xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quốc lộ 1 vá chằng vá đụp

ANH TÚ - TỬ TRỰC - KỲ NAM - GIA MINH

Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Dương và TP HCM... liên tục xuất hiện “ổ voi”, “ổ gà”, “sống trâu”; vừa vá tạm chỗ này lại bong tróc, sụt lún nơi khác

Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ (QL) 1 đoạn qua tỉnh Bình Định hoàn thành và thông xe vào ngày 14-10-2015. Chỉ sau 1 năm rưỡi đưa vào sử dụng, toàn tuyến dài 100 km với tổng vốn đầu tư 7.800 tỉ đồng có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, gây mất an toàn giao thông.

Hư đâu sửa đó

Mặc dù phần lớn các ổ gà, ổ voi vừa xuất hiện trên QL1 đoạn qua Bình Định đã được các nhà thầu nhanh chóng vá lại nhưng khi đi trên ô tô loại 4 chỗ đời mới với tốc độ 50-70 km/giờ, xe của chúng tôi vẫn liên tục “phi ngựa”.

Tài xế phải căng mắt, nín thở vượt qua con đường chi chít các điểm vá gồ ghề rộng từ 1-4 m2, cao hơn mặt đường cũ. Trong đó, đoạn nhiều điểm vá nhất nằm ở thị xã An Nhơn và 2 huyện Phù Cát, Phù Mỹ. Không chỉ những đoạn đường cũ được nâng cấp, nhiều đoạn mới làm như tuyến tránh qua thị xã An Nhơn cũng dày đặc điểm vá.

Một số đoạn trên QL1 bắt đầu xuất hiện “sống trâu”, nhất là các khu vực có đèn tín hiệu. Không chỉ vậy, nhiều tấm lưới chống lóa tại dải phân cách của QL1 qua các huyện Hoài Nhơn, Phù Cát bị người dân tháo dỡ, hư hỏng từ lâu nhưng vẫn chưa được khắc phục.

img

Quốc lộ 1 bị hư hỏng ở thôn Lương Hòa và Lương Sơn, xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa Ảnh: KỲ NAM
Quốc lộ 1 bị hư hỏng ở thôn Lương Hòa và Lương Sơn, xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa Ảnh: KỲ NAM

Ông Nguyễn Minh Khánh, đại diện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, khẳng định chất lượng sạn khai thác tại địa phương dùng để làm đường không bảo đảm. Vì vậy, khi gặp trời mưa thì dễ bị bong tróc. Sau đợt mưa lũ kéo dài 2 tháng vào cuối năm 2016, nhiều đoạn không thoát lũ kịp đã xói lở trầm trọng.

“Chúng tôi đang thí nghiệm thảm nhựa mặt đường theo phương pháp mới tại 2 đoạn trên QL1 qua tỉnh Bình Định. Nếu chất lượng mặt đường tại các đoạn này đạt kết quả tốt, chúng tôi sẽ đề xuất triển khai trên toàn tuyến” - ông Khánh nói.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, sau khi Báo Người Lao Động phản ánh QL1 (đoạn từ TP Quảng Ngãi đi huyện Đức Phổ) sau gần 2 năm đưa vào sử dụng bị hư hỏng nặng, đại diện chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Thiên Tân - Thành An đã khắc phục các đoạn đường hỏng. Nhưng “ổ voi”, “ổ gà” vẫn xuất hiện, chực chờ gây tai nạn cho người đi đường. Đặc biệt, tại các đoạn qua trung tâm huyện Đức Phổ, thị trấn Sa Huỳnh, “ổ gà”, “sống trâu” khá nhiều.

“Kiểu này chắc chỉ vài đợt mưa là đường sẽ bong tróc hết, lúc đó tai nạn lại tăng” - ông Nguyễn Văn Kỳ (ngụ xã Phổ Văn, huyện Đức Phổ) lo lắng.

Mới làm đã xin vốn sửa

Trong khi đó, nhiều đoạn QL1 qua tỉnh Khánh Hòa cứ vài trăm mét lại có một mảng vá, nhiều mảng gần như chiếm hết một làn đường như đoạn từ cầu Dây Giăng đến đèo Rọ Tượng (thị xã Ninh Hòa). Đơn vị thi công phải cạo lớp nhựa cũ để tráng lại.

Bên cạnh đó, nhiều đoạn xuất hiện “ổ gà”, nền đường bị bong tróc như khu vực xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang. Đường hỏng nặng nhất ở khu vực thôn Lương Hòa, ta-luy hai bên bị sụt, ăn vào móng gây lún bề mặt vào làn xe máy; có đoạn hàm ếch hở sâu và rộng…

Ông Tạ Thanh Tình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.3 (Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải - GTVT), cho rằng giao thông trên QL1 tương đối an toàn, đáp ứng được yêu cầu vì trước khi bàn giao để đưa công trình vào sử dụng phải được hội đồng thẩm định gồm nhiều thành viên thông qua. Chỉ vì mưa nhiều, lũ lụt mới làm hư hỏng một số điểm.

“Để lại ổ gà là không được. Vừa rồi, đoạn dưới đèo Rọ Tượng, chi cục bắt làm lại, sau đó mới được chủ đầu tư sửa chữa. Cùng với việc hối thúc nhà đầu tư sửa chữa nhằm bảo đảm an toàn giao thông, chúng tôi yêu cầu đơn vị duy tu, bảo dưỡng dùng đất, đá lấp tạm vào các điểm sụt lún, ổ gà, không để hư hỏng lan rộng và tiến hành sửa chữa ngay” - ông Tình nói.

Theo quy định, Ban Quản lý dự án 7 (quản lý các dự án giao thông nâng cấp QL1 đoạn qua Khánh Hòa) có trách nhiệm bảo hành tuyến đường trên. Chi cục Quản lý đường bộ III.3 đã có nhiều văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án 7 sửa chữa. Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án 7 lại cho rằng các hư hỏng ở QL1 qua tỉnh Khánh Hòa đa phần do bão lũ từ cuối năm 2016 gây ra nên không nằm trong gói bảo hành 4 năm theo quy định của Bộ GTVT. Ban đã trình Bộ GTVT phương án sửa chữa để tìm kinh phí triển khai. Dự kiến, kinh phí sửa chữa khoảng 20 tỉ đồng. Hiện nhiều đoạn bị sạt vẫn đang chờ chủ đầu tư xử lý.

Một chuyên gia trong lĩnh vực cầu đường cho rằng một con đường bảo đảm chất lượng thì tuổi thọ phải kéo dài 10 năm. QL1 với lượng xe rất lớn như hiện nay có đạt chất lượng hay không thì sau khi hoàn thành đi vào sử dụng một thời gian ngắn sẽ “biết đá, biết vàng”. Đáng lo là trong thời gian bảo hành, các đoạn hư hỏng có thể được sửa chữa, vá víu; còn 6 năm tiếp theo, nếu công trình không bảo đảm thì kinh phí duy tu, sửa chữa sẽ rất lớn.

Khắc phục tạm thời

Báo Người Lao Động ngày 6-4 từng phản ánh tình trạng QL1 - tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ phía Đông TP HCM - gồ ghề như “ruộng bậc thang” kéo dài hơn 500 m. Mặt đường bị lún nặng theo hướng từ tỉnh Đồng Nai qua TP HCM, tại khu vực gần dốc Thiên Thu (thuộc thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương; giáp với quận 9, TP HCM). Hàng loạt vị trí tạo thành rãnh sâu đến 20 cm theo vệt bánh xe. Khi qua những “sống trâu” này, các phương tiện lắc lư như chực lật nhào. Nhiều xe tải, xe container… khi chuyển làn, 2 bánh bị treo lơ lửng giữa những đoạn trồi lún hoặc chỉ bám được nửa mặt đường. Ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 - Sở GTVT TP HCM (đơn vị quản lý đoạn QL1 qua địa bàn trên), cho biết hiện nay, đoạn đường nói trên đã được sửa chữa tạm thời bằng việc cào phẳng và trải nhựa ở những vị trí bị trồi lún. Theo ông Hùng, trước mắt, các đơn vị chỉ có thể khắc phục tạm thời, còn để xử lý triệt để phải chờ thi công dự án mở rộng xa lộ Hà Nội nối dài đến khu vực trên. Khó khăn lớn nhất hiện nay là vướng giải tỏa mặt bằng. Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 đã kiến nghị gấp rút thi công ở nút giao cổng chính ĐHQG TP HCM, bắt đầu từ cổng Khu Du lịch Suối Tiên đến đoạn qua trạm xăng Bình Thắng (quận 9, quận Thủ Đức và thị xã Dĩ An). Tương tự, QL1 đoạn qua huyện Bình Chánh (từ nút giao An Lạc đến giáp tỉnh Long An) và đoạn qua cầu vượt Sóng Thần (giáp ranh giữa quận Thủ Đức và thị xã Dĩ An), nhiều vị trí cũng đã xuống cấp. Theo Sở GTVT TP, QL1 đoạn qua huyện Bình Chánh được xem là điểm nóng thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông do mặt đường hẹp. UBND huyện Bình Chánh đang giải phóng mặt bằng để giao đất cho chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO thi công dự án mở rộng đường. Dự kiến đến cuối năm 2017, dự án sẽ hoàn thành nhưng tiến độ giải phóng mặt bằng còn chậm nên thời gian thực hiện có thể kéo dài.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo