xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sống chung với ngập

Đỗ Thông thực hiện

TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (ĐHQG TP HCM), cho rằng đã đến lúc TP HCM chống ngập bằng cách sống chung với nó

Phóng viên: Thưa ông, giải pháp không bảo vệ vùng trũng mà ông đưa ra đi ngược hoàn toàn với dự án 1547 - được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) khởi xướng và thực hiện - với mục đích bảo vệ hoàn toàn vùng trũng TP và một phần tỉnh Long An bằng đê bao cũng như cống ngăn triều?

- TS Hồ Long Phi: Theo thông tin tôi nắm được thì để thực hiện tổng thể dự án 1547 phải cần tới 3 tỉ USD. Bản thân Bộ NN-PTNT không thu xếp được nguồn vốn nên đã xin Thủ tướng Chính phủ cho thu hẹp dự án và được chấp nhận. Điều này đồng nghĩa với việc dự án 1547 cũ “đã chết” và chỉ còn lại dự án 1547 mới bị thu hẹp rất nhiều. Ở quy mô dự án 1547 mới, theo như tôi được biết thì sẽ không còn bảo vệ vùng trũng nữa.

TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (ĐHQG TP HCM)
TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (ĐHQG TP HCM)

Như vậy, thực tế công tác, cách thức chống ngập của TP sắp tới giống những gì tôi và các nhà khoa học Hà Lan đang làm (đã báo cáo UBND TP) trong dự án “Giải pháp chống ngập ở TP đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050”.

Phải chăng dự án của ông và các nhà khoa học Hà Lan chọn tuyến đường Vành đai 3 làm ranh giới bảo vệ TP?

- Chúng tôi chọn đường Vành đai 3 làm ranh giới bảo vệ TP vì nó kết hợp được với các công trình giao thông. Qua đó, tiết kiệm cả tỉ USD thông qua việc dùng đường giao thông làm tuyến bảo vệ thay vì phải xây dựng một đê mới. Hơn nữa, theo quy hoạch đô thị của TP, căn bản các vùng sẽ đô thị hóa đều nằm trong vùng Vành đai 3.

Liệu có phù hợp khi TP nhất thiết phải xây dựng những đô thị ngập nước?

- Theo quy luật, nước chảy về chỗ trũng. Vậy tại sao chúng ta không dành chỗ trũng chứa nước. Do đó, cách tốt nhất để chống là sống chung với nó và lên phương án để làm sao không thiệt hại.

Cơn mưa ngày 15-9 đã gây ngập 66 tuyến đường ở TP HCM Ảnh: XUÂN DANH
Cơn mưa ngày 15-9 đã gây ngập 66 tuyến đường ở TP HCM Ảnh: XUÂN DANH

Ở đây, vấn đề là đừng cứ nghĩ chuyện trước mắt mà phải nghĩ tới mục đích đạt được trong tương lai thì sẽ thấy rõ lắm. Tức là chúng ta sẽ cố gắng hướng nhận thức cộng đồng, chính sách về đất đai, quy định về xây dựng sao cho để 30 năm nữa có các đô thị ngập nước ở trên những vùng trũng.

Những nơi nào ở TP có thể xây dựng đô thị ngập nước?

- Theo khảo sát, các khu đô thị ngập nước có thể hình thành trong tương lai ở khu vực phía Tây như Bình Chánh, Hóc Môn; phía Nam là Nhà Bè; phía Đông là Thủ Đức…

Ở những khu vực này, thay vì đắp lên thì sẽ xây dựng thành những đô thị ngập nước kiểu ở Ý hay Hà Lan chẳng hạn. Đây mới là giải pháp tối ưu trong công tác chống ngập vì nó không cản dòng chảy của nước, nước sẽ về nơi trũng và hình thành khu đô thị ngập nước.

Muốn vậy, chúng ta cần những chính sách nào đi kèm?

- Điều quan trọng nhất là nhận thức. Khi người ta thấy nước không còn là mối đe dọa nữa thì sẵn sàng sống chung với nó. Kế đến là vấn đề kết nối, chuyện này có rất nhiều giải pháp. Cụ thể, thay vì làm đường, các nhà đầu tư có thể làm cầu cạn, nước vẫn qua lại mà không bị cản; thay vì những công viên hoàn toàn khô ráo thì bây giờ là các công viên nước mà trong đó có những lối đi không cản trở dòng chảy.

Nếu thực hiện theo những giải pháp trên thì người dân TP hưởng lợi gì?

- Trước tiên là các công trình xây dựng chống ngập sẽ được đầu tư theo tiến độ thích hợp dựa trên các tính toán khoa học. Không còn kiểu đầu tư dàn trải, thiếu tính toán, tốn ngân sách.

Kế đến, khi nước có chỗ lưu trú thông qua các khu đô thị ngập nước, các hồ điều tiết thì hiển nhiên tình trạng ngập sẽ giảm đáng kể. Theo tính toán, hệ thống cống thoát nước hiện tại của TP chỉ đáp ứng 70%. Như vậy, 30% còn lại sẽ do các hồ điều tiết, các khu đô thị ngập nước, các giải pháp mềm trong chống ngập đảm nhiệm. Đó là chưa kể khi nước được giữ lại trong các hồ điều tiết, khu đô thị thì TP sẽ dần mát hơn. Đồng thời, các khu đô thị ngập nước sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai thích du lịch sinh thái.

Mới đây, chính quyền TP đã ghi vốn để xây dựng thí điểm 1 khu đô thị ngập nước trên diện tích 90 ha ở khu vực Gò Dưa, quận Thủ Đức.

 

Phải thích nghi với môi trường

Ở một kỳ họp HĐND TP năm 2013, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho biết đã giao các cơ quan nghiên cứu vạch ra những phương án đề phòng, giảm thiểu và chung sống với chuyện ngập nước. Từ quan điểm trên, ông Lê Hoàng Quân đã yêu cầu các cơ quan tham gia nghiên cứu phải lưu ý các giải pháp công trình, phi công trình; các giải pháp truyền thống, phi truyền thống; giải pháp khoa học để TP thích nghi với môi trường, phát triển bền vững.

T.Đỗ

 

Xây hồ điều tiết, tập trung “cứu” khu trung tâm

Chiều 16-9, Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP HCM (gọi tắt là Trung tâm Chống ngập) cho biết cơn mưa chiều 15-9 là cơn mưa lớn nhất cho đến thời điểm này, đạt vũ lượng 142 mm kết hợp triều cường đạt 1,4 m khiến toàn địa bàn ngập 66 điểm. Trong  đó, nhiều nhất là quận Bình Thạnh với 12 điểm, quận 6 và Thủ Đức mỗi quận 7 điểm, quận Gò Vấp 5 điểm…

Ngập sâu nhất là khu vực đường Quốc Hương (quận 2), đường Kinh Dương Vương (quận 8) với 0,5 m và nhiều tuyến đường khác ngập 0,4 m. Riêng đường Trần Não (quận 2) ngập toàn tuyến. Do lượng mưa lớn trùng vào giờ tan sở nên xảy ra tình trạng giao thông hỗn loạn trên nhiều tuyến đường, hàng ngàn phương tiện chết máy.

Theo ông Đỗ Tấn Long - Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm Chống ngập - hệ thống cống thoát nước được thiết kế trước đây chỉ đáp ứng với lượng mưa 86 mm nên không đáp ứng kịp dẫn đến ngập. Trả lời về vấn đề các quận ngoại thành có xu hướng ngập ngày càng sâu, ông Long cho rằng do tác động của quá trình đô thị hóa nên hệ thống kênh, rạch bị lấp, ảnh hưởng đến việc thoát nước. Ngoài ra, do TP đang chú trọng giải quyết ngập cho khu vực trung tâm nên công tác chống ngập ở khu vực ngoại thành sẽ được thực hiện sau.

Về biện pháp lâu dài, TP đang nghiên cứu xây dựng 103 hồ điều tiết trên toàn địa bàn; đồng thời thực hiện, hoàn thiện nhiều dự án khác để từng bước xóa ngập. Trước mắt, tiếp tục nâng cấp hệ thống cống thoát nước cũ, nhất là các khu vực trọng yếu; cải tạo, nạo vét các kênh, rạch...

T.Đồng

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo