xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Sống chết” với cà phê

Bài và ảnh: SƠN NHUNG

Mở quán để biến đây thành nơi giao lưu, chia sẻ kiến thức, đam mê với những người yêu thích cà phê nhưng ước muốn sâu xa hơn của anh là dần thay đổi cách làm của người Việt để bạn bè thế giới có cái nhìn thiện cảm hơn về cà phê Việt Nam

Trong một lần gặp gỡ mới đây, doanh nhân Phạm Đình Nguyên, Thị trưởng thị trấn PhinDeli (tên mới của Burford - Mỹ), giới thiệu “có quán cà phê này hay lắm” khiến tôi không khỏi tò mò. Hẳn quán ấy phải có gì đặc biệt thú vị mới khiến ông chủ một công ty chuyên về cà phê như PhinDeli khen lấy khen để như thế.

Chuyên gia cà phê thứ thiệt

Shin Coffee nằm trên đường Nguyễn Thiệp, quận 1, TP HCM, ra đời chỉ 3 tuần nay nhưng lúc nào cũng đông khách. Mới bước vào quán, tôi đã ấn tượng ngay với cách trang trí hết sức mới lạ và tinh tế. Những chiếc bình pha cà phê, những chiếc tách hay vật dụng đi kèm cũng đều lạ lẫm, độc đáo…

Shin Coffee quả nhiên “hay lắm” như lời doanh nhân Phạm Đình Nguyên. Nhưng khi đã biết về ông chủ của nó - một người trẻ đầy phong cách, ý chí và nghị lực - dường như tôi còn “mê” hơn. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Hữu Long được nhiều người trong giới gọi là “chuyên gia cà phê thứ thiệt”.

 

Nguyễn Hữu Long tận tay pha chế cà phê phục vụ khách
Nguyễn Hữu Long tận tay pha chế cà phê phục vụ khách

 

Vì “sống chết” với cà phê mà chàng trai sinh năm 1982 này đã rủ bỏ những thất bại, nhiều khi trắng tay, để sang Nhật đi làm kiếm tiền với mục đích bằng mọi cách học hỏi, theo đuổi đến cùng ngành cà phê. Để rồi 5 năm sau, khi đã tích lũy một lượng kiến thức, kinh nghiệm phong phú về cà phê, anh trở về Việt Nam mở quán.

Nếu không quen biết từ trước, đến Shin Coffee, khách sẽ không thể nào phân biệt được đâu là ông chủ, đâu là nhân viên. Nguyễn Hữu Long cũng đeo tạp dề, cũng tận tay pha chế cà phê, mang ra phục vụ khách với phong cách hết sức giản dị, từ tốn.

Trò chuyện một lúc với nhóm bạn - những người cùng chung niềm đam mê về cà phê - Long qua bàn chúng tôi nhẹ nhàng hỏi về khẩu vị, “gu” dùng loại thức uống này. Long giới thiệu với tôi loại cà phê Panama Geisha rồi dặn nhân viên pha chế. “Đây là giống cà phê tự nhiên có nguồn gốc từ vùng cao nguyên Ethiopia. Tất cả cà phê ở đây đều là loại sạch, tươi nguyên, được rang, xay tại chỗ. Khi khách yêu cầu sẽ được pha trực tiếp với gu và hàm lượng khác nhau” - anh cho biết.

Cầm một túi cà phê khác mang tên Guatemala - Pacamara vừa lấy từ kho ra và bảo quản ở độ ẩm cố định, Long khoe đây là loại rất ngon mà anh vừa nhập về. Tại Shin Coffee, cứ 2-3 ngày thì menu cà phê lại thay đổi để khách có thể nếm trải nhiều hương vị khác nhau.

Trải nghiệm lâu hơn với Shin Coffee, tôi nhận ra đây không chỉ là một quán nước đơn thuần, nó còn như một “kho tàng” về cà phê mà ông chủ chính là người sưu tầm, lưu giữ. Ở Shin Coffee có trên 120 chủng loại cà phê của thế giới. Những chiếc bình, tách, vật dụng… pha chế độc đáo cũng được chính tay Long săn tìm nhiều năm từ Nhật mang về.

Long đã biến Shin Coffee thành nơi để giao lưu, chia sẻ kiến thức, đam mê của mình với những người yêu thích cà phê trên khắp thế giới khi đến Việt Nam. Không chỉ vậy, ước muốn sâu xa hơn của anh là dần thay đổi cách làm cà phê của người Việt để cho bạn bè thế giới có cái nhìn thiện cảm hơn về cà phê Việt Nam.

Ám ảnh khôn nguôi

Nguyễn Hữu Long quê ở Hà Tĩnh, cha mẹ chia tay khi anh mới 1 tuổi. Nhà nghèo, một mình mẹ không đủ sức nuôi 4 đứa con ăn học nên Long chỉ được đến trường “cho biết cái chữ”. Lam lũ theo mẹ ra đồng, về nhà giữ em..., cuộc sống đói nghèo của gia đình Long cứ kéo dài.

Khi lên 12 tuổi, Long được mẹ cho theo người cô họ lên Gia Lai phụ làm rẫy cà phê. Ngày ngày ra rẫy cần mẫn làm những công việc của một nông dân để có tiền gửi về phụ mẹ nuôi em, Long bắt đầu tiếp cận niềm đam mê cả đời mình.

Được vài năm, người cô bảo Long qua phụ nuôi ong mật ở rẫy cà phê của người quen gần đó. “Một mình đối diện núi rừng và những chú ong, em buồn tủi lắm nhưng không có cách nào khác vì mình nghèo, học hành không tới đâu” - Long nhớ lại.

Đến năm 17 tuổi, Long được một người bác đưa lên TP HCM phụ bán nước đá. Chỉ được vài tháng, công việc không suôn sẻ, Long phải đi phục vụ cho một nhà hàng hải sản ở quận 10.

“Bữa nọ, tình cờ một vị khách Nhật đến nhà hàng, nói em có nhiều nét giống con trai ông. Ông hỏi thăm rồi nhận em làm con nuôi. Ông đã khuyên em nên đi học tiếp để thay đổi cuộc đời. Lúc đó, trong đầu em lóe lên một hành trình rất dài, rất sáng. Em như được tiếp thêm động lực từ người cha nuôi” - Long tâm sự.

Vốn chỉ mới học xong lớp 3, vậy là Long phải bổ túc văn hóa lại từ đầu. Chỉ trong vòng 5 năm, Long đã được nhận bằng tốt nghiệp lớp 12. Năm 22 tuổi, Long thi vào Khoa Tiếng Nhật Trường ĐH Mở TP HCM theo lời khuyên của cha nuôi.

Bao năm đến TP HCM, Long vẫn chưa bao giờ nguôi ám ảnh với cà phê. Chính vì vậy mà khi vào ĐH, có điều kiện hơn, Long đã tìm tòi, học hỏi về cà phê thông qua các tài liệu. Anh tự tìm nguồn cà phê rồi rang, xay, đóng gói và đi giới thiệu ở các quán.

Vừa học vừa bán cà phê, làm thêm thông dịch viên tiếng Nhật, Long tích góp được một số tiền kha khá và mua một căn nhà cấp 4 ở vùng ven TP HCM, xem như có chốn an cư. “Vậy mà vì niềm đam mê với cà phê, em đã bán đi căn nhà này, lấy tiền hùn mở quán với một người bạn. Lúc đó, kinh nghiệm chưa có, em thua lỗ và mất hết tài sản 700-800 triệu đồng” - Long kể.

Làm cho Toyota để học hỏi về… cà phê

Thất bại, trắng tay, dù rất buồn nhưng với ý chí và nghị lực của một người đi lên từ cơ cực, Long không hề nản lòng. Anh nghĩ mình phải ra đi, phải tìm một hướng khác, đi đường vòng cũng được miễn là đến đích. Vậy là Long nộp đơn xin việc tại công ty con của Tập đoàn Toyota ở Nhật Bản.

Những tưởng với công việc ổn định, thu nhập khấm khá ở xứ người thì niềm đam mê cà phê của Long cạn dần nhưng không. Chính thời gian ở Nhật, một trong những quốc gia có thị trường cà phê phát triển bậc nhất thế giới, Long như cá gặp nước.

“Làm sao tiếp cận được những buổi hội thảo về cà phê khi vẫn phải đi làm ở công ty mỗi ngày? Chẳng có cách nào khác, em phải làm thật tốt công việc của mình rồi thuyết phục sếp cho vắng mặt vài buổi để dự các lớp học, hội thảo về cà phê. Em đã dành hết số tiền mình làm ra ở Nhật chỉ để đi học, tìm hiểu, tham gia các buổi thuyết trình về cà phê suốt 3 năm liền” - Long tiết lộ.

Cơ duyên đã đến với Long khi một doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu về cà phê tại Nhật mời anh về làm với tư cách là quản lý chất lượng. Long cho biết năm 2014, anh là một trong 2 người Việt đầu tiên (người còn lại định cư tại Mỹ) được cấp chứng nhận quản lý chất lượng cà phê Q Crader của Mỹ. Với chứng nhận này, Long được xem là một chuyên gia quản lý chất lượng cà phê tầm cỡ quốc tế. Hầu hết doanh nghiệp xuất nhập khẩu cà phê trên thế giới đều cần đến những Q Crader.

Hiện nay, Long còn là thành viên SCAJ, một tổ chức chuyên về cà phê ở Nhật Bản. Anh đã được SCAJ cấp giấy chứng nhận Coffee Meister - người được đào tạo chuyên sâu kiến thức cà phê. Cùng với những mối quan hệ đã có, anh có thể giới thiệu doanh nghiệp cà phê trong nước tham gia các cuộc triển lãm, giao thương cà phê hàng đầu tại Nhật.

Với Long, việc tìm kiếm hương vị cà phê mới luôn được anh đặt lên hàng đầu. “Yêu thích, say đắm thứ thức uống này, em càng hạnh phúc hơn khi kết nối được với các nhà sản xuất cà phê khắp nơi trên thế giới. Từ đó, em có thể giới thiệu cho những người yêu thích cà phê Việt Nam cơ hội được trải nghiệm những mẫu cà phê tuyệt vời” - anh bày tỏ.

Nói về lý do trở về Việt Nam, Long tâm sự: “Em muốn chia sẻ với cộng đồng, với người đam mê cà phê những kiến thức chuyên sâu mà chỉ những người theo học bài bản mới có được”. Theo Long, trong mắt người thưởng thức cà phê nhiều nơi trên thế giới thì cà phê Việt Nam không an toàn, chất lượng kém. Vì vậy, hoài bão của anh là giúp thay đổi cách làm, hướng đến sản phẩm sạch, chất lượng tuyệt đối để cà phê Việt Nam ngày càng được đánh giá cao.

 

Nhớ ơn người cha nuôi

Với những gì có được hôm nay, Nguyễn Hữu Long luôn nhớ ơn người cha nuôi Shintaro. Chính ông đã mở cho Long một hướng đi và động viên, hỗ trợ anh suốt 20 năm qua. Vì vậy, Long đã đặt tên cho quán của mình là Shin.

Ông Shintaro đã mất tại Nhật cách đây 3 tháng. Shin trong tiếng Nhật có nghĩa là chân thật. Long cũng mong muốn những gì anh làm phải chân thật, xuất phát từ trái tim nhiệt huyết, đầy đam mê.

 

Ông chủ Shin Coffee giới thiệu một loại cà phê vừa nhập về
Ông chủ Shin Coffee giới thiệu một loại cà phê vừa nhập về

 

Vợ con vẫn ở Nhật nên Long phải sắp xếp thời gian để đi đi về về. “Sau khi vợ hoàn thành bằng tiến sĩ y khoa ở Nhật, tụi em sẽ về nước để ổn định cuộc sống” - Long cho biết. Long cũng vừa nhận lời làm việc cho một tập đoàn lớn, có hệ thống The Coffee House, với trọng trách là quản lý chất lượng từ vùng nguyên liệu cho đến sản phẩm cà phê cuối cùng đến tay người tiêu dùng.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo