xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sài Gòn bình dị

Nguyễn Thị Hậu

Một lần ngồi quán cà phê với bạn. Hai đứa sinh ra tại Hà Nội nhưng sống ở Sài Gòn đã hơn nửa đời người. Cùng học đại học, cùng lấy chồng một năm, năm sau cùng sinh con gái đầu lòng..., hai đứa vẫn gắn bó với nhau. Bây giờ con cái lớn rồi, không còn vất vả kiếm tiền, thi thoảng hai đứa hẹn nhau ở quán cà phê nào đấy, ăn sáng, trò chuyện trên trời dưới biển.

Ngày cuối năm, đường phố nhộn nhịp tất bật. Không khí se lạnh mang lại cho người ta cảm giác nôn nao như sắp mất đi điều gì đó, mà cũng như điều gì mới mẻ đang đến. Quán vắng, miên man nhạc Ngô Thụy Miên Em có bao giờ còn nhớ mùa Xuân... Bạn chợt thốt lên: Nhớ Sài Gòn quá, cậu có cảm giác đấy không?

Ừ, mình cũng nhớ Sài Gòn dù đang ở giữa Sài Gòn. Lạ không?

Nhớ Sài Gòn cuối năm 1975, gần Noel bỗng có một “mùa đông” mát mẻ, thậm chí buổi tối còn nghe gió lạnh tràn về. Người Sài Gòn đùa vui: Vĩ tuyến 17 mở rồi, gió mùa đông bắc không dừng bên kia đèo Hải Vân nữa. Những chiếc áo lạnh không chỉ làm quà theo các anh bộ đội về quê xứ Bắc mà còn được dịp khoe sắc trên khắp ngả đường. Những chiếc áo dài trắng tinh khôi được dịp khoác ra bên ngoài áo len áo gió, mỗi sáng đến trường nhìn phố ngỡ như đang ở Đà Lạt mộng mơ.

Nhớ Sài Gòn sau mùa hè năm ấy, vô lớp học bạn bè chỉ còn non nửa. Đứa theo gia đình đi kinh tế mới, đứa vượt biên, đứa bỏ học lấy chồng, đứa về quê... Chẳng kịp chia tay, vậy mà khi gặp lại vẫn nhớ tên nhau, trò chuyện thân thiết, không ngờ mấy chục năm bặt tin mà ký ức về bạn chưa hề quên lãng.

Nhớ Sài Gòn ngày có kết quả thi đậu đại học, một nhóm bạn rủ nhau đạp xe qua Khánh Hội. Lúc đó vùng này là khu nhà lá kênh đen, chiều xuống đèn đường nhập nhoạng, những tay anh chị cởi trần hình xăm chằng chịt, ung dung ngồi nhậu vỉa hè, chiếc Honda 67 dựng hờ hững ở lòng đường. Vậy mà chỉ chớp mắt đã thấy chiếc xe lao đi, tiếng nổ ống pô xoáy nòng làm cả con phố giật mình thảng thốt.

 

Ảnh: Nguyễn Á
Ảnh: Nguyễn Á

 

Nhớ Sài Gòn bến Bình Đông ngày giáp Tết. Ghe than củi, ghe ông lò, ghe trái cây, ghe hoa kiểng đậu san sát không cần tấm ván làm cầu, hàng hóa lên bờ nhộn nhịp cả đoạn đường dài. Có lẽ chỉ cần đến đây cũng hưởng trọn không khí ngày Tết Sài Gòn với mai vàng dưa hấu đỏ, với gạo nếp đậu xanh lá chuối, với những bộ lư được chùi vàng bóng... Ồn ào là vậy, không ngơi tay chân là vậy mà vẫn văng vẳng đâu đó ngọt ngào câu tân cổ giao duyên của Minh Vương - Lệ Thủy: Anh ba ơi tui nấu bánh đêm Xuân là để rước ông bà về vui ba ngày Tết. Anh đừng bày đặt lẳng lơ cái chuyện vợ chồng...

Nhớ Sài Gòn tháng Chạp. Trên lề đường Trương Định từ vài năm nay, cứ đến thời gian này là xuất hiện mấy ông đồ trẻ quần jeans áo thun với mực tàu bút lông, cũng giấy điều giấy dó ngồi viết những bức thư pháp bằng chữ Hán lẫn chữ Việt. Giờ người ta ít xin câu đối mà thường xin những chữ tỏ lòng mong ước hay là điều mình tâm niệm, như Tâm, Nhẫn, Phúc, Lộc... Cũng có khi là một câu thơ, một lời hát mà mình tâm đắc, như Sống trên đời sống cần có một tấm lòng. Cuộc sống đô thị vội vã gấp gáp, chữ nghĩa cũng theo đó ngắn gọn, dễ hiểu. Không thấy ai trả giá cho các bức thư pháp này, cũng chưa thấy “ông đồ” nào giàu có nhờ viết thư pháp, bởi người viết và người xin đều hiểu giá trị tinh thần mà những con chữ mang lại.

Nhớ Sài Gòn một ngày 29 Tết, hai đứa mình gặp nhau để chuẩn bị ra Giêng có chuyến đi từ thiện vùng xa. Quán vắng, vài người khách ngồi ngoài vỉa hè. Kêu ly cà phê đá, anh chủ giọng lạnh tanh: Đá sao? Mình cũng lạnh tanh: Đậm, ít đá, ít đường. Anh chủ mặt tươi hẳn: Lâu quá bà không ghé, quên gu của bà rồi… Tào lao một lúc rồi tụi mình đi, hỏi anh chủ quán: Mùng mấy bán lại, ông? Lại lạnh tanh: Có tới uống không mà hỏi? Cũng lạnh tanh luôn: Không tới uống hỏi làm gì, tụi tui đâu có rảnh dữ vậy? Vợ chồng chủ quán cười tươi: Nhớ ra mở hàng nghen mấy bà. Phóng xe đi rồi mới sực nhớ anh ta quên chưa nói ngày nào “mở hàng”.

Nhớ Sài Gòn ngày tháng Giêng, mùa nắng đang kỳ cao điểm, đường mềm ra như nung. Trùm đầu che mặt kín mít mà vẫn không ngăn được cái sức nóng ban trưa. Một thùng nước với chiếc ca nhựa treo toòng teng, dòng chữ “trà đá miễn phí” bỗng làm mát cả đoạn đường. Bác xích-lô, bà vé số, em nhỏ đánh giày, chị gánh hàng rong... ghé qua từ tốn uống từng ngụm nước “còn để dành người khác”. Mà sao thùng nước chẳng bao giờ hết! Thạch Sanh sống lại cũng phải ngạc nhiên bởi chàng chỉ có một nồi cơm nhưng Sài Gòn thì có hàng ngàn “thùng nước Thạch Sanh”, hàng chục quán ăn “hai ngàn đồng” dành cho người cơ nhỡ.

Đấy, nỗi nhớ Sài Gòn bình dị thế thôi. Nếu ai đó trông đợi một Sài Gòn mộng mơ như Đà Lạt, lãng mạn kiểu Hà Nội hay cổ kính tựa cố đô Huế thì có thể sẽ thất vọng. Bởi Sài Gòn là cuộc sống hối hả đêm ngày, Sài Gòn là đón nhận mọi người, Sài Gòn là mở lòng chia sẻ… Sài Gòn cho chúng ta được hồn nhiên sống, được hết mình làm và cũng được những chân tình đáp lại.

Em còn nhớ hay em đã quên... Với Sài Gòn, câu hỏi đó không chỉ dành cho người đi xa.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo