tộc” – Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nói.


Xung quanh vấn đề chống cạnh tranh không lành mạnh và độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh viễn thông, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết sắp tới bộ sẽ nghiên cứu kiểm soát giá sàn dịch vụ để bảo đảm sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường viễn thông trong nước.

Trước lo ngại của các ĐB về việc các trạm BTS gây ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe con người, Bộ trưởng Hợp khẳng định: “Tất cả các trạm đã được kiểm tra đều được bảo đảm về chất lượng... Nếu lắp đặt đúng thiết bị tại các nơi bộ đã kiểm tra thì bảo đảm không ảnh hưởng đến sức khỏe”. Bộ trưởng cũng cho biết thêm sẽ tăng mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo.

Thế Dũng

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo