xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nộp tiền để tại ngoại: Hợp lý và nhân văn ?

Nguyễn Hưởng

Đề xuất cho bị can, bị cáo nộp tiền từ 30-200 triệu đồng để được tại ngoại gây nhiều ý kiến trái chiều, song phần lớn luật sư và chuyên gia nhận định là hợp lý và nhân văn

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, VKSND Tối cao và TAND Tối cao vừa xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để bảo đảm theo quy định tại điều 122 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015.

Các nhà giam, nhà tạm giam sẽ bớt quá tải

Theo nội dung dự thảo, cơ quan điều tra, VKSND, tòa án sẽ quyết định mức tiền mà các bị can, bị cáo hoặc người thân phải đặt để bảo đảm họ được tại ngoại tùy vào tính chất, mức phạm tội của từng người.

Nộp tiền để tại ngoại: Hợp lý và nhân văn ? - Ảnh 1.

Phiên tòa xét xử băng trộm cắp tài sản ở Công ty Sung Shin (quận Thủ Đức, TP HCM) Ảnh: PHẠM DŨNG

Theo đó, điều 5 dự thảo quy định "mức tiền đặt để bảo đảm" sẽ không dưới 30 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 50 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng, 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng. Mức tiền có thể giảm nếu bị can, bị cáo là các đối tượng chính sách, người dưới 18 tuổi, tâm thần, người đủ 70 tuổi trở lên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi...

Nếu thực hiện không đúng cam đoan thì sẽ bị tạm giam, số tiền đã đặt sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. Ngược lại, nếu bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì VKSND, tòa án có trách nhiệm trả lại số tiền đã đặt.

Đánh giá về dự thảo thông tư trên, luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng luật Giang Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội), nhận định dự thảo này không mới, từng được quy định tại điều 93 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2003. Tại Thông tư liên tịch số 17/2013 hướng dẫn điều 93 Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định cụ thể số tiền đặt để bảo lãnh với các bị can, bị cáo là 20 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 80 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng và 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng.

"Theo tinh thần Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015, biện pháp tạm giam sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất để bảo đảm quyền con người một cách cao nhất. Vì vậy, biện pháp đặt tiền để bảo đảm cần được áp dụng rộng rãi" - luật sư Thanh nêu.

Đồng tình, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho biết việc dự thảo thông tư liên tịch cho phép dùng tiền để thay thế biện pháp ngăn chặn là chế định nhân văn, văn minh và tiến bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Trên thực tế, các vụ án nghiêm trọng và rất nghiêm trọng chiếm rất nhiều nhưng nhà giam và tạm giam lại đang quá tải. Nếu áp dụng quy định này cho tại ngoại các tội ít nghiêm trọng sẽ giảm tải cơ sở vật chất, giám thị, chi phí ăn ở cho bị can.

Giảm án oan

Theo luật sư Tuấn Anh, quy định này cũng bảo đảm được sức khỏe, tính mạng cho bị can, bị cáo bởi thực tế đã có những trường hợp bị can, bị cáo tự tử hoặc suy sụp tinh thần, sức khỏe nghiêm trọng khi bị tạm giam. Cùng với đó sẽ hạn chế được tình trạng bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra, tránh tình trạng oan sai.

Việc nộp tiền để tại ngoại cũng tránh được sự lạm dụng về tạm giam gây hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ như một chủ doanh nghiệp bị bắt tạm giam để điều tra về tội ít nghiêm trọng thì nguy cơ doanh nghiệp đó bị phá sản rất lớn, hậu quả sẽ ảnh hưởng đến hàng ngàn người lao động.

Để quy định này phù hợp với đời sống thực tiễn, luật sư Tuấn Anh đề nghị cơ quan điều tra, VKS xem xét kỹ hành vi phạm tội đối với từng bị can, bị cáo và có chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, luật cũng phải quy định cụ thể với tội danh nào thì đặt bao nhiêu tiền sẽ được tại ngoại.

Không áp dụng với tội phạm tham nhũng

Theo dự thảo thông tư, các trường hợp không được đặt tiền để bảo đảm gồm: Bị can, bị cáo phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng do cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội phạm về ma túy, tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; các tội cướp tài sản, bắt cóc...

GÓC NHÌN

Phải đánh giá đầy đủ sự tác động

Nếu thông tư này có hiệu lực sẽ tạo điều kiện cho bị can, bị cáo vẫn có thể lao động, sản xuất, chăm sóc gia đình; điều hành, quản lý kinh doanh theo quy định của pháp luật… nếu chấp hành đầy đủ các điều kiện được tại ngoại như không bỏ trốn, không tiếp tục phạm tội. Mặt khác, khi tại ngoại, bị can, bị cáo cũng có thể tìm hiểu, thu thập chứng cứ, tự bào chữa để chứng minh mình vô tội hoặc có thể giảm nhẹ hình phạt khi tòa án xét xử. Đồng thời, khi được tại ngoại sẽ tạo điều điều kiện cho người nhà không phải thường xuyên thăm nom bị can, bị cáo tại các trại tạm giam.

Quy định đặt tiền để bị can, bị cáo được tại ngoại sẽ góp phần giảm áp lực cho các trại tạm giam, cũng như các chi phí quản lý phát sinh khi giam giữ bị can, bị cáo; tránh những rủi ro trong quá trình giam giữ như hạn chế tình trạng gây rối trật tự nơi giam giữ, giảm thiểu tình trạng ốm đau, bệnh tật của bị can, bị cáo.

Vấn đề đặt ra là cơ chế quản lý, giám sát bị can, bị cáo được tại ngoại như thế nào thì cần phải nghiên cứu cụ thể, chặt chẽ các điều kiện được hưởng tại ngoại như không phát sinh phạm tội mới, không bỏ trốn, không xóa chứng cứ để che giấu tội phạm hoặc chạy án… Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm quản lý, giám sát chặt chẽ bị can, bị cáo. Bị can, bị cáo hằng tuần phải trình diện, báo cáo; khi đi ra khỏi địa phương phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương

Ngoài ra, nếu bị can, bị cáo là lao động chính trong gia đình hoặc có người thân ốm đau cần chăm sóc, nuôi dưỡng… nhưng không tiền nộp để tại ngoại thì có được xem xét miễn, giảm hay không? Quy định đặt tiền để được tại ngoại có tạo ra sự bất bình đẳng giữa các bị can, bị cáo hay không? Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu cụ thể, đánh giá đầy đủ tác động của tất cả quy định để bảo đảm các quy định có tính khả thi, đáp ứng nguyện vọng của số đông bị can, bị cáo cũng như người nhà của họ hiện nay.

Luật gia Đỗ Văn Nhân (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo