xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Siêu dự án… hoang hóa

Bạch Đằng - Thành Đồng - Phan Anh

Được kỳ vọng là công viên sinh thái tầm cỡ khu vực nhưng 12 năm qua, dự án Thảo cầm viên Sài Gòn Safari vẫn hoang hóa

Theo quy hoạch, dự án Thảo cầm viên Sài Gòn Safari nằm trên địa bàn 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng của huyện Củ Chi (TP HCM) với diện tích hơn 485 ha. Dự án được đánh giá là khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam, tầm cỡ Đông Nam Á với chức năng bảo tồn, trưng bày, nhân giống các loài thú quý hiếm trên thế giới.

Chờ hơn 10 năm rồi

Để thực hiện dự án, tháng 6-2004, UBND TP HCM có quyết định thu hồi đất. Suốt 12 năm qua, người dân trong vùng dự án phải sống nhấp nhổm trong những ngôi nhà tạm bợ, không xây sửa gì được do kẹt dự án. Rất nhiều hộ dân chấp nhận đền bù, nhận tiền đền bù từ hơn 10 năm trước và đăng ký mua nền đất tái định cư nhưng tới giờ vẫn chưa thấy đâu.

Anh Trần Văn Nghĩa (ngụ xã An Nhơn Tây) cho biết gia đình anh nhận tiền đền bù ngay từ đầu. Nhà có 8 anh chị em nên sau khi chia, mỗi người chỉ được tầm 200 triệu đồng. Anh đăng ký mua nền đất tái định cư gần đó nhưng chờ hơn 10 năm rồi mà chẳng thấy đâu. Thậm chí, đến giờ cũng chưa rõ sẽ được bao nhiêu đất và giá bán bao nhiêu. “Chờ lâu, tiền mất giá. Nhà tôi đang nuôi bò, muốn cất thêm chuồng trại kiên cố để chăn nuôi thuận tiện hơn nhưng cũng kẹt quy hoạch nên không làm được. Nhà trống hoác, muốn làm hàng rào phòng trộm cũng không xong” - anh Nghĩa than.

Bà Nguyễn Thị Lối (cũng ngụ xã An Nhơn Tây) có 8 người con. Chồng là thương binh nên có căn nhà tình nghĩa. Chỉ vào căn nhà xiêu vẹo, bà Lối thở dài: “Chờ đợi nhà nước tính phương án đền bù thế nào cho hợp lý là gia đình tôi chấp thuận ngay nhưng chờ mãi”.

Bà Nguyễn Thị Lối bên căn nhà xiêu vẹo của mình Ảnh: BẠCH ĐẰNG
Bà Nguyễn Thị Lối bên căn nhà xiêu vẹo của mình Ảnh: BẠCH ĐẰNG

Là người khiếu nại nhiều năm qua liên quan đến việc bồi thường thuộc dự án Thảo cầm viên Sài Gòn Safari, ông Đoàn Văn Xuân (ngụ xã An Nhơn Tây) cho biết cùng loại đất như nhau mà tính giá đền bù khác nhau. Hồi đầu, bà con không để ý, chỉ lo tính cây cà, cây ổi trên đất, không nghĩ tới loại đất và cách áp giá. Loại đất giống nhau, sát ranh nhau mà 2 mức giá khác nhau. Ngược lại, có trường hợp 2 miếng đất khác nhau hoàn toàn nhưng cùng một mức giá đền bù.

Ông Xuân kể gia đình ông có 17.827 m2 đất. Biên bản kiểm kê ngày 17-10-2004 xác định đất này là đất vườn gò tự nhiên xen khu dân cư, đáng lẽ được hưởng khung giá 150.000 đồng/m2 nhưng Ban Đền bù giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi áp theo giá đất trồng cây ngắn ngày nên chỉ được 75.000 đồng/m2. Cũng theo ông Xuân, nhiều người dù đã nhận tiền đền bù nhưng vẫn khiếu nại vì mức đền bù không thống nhất. Thấy đất bỏ hoang, nhiều người quay lại cất chòi thả trâu bò chăn nuôi, trồng cây ngắn ngày. Nhiều người đã đi tạm cư nhưng đến nay tiền tạm cư cũng chưa được nhận. “Người dân mong muốn việc đền bù thống nhất, hợp lý, công bằng. Nếu TP không triển khai dự án thì cho dân về nơi cũ sản xuất. Nếu tiếp tục triển khai thì nên gặp dân để bàn lại” - ông Xuân kiến nghị.

Không minh bạch

Không riêng gì ông Xuân, nhiều hộ dân khác cũng phản ánh như thế.

Theo báo cáo của UBND huyện Củ Chi, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện đã bồi thường và bàn giao mặt bằng được 689 hộ (97,7%), chưa nhận tiền bồi thường là 16 hộ (2,3%). Tuy nhiên, hiện có 144 trường hợp đang khiếu nại, lý do là công tác bồi thường không công bằng do có những trường hợp hiện trạng, pháp lý đất giống nhau nhưng lại xác định loại đất khác khau; việc phân loại đất trong biên bản kiểm kê hiện trạng năm 2004 là chưa đúng thực tế vì các hộ dân cho rằng mục này là do cán bộ xã tự ghi, không trao đổi và thống nhất với các chủ sử dụng đất, các chủ sử dụng đất không biết việc phân biệt loại đất. Ngoài ra, công tác triển khai và thực hiện bồi thường không minh bạch, không tuân theo quy định pháp luật về bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Thanh tra toàn diện

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa có thông báo chấp thuận cho thanh tra toàn diện dự án Thảo cầm viên Sài Gòn Safari trên địa bàn huyện Củ Chi theo đề nghị của Thường trực Huyện ủy Củ Chi; giao Chánh Thanh tra TP chủ trì, phối hợp với các sở liên quan lập đoàn thanh tra liên ngành triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra. Thời điểm triển khai do Thanh tra TP trao đổi với UBND huyện Củ Chi để bảo đảm ổn định tình hình an ninh trật tự tại 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng.

Dự kiến, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng sẽ có buổi làm việc với huyện Củ Chi liên quan đến việc chậm triển khai dự án Thảo cầm viên Sài Gòn Safari vào sáng 21-5.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo