xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Ở lậu” tràn lan!

Bài và ảnh: NHƯ PHÚ

Hàng loạt lao động nhập cư ở tỉnh Bình Dương có nhà nhưng không có sổ đỏ vì mua đất trái phép

Vừa qua, lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh Bình Dương tiếp xúc với công nhân, đại diện Công đoàn của các công ty đóng trên thị xã Thuận An. Tại đây, rất nhiều công nhân trình bày việc mình mua đất, cất nhà mà không ra được sổ đỏ, gặp hàng loạt khó khăn vì mang thân phận “ở lậu”.

Nôn nóng nên bị lừa

Điển hình, anh Phan Văn Cường từ Tiền Giang lên Bình Dương làm công nhân tại Công ty TNHH Kim Thành A, thị xã Thuận An. Dành dụm rồi vay mượn khắp nơi, khoảng năm 2011, anh mua một miếng đất cất nhà ở phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với giá hơn 80 triệu đồng (110 m2). Anh Cường kể: “Tôi thấy rất nhiều công nhân mua đất ở đó nên cũng mua. Khu đất đó rộng, phân lô bán cho cả trăm người nên tôi mới tin tưởng. Người bán nói đất khu này sổ chung, chờ bán hết rồi tách sổ một lượt. Thế nhưng, bán hết khu đất thì người bán trốn mất”.

Phập phồng lo sợ nên anh Cường đi hỏi cơ quan chức năng thì mới biết mình sai khi mua và xây nhà ở trên đất nông nghiệp. “Khu đất nông nghiệp tôi mua giờ mọc lên cả 100 căn nhà. Công an có nói ở thì cứ ở nhưng không được đăng ký tạm trú lâu dài. Vì vậy, chúng tôi có nhà cửa mà như ở lậu” - anh Cường than thở và mong được cơ quan chức năng hợp thức hóa để yên tâm mưu sinh.

Một căn nhà tạm bợ xây trên đất trồng cây lâu năm ở tỉnh Bình Dương
Một căn nhà tạm bợ xây trên đất trồng cây lâu năm ở tỉnh Bình Dương

Một cán bộ địa chính ở Bình Dương cho biết hầu hết người mua phải đất nông nghiệp là lao động nhập cư. Tiền ít, hiểu biết ít nhưng họ đều nôn nóng kiếm được chỗ ở nên dễ bị lừa. Thậm chí, không ít công nhân biết mình mua đất giấy tay, đất ruộng để ở là sai nhưng vẫn chấp nhận vì quá chán nản cảnh thuê trọ. Hậu quả, nhiều công nhân mua đất rồi nhưng cứ xây nhà lên là bị lực lượng chức năng đến ngăn chặn, tháo dỡ. Điển hình, do cất nhà trên đất nông nghiệp ở thị xã Tân Uyên nên anh Đ. bị lực lượng chức năng xử lý.

Nhiều trường hợp xây trót lọt, được cán bộ địa phương du di cho ở nhưng phải chịu cảnh xài đồng hồ điện chung với giá cao, không được cấp nước máy, không được công nhận và hưởng quyền lợi như dân địa phương.

Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty An Cơ Bình Dương (đóng tại thị xã Thuận An), nói: “Tôi thấy rất nhiều công nhân có nhà nhưng không có sổ đỏ. Khi đến kỳ đăng ký nhập học cho con, họ phải đến trường xếp hàng từ 2 giờ sáng vì nhà trường ưu tiên nhận hồ sơ của những gia đình có hộ khẩu, sau đó mới xét đến người có KT3, còn suất thì mới đến dân tạm trú. Nhiều công nhân ở trên đất nông nghiệp nên phải cho con đi học trường tư, trường cơ sở vật chất tồi nhưng phải đóng học phí cao”.

Hàng loạt khu ổ chuột

Phân lô bán nền trên đất nông nghiệp là trái pháp luật nhưng những đầu nậu hoạt động khá ngang nhiên và rầm rộ tại tỉnh Bình Dương. Quanh các tuyến đường gần những KCN ở các thị xã Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên… treo đầy rẫy các áp phích rao bán đất với giá thấp hơn 100 triệu đồng, thậm chí thấp hơn 50 triệu đồng.

Ông Hương, một cò đất ở thị xã Bến Cát, nhận định: “Ra đường mà thấy mấy cái bảng bán đất nền số lượng lớn dưới 100 triệu đồng thì đến 90% là đất nông nghiệp”. Ông Hương dẫn chúng tôi vào một khu vực có hàng chục căn nhà diện tích chừng 50-80 m2, xây rất mong manh, dễ sập và nói: “Họ toàn xây trái phép!”.

Một lãnh đạo UBND thị xã Bến Cát thừa nhận: “Lợi dụng nhu cầu về nhà ở của người dân, nhất là những người lao động có thu nhập thấp, một số đối tượng đã phân lô, bán nền, tổ chức xây dựng không phép, hình thành các khu ở không bảo đảm cơ sở hạ tầng về giao thông, cấp nước, mật độ xây dựng dày đặc, không có lối thoát hiểm, gia tăng nguy cơ mất an toàn cháy nổ”.

Vị này cho biết các “đầu nậu” thường mua một lô đất trồng cây lâu năm rồi rào bao quanh nhằm mục đích che khuất tầm kiểm soát của cơ quan chức năng rồi âm thầm phân lô, xây dựng bên trong. “Có khu đất chỉ trong vòng 1 tháng đã mọc thêm 38 căn nhà cấp 4” - vị này nói.

Báo cáo của UBND thị xã Bến Cát cho thấy chỉ riêng phường Mỹ Phước, phường trung tâm của thị xã, có đến 8 khu dân cư xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm. Điển hình tại khu phố 1, phường Mỹ Phước, bà Võ Thị H. đứng tên sổ đỏ một thửa đất trồng cây lâu năm rộng gần 17.000 m2. Thửa đất này bị phân lô bán nền, hiện đã có 9 căn nhà xây trót lọt. Tại đây, không có hệ thống cấp nước, thoát nước, đường nội bộ hẹp, các hộ dân xử lý nước thải sinh hoạt chủ yếu bằng hầm tự hoại; sử dụng chung điện kế với bà H.

Đặc biệt, bà H. cũng liên quan đến việc phân lô, bán nền một khu đất trồng cây lâu năm khác rộng đến 1 ha tại khu phố 2, phường Mỹ Phước. Khu đất này đã cắm cọc chia nhiều lô nhỏ và có hơn 35 căn nhà xây “lậu”. Đường nội bộ trong khu chỉ rộng 3-4 m, không có cống thoát nước.

“Ở mấy khu nhà đó, nếu cháy nổ xảy ra thì xe cứu hỏa không biết vô đường nào. Nhiều nhà không có cửa hậu, lối thoát hiểm và xây lén nên rất ẩu, chỉ cần một cơn bão nhỏ là sập ngay” - một cán bộ ở thị xã Bến Cát cảnh báo.

 

Nhà ở xã hội: Cung chưa theo kịp cầu

Hiện tỉnh Bình Dương có hơn 800.000 lao động nhập cư. Nhiều công nhân cho biết họ không mua được nhà ở xã hội nên đã chọn đất phân lô bán nền.

Theo số liệu của Tỉnh ủy Bình Dương, trong giai đoạn 2011-2015, địa phương này có 56 dự án nhà ở xã hội đã và sẽ đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho gần 111.000 người. Trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên quỹ đất với vị trí thuận lợi và huy động nhiều nguồn lực để xây nhà ở xã hội.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo