xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quá lo vì người nghiện!

Phan Anh

Thành phần người nghiện ngày càng đa dạng, có cả học sinh, sinh viên, người mẫu, vận động viên, trí thức, nghệ sĩ...

Tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 10 tại TP HCM, sáng 14-4, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nghe Bộ Công an báo cáo về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy giai đoạn 2011-2015 và đề xuất cho giai đoạn sau năm 2015.

4 năm tăng hơn 42%

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết mục tiêu giảm người nghiện và số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy mà chương trình đề ra đều không đạt. Năm 2010, cả nước có 143.196 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; đến năm 2014, con số này vọt lên 204.377 người, tăng hơn 42,7%. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là số người tái nghiện chỉ chiếm 4,3% trong tổng số người nghiện. Trong 4 năm, đã cai nghiện cho 124.371 lượt người. Số người được cai nghiện năm sau luôn cao hơn năm trước nhưng năm 2014 thì lại giảm mạnh, chỉ còn 12.595 người.

Theo ông Vương, 32 tỉnh, thành có số người nghiện tăng như Điện Biên, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Nam Định, Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng...; 91% số người nghiện là nam giới. Người nghiện ma túy chủ yếu trong độ tuổi lao động.

Ông Vương nhìn nhận mặc dù công tác cai nghiện và quản lý sau cai cho người nghiện ma túy đã được quan tâm nhưng so với mục tiêu của chương trình, còn một lượng lớn người nghiện chưa được tiếp cận những dịch vụ cai nghiện. Năm 2014, số người nghiện tăng, cộng với những vướng mắc trong triển khai một số văn bản pháp luật, công tác cai nghiện năm 2015 sẽ gặp khó khăn hơn trong việc thực hiện mục tiêu của chương trình.

Một người nghiện ở TP HCM được xét nghiệm sức khỏeẢnh: HOÀNG TRIỀU
Một người nghiện ở TP HCM được xét nghiệm sức khỏeẢnh: HOÀNG TRIỀU

Chia sẻ với Bộ Công an vì đây là vấn đề lớn, phức tạp nhưng đại biểu Nguyễn Đức Hiền rất lo lắng việc người nghiện ma túy tăng mạnh. “Đây là điều đáng báo động, trong đó đáng quan tâm là thành phần người nghiện ngày càng đa dạng, có cả học sinh, sinh viên, người mẫu, vận động viên, trí thức, nghệ sĩ... Các ngành chức năng phải có biện pháp giải quyết, chứ như vậy là không ổn” - ông Hiền nói.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng nếu tỉ lệ tái nghiện chỉ hơn 4% thì quá mừng nhưng thực tế không thể như vậy. Bà Mai yêu cầu Bộ Công an phải xác minh lại con số này. Trước mong muốn của Bộ Công an là đưa nhiệm vụ phòng chống ma túy thành Chương trình mục tiêu để có kinh phí hoạt động vì giai đoạn 2016-2020, phòng chống ma túy không còn là chương trình mục tiêu quốc gia, bà Mai khẳng định không thể không có một chương trình mục tiêu quốc gia hoặc chương trình mục tiêu của Chính phủ để giải quyết vấn đề phòng chống ma túy.

“Bộ Công an có thể trình Chính phủ chương trình mục tiêu quốc gia độc lập hoặc một số chương trình nằm trong Chương trình nông thôn mới nhưng liên quan đến vấn đề phòng chống ma túy” - bà Mai đề nghị.

Ma túy vào trại giam: Không còn là chuyện lạ

Các đại biểu cũng đặt vấn đề xung quanh công tác phòng chống buôn bán ma túy đối với Bộ Công an. Đại biểu Lê Văn Lai hỏi thẳng: “Bộ Công an cho biết tình trạng thẩm lậu ma túy vào trại giam hiện nay như thế nào? Tôi rất bức xúc về vấn đề này?”.

Ông Vương khẳng định việc ma túy thẩm lậu vào trại giam không còn là chuyện lạ, xảy ra ở tất cả các nước. Theo ông, trại giam kín cổng cao tường nhưng phạm nhân được quyền giao tiếp, được gặp người thân thăm nuôi, nhận quà nên ma túy tuồn vào qua những đường này.

“Chẳng lẽ họ mang vào một cái bánh chưng, bánh giò, chúng ta cắt nát để kiểm tra. Thân nhân vào thăm, chúng ta cũng không thể kiểm tra một cách tuyệt đối. Ngoài ra, các trại giam giáp khu dân cư, chỉ cần một cái vung tay qua hàng rào là lập tức có ma túy” - ông Vương lý giải. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận có tiêu cực trong cán bộ quản lý trại giam. Nhiều trường hợp bị xử lý, mà gần đây nhất là trại giam số 3 tại Nghệ An đã xử lý cả một đường dây liên quan đến cán bộ.

 

Nợ đọng không gây vỡ quỹ BHXH

Chiều cùng ngày, tại phiên họp toàn thể lần 10 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã báo cáo tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2014.

Năm qua, tổng thu BHXH là hơn 205.366 tỉ đồng, trong đó thu từ đóng góp của người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động là 142.583 tỉ đồng, thu lãi từ hoạt động đầu tư quỹ BHXH được gần 18.888 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có khoản thu khác từ lãi phạt chậm đóng và ngân sách nhà nước chuyển sang chi trả trợ cấp.

Tổng chi BHXH là hơn 139.664 tỉ đồng, gồm chi trả các chế độ cho NLĐ hơn 134.908 tỉ đồng và chi quản lý bộ máy 4.115 tỉ đồng. Căn cứ vào kết quả báo cáo, bà Trương Thị Mai đánh giá so với các năm từ 2008 đến nay, tỉ lệ giữa nguồn thu và chi quỹ BHXH năm 2014 là thấp nhất, điều này rất đáng lo ngại. Bên cạnh đó, theo bà Mai, dù cơ quan BHXH đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực nhưng tình trạng chậm đóng, nợ BHXH vẫn ở mức cao (khoảng 5.500 tỉ đồng).

“Theo nguyên tắc đóng hưởng, việc nợ đọng BHXH chỉ gây thiệt hại cho NLĐ khi không được hưởng các chế độ, chứ không dẫn đến việc vỡ quỹ BHXH. Dù vậy, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho NLĐ thì sắp tới, ngoài việc xử lý hình sự 2 hành vi gian lận, trốn đóng BHXH thì cũng nên bổ sung hành vi chiếm dụng BHXH” - bà Mai đề nghị.

Bà Mai cho biết Luật BHXH 2014 sẽ mở rộng quyền khởi kiện của tổ chức Công đoàn, cụ thể là chỉ cần phát hiện doanh nghiệp vi phạm Luật BHXH, Công đoàn được khởi kiện mà không cần có ủy quyền của NLĐ. “Do đó, tổ chức Công đoàn cần phát huy vai trò và lợi thế của mình để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ” - bà Mai nhấn mạnh.

M.Chi

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo