xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quản lý lỏng lẻo, chất cấm tung hoành

Thế Dũng

Chất cấm trong chăn nuôi, phân bón giả tràn lan là do lực lượng chức năng chưa tích cực; một số cán bộ bảo kê cho doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định như trên khi chủ trì phiên họp với 5 bộ, ngành về tình hình sản xuất - kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và các chất dùng trong chế biến thực phẩm, nông nghiệp chiều 2-12.

Quá nhiều cơ sở lạm dụng

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn chứng trong 9 tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng đã phát hiện 149.000 vụ phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc BVTV giả, kém chất lượng, chất cấm trong thức ăn chăn nuôi; thu về ngân sách nhà nước 30.000 tỉ đồng, chiếm 16% thu ngân sách.

Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Văn Việt liệt kê các chất “tử thần” như vàng - ô (Vat-yellow) sử dụng trong nhuộm vải, nhuộm giấy được bán công khai để tạo màu óng vàng cho sản phẩm chăn nuôi. Chất này tồn dư sẽ làm giảm chức năng nội tạng như thận, gan, đường ruột, có nguy cơ gây ung thư. Tiếp đến là chất kích thích tăng trưởng, tạo nạc, giảm mỡ (salbutamol, clenbuterol, ractopamime) cho vật nuôi có thể gây ngộ độc hoặc ung thư.

Công ty Thuận Phong đã ngưng hoạt động Ảnh: XUÂN HOÀNG
Công ty Thuận Phong đã ngưng hoạt động Ảnh: XUÂN HOÀNG

Theo ông Việt, chỉ với 1 kg chất vàng - ô có thể sản xuất được 5 tấn thành phẩm và 1 kg chất kích thích tăng trưởng salbutamol sản xuất ra 250 tấn thức ăn chăn nuôi. Giá các chất cấm này chỉ khoảng 2 triệu đồng/kg nên lợi nhuận đem lại cho nhà sản xuất, kinh doanh vô cùng lớn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu thực trạng đáng báo động. Hóa chất BVTV gần như không ai quản lý và trên 10% diện canh tác sử dụng vượt ngưỡng cho phép. “Chất salbutamol (tiền chất thuốc chữa hen) đã nhập lậu qua biên giới và chất clenbuterol cấm nhập chính thức từ hơn 1 năm nên hàng bán là nhập lậu. Các ngành chức năng phải vào cuộc quyết liệt hơn” - ông Long đề nghị.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục QLTT Trịnh Văn Ngọc thừa nhận do không có kho lưu giữ thuốc BVTV, chất độc hại và kinh phí tiêu hủy nên lực lượng QLTT né tránh sản phẩm này.

Đáp lời ông Ngọc, Chánh Văn phòng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389) Nguyễn Văn Cẩn phản ứng: “Các anh cứ bắt, sẽ có chỗ đến cất giữ, tiêu hủy; có ngân sách để phục vụ việc này. QLTT không thể thoái thác”.

Họ đến gặp tôi để hối lộ!

Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy cho hay riêng TP HCM có 491 “điểm đen” cơ sở kinh doanh phân bón, Đồng Nai 47, Long An 42, Hà Nội 20. “Chính lực lượng chức năng địa phương tiếp tay, bao che cho sai phạm, “hô biến” hoàn toàn những yếu tố cấu thành hình sự trong hồ sơ các vụ thanh, kiểm tra. Nhiều vụ chìm xuồng dù Bộ Công an, VKSND đã có ý kiến như mới đây là cơ sở sản xuất hàng nhái phân lân Văn Điển” - ông Thúy bức xúc.

Đáng lên án, theo ông Thúy, ngay cả Trung tâm Kiểm nghiệm quốc gia thuộc Bộ NN-PTNT kiểm nghiệm phân bón giả nhưng lại xác định là “thật” và Công an phải vào cuộc làm rõ. Đặc biệt, vụ sản xuất phân bón giả của Công ty CP Sản xuất thương mại Thuận Phong (Đồng Nai) đã 2 lần kết luận cấu thành phạm tội nhưng vẫn không đi đến đâu. “Xét nghiệm tỉ lệ đến học sinh cấp 3 cũng dễ dàng nhận thấy phân bón giả mà không thể xử lý là vô cùng khó hiểu” - ông Thúy nói.

Ông Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng Ban 389, giải thích đã lên kế hoạch đột kích Công ty Thuận Phong song họ thuê mặt bằng trong khu vực quân đội có người cầm súng đứng gác nên không ai được vào. “Vụ việc đã quá rõ nhưng không thấy khởi tố, ngành nọ đổ cho ngành kia, rồi nói là giám định chất lượng có vấn đề. Họ đến gặp tôi hối lộ không được, cuối cùng lại vu cáo là đòi chung chi 300 triệu đồng. Tôi đề nghị phải làm sáng tỏ, không thể để xảy ra tình trạng chạy án, để chìm xuống” - ông Hùng gay gắt.

Cùng vấn đề này, ông Vũ Đại Dương - Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng hàng hóa, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) - thông báo khi bị phát hiện, Công ty Thuận Phong đưa ra một hợp đồng có nội dung là đại lý cho công ty của Mỹ phân phối trên lãnh thổ Việt Nam, không có bất cứ điều khoản nào cho phép công ty được phép sang chiết và đóng gói. Tuy nhiên, đến ngày đoàn của Ban Chỉ đạo 389 đến kiểm tra thì có một bức thư trong đó có nội dung cho phép Thuận Phong sang chiết. Tuy nhiên, Bộ KH-CN đã kết luận các nhãn của Thuận Phong là nhãn giả.

Phải thực hiện “mệnh lệnh của nhân dân”

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “không có gì có thể vượt sự thật” và yêu cầu báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang sự thật để xử lý thật nghiêm và sớm có kết luận vụ Thuận Phong.

Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Thanh thanh minh số lượng cơ sở kinh doanh phân bón không đủ điều kiện, không phép còn lớn do đang hoàn thiện hồ sơ và chưa đủ điều kiện để xin giấy phép.

Không hài lòng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê bình: “910/1.000 doanh nghiệp không có giấy phép, đây là sơ hở của cơ quan quản lý nhà nước. Không đủ điều kiện sản xuất là phải đóng cửa. Đây là vi phạm pháp luật. Cục Hóa chất phải xem lại đã làm tốt nhiệm vụ chưa như lập quy hoạch, quản lý”.

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng, chất cấm trong chăn nuôi tràn lan là do chính quyền địa phương, lực lượng chức năng chưa tích cực vào cuộc. Đặc biệt, một bộ phận cán bộ tha hóa, biến chất, tiếp tay, bảo kê, thờ ơ với lĩnh vực này và chưa biết dựa vào dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn cho được tình trạng này từ nay đến Tết nguyên đán; phải xử lý hình sự, phạt vi phạm hành chính ở mức cao nhất đối với hành vi vi phạm.

“Đặc biệt là phải nâng cao phẩm chất cán bộ, không thể thấy việc mà thờ ơ. Việc xảy ra ở địa bàn nào, người đứng đầu địa bàn phải chịu trách nhiệm. Đó là mệnh lệnh của nhân dân. Bởi hàng giả, chất cấm vào cây trồng, vật nuôi không chỉ nguy hiểm đến sức khỏe người dân mà còn ảnh hưởng lâu dài đến giống nòi” - Phó Thủ tướng cương quyết.

 

80% công ty thức ăn chăn nuôi dùng chất cấm

Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT Nguyễn Văn Việt cho biết từ đầu năm đến nay, đã thanh kiểm tra 3.103 cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc thú y, thủy sản, qua đó phát hiện 30% cơ sở có hành vi vi phạm.

Qua kiểm tra đã phát hiện 16% mẫu thịt có chất tăng trọng, tạo nạc; 7,6% mẫu thịt có dư lượng chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép. Đáng ngại là 80% các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi được thanh tra có sử dụng chất cấm hoặc thừa nhận từng sử dụng một loại chất cấm.

 

Đề nghị chuyển vụ Công ty Thuận Phong sang Bộ Công an

Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, Thanh tra Bộ Quốc phòng vừa báo cáo kết quả tham dự hội nghị liên ngành do Bộ Công an chủ trì để thống nhất phương án giải quyết vụ việc sản xuất, kinh doanh phân bón của Công ty Thuận Phong.

Tại hội nghị, Công an tỉnh Đồng Nai đề xuất cho kết thúc điều tra; đồng thời ra quyết định không khởi tố vụ án, mà đề nghị xử lý hành chính. Các đại biểu bộ, ngành cho rằng chưa xác định được rõ các hành vi vi phạm của Công ty Thuận Phong mà Công an tỉnh đã đề nghị như trên là chưa thật sự chính xác, đúng pháp luật.

Các ý kiến thống nhất Công ty Thuận Phong có hàng loạt sai phạm như: sản xuất không hợp pháp (về địa điểm); giả mạo địa điểm không có thật; sản xuất không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón; sản xuất, kinh doanh hàng giả; sản xuất, kinh doanh hàng giả chất lượng (về chất chính của một số loại phân bón trong số 19/29 mẫu qua thử nghiệm nhiều loại nhỏ hơn 70%)...

Các ý kiến đánh giá đây là vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp và đề nghị Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia - xem xét chuyển vụ việc cho Tổng cục An ninh - Điều tra (Bộ Công an) xử lý.

Ph.Nhung

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo