xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sống mãi Tây Tiến

Văn Duẩn - Phú Cương - Thanh Tuấn

"Tây Tiến" - bài thơ mang tên một trung đoàn, một mặt trận - sống mãi trong trái tim của bao thế hệ học trò và những người yêu thơ

Bà Bùi Phương Thảo (con út của nhà thơ Quang Dũng), nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sau khi về hưu, bà dành toàn bộ tâm sức cho gia đình và Tây Tiến.

Người cha nhân hậu

Trong ngôi nhà của bà Thảo ở quận Long Biên, Hà Nội, nơi đâu cũng thấy bóng dáng của nhà thơ Quang Dũng - tác giả bài "Tây Tiến". Ở vị trí trang trọng ngay phòng khách là bức tượng bán thân của nhà thơ với mũ ca-lô, khoác áo trấn thủ. Trên tường treo các bức tranh do ông vẽ. Một tủ sách to lưu giữ những di cảo cùng nhiều sách, báo viết về ông.

Là con gái út nên bà Thảo được cha cưng chiều nhất. "Bố tôi là người nhân hậu, luôn giành gian lao, vất vả về mình" - bà tâm sự. Thời bao cấp, cả gia đình nhà thơ Quang Dũng sống ở phố Bà Triệu, gần nhà có một máy nước công cộng. Cứ vào tầm 4-5 giờ sáng, khi cả nhà vẫn còn say giấc, nhà thơ Quang Dũng mang đôi thùng ra hứng nước rồi gánh lên tầng 3, cố gắng không gây tiếng động, sợ các con tỉnh giấc.

Sống mãi Tây Tiến - Ảnh 1.

Một buổi sinh hoạt của Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến Ảnh: VĂN DUẨN

Mỗi lần có một khoản tiền nào đó, có thể là tiền nhuận bút, ông phấn khởi viết một dòng chữ nhỏ để ở đầu giường của 2 con gái: "Sáng mai ngủ dậy, bố cho đi ăn phở Tràng Tiền". "Phở Tràng Tiền ngày ấy phải xếp hàng mua, giờ là kem Tràng Tiền. Nghĩ đến đã thấy ngon. Bây giờ, dù có tiền để ăn bao nhiêu bát phở đặc biệt hơn nhưng sao cảm giác chẳng thể ngon bằng bát phở ngày ấy" - bà Thảo nói.

Thời nhà thơ Quang Dũng công tác ở Nhà Xuất bản Văn học, bà Thảo thường được cha cho đi cùng, lúc thì thăm bạn văn, bạn thơ; khi thì đến nhà những đồng đội Tây Tiến như Hùng Thanh, Tạ Đình Đề, Xuân Sâm, Văn Đa, Doãn Quang Thọ. Ngược lại, những người lính Tây Tiến cũng hay đến thăm ông.

"Các cụ tâm sự với nhau chuyện những tháng ngày Tây Tiến. Và những câu chuyện đó đã thấm vào tâm hồn trẻ thơ của tôi từ lúc ấy" - bà Thảo chia sẻ.

Năm 1987, nhà thơ Quang Dũng ốm nặng. Vào một đêm mùa thu năm 1988, sau thời gian dài vật vã trên giường bệnh, ông ra đi mãi mãi. Giờ đây, mỗi khi nhớ về cha, bà Thảo vẫn luôn trong tâm trạng đợi chờ. Tiếng xe đạp lách cách quen thuộc dưới cầu thang và cha tươi cười xuất hiện ở ngưỡng cửa, rút từ túi áo một chú thỏ trắng muốt với đôi mắt như 2 viên hồng ngọc lấp lánh.

Với những câu chuyện đã được đồng đội của cha kể lại, những gì đã trải qua và chứng kiến, bà nghiệm ra một điều rằng: "Nhắc đến Quang Dũng là nhắc đến Tây Tiến, nhắc đến Tây Tiến thì phải biết Trung đoàn 52 Tây Tiến".

Những cựu binh của Trung đoàn 52 Tây Tiến luôn dành một tình cảm đặc biệt cho bài thơ "Tây Tiến". Đại tá Nguyễn Hoàng Sâm kể rằng ngay sau khi bài thơ ra đời ở thôn Phù Lưu Chanh, huyện Kim Bảng, Hà Nam năm 1948, những người lính Tây Tiến đã chép vào giấy rồi chuyền tay nhau đọc. "Bài thơ đã nói lên được những điều chúng tôi không nói được. Nó lột tả được đầy đủ cái oai hùng và cả những đau thương của đoàn quân Tây Tiến năm xưa. "Tây Tiến" còn là một khúc ca của tình hữu nghị Việt - Lào. Chính vì vậy, dù đã gần 70 năm trôi qua, bài thơ "Tây Tiến" vẫn sẽ mãi trong tâm trí thế hệ chúng tôi và chắc chắn là cả những lớp đi sau" - ông Sâm bày tỏ.

Và hôm nay, dọc những con đường Tây Bắc, trong các đài tưởng niệm, khu tưởng niệm Tây Tiến ở Mường Lát, Châu Trang, Mai Châu, Mộc Châu, đều khắc những câu thơ trong bài "Tây Tiến".

Tiếp nối hào khí Trung đoàn 52

Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến được thành lập năm 1987. Khi ấy, số cựu binh Trung đoàn 52 Tây Tiến vẫn còn hơn 200 người. Mỗi lần gặp mặt, lại một lần thêm thưa vắng. Giờ chỉ còn hơn 50 cụ, trong đó đi lại và sinh hoạt được chỉ khoảng hơn 20 cụ.

Kể từ năm 2012 tới nay, bà Bùi Phương Thảo được các cựu binh Tây Tiến giao trọng trách trưởng ban liên lạc. Để giúp sức cho ban liên lạc, bên cạnh ban thư ký có ban cố vấn, những con em Tây Tiến tình nguyện tham gia.

"Tôi cứ nghĩ đây là cơ duyên, sắp đặt cho mình làm công việc này bởi bản thân trong mơ cũng không bao giờ dám nghĩ mình có thể làm và nắm giữ trọng trách này, dù tôi đã tham gia sinh hoạt cùng các chú, các bác ngay từ những ngày đầu thành lập" - bà Thảo chia sẻ.

PGS-TS Lê Hùng Lâm cũng là người rất nhiệt tình với hoạt động của Ban Liên lạc Trung đoàn 52 Tây Tiến. Dưới thời ông làm trưởng ban liên lạc, các cựu chiến binh Tây Tiến đã dựng được 3 tấm bia kỷ niệm tại những khu vực mà đoàn quân Tây Tiến năm xưa từng đặt chân đến. Thế rồi năm 2010, ông Lê Hùng Lâm qua đời, để lại khoảng trống trong lòng nhiều người trong "gia đình Tây Tiến". "Các cụ hầu hết đã lớn tuổi và lo sợ rằng khi họ mất thì những gì thuộc về Tây Tiến sẽ dần phai nhạt. Vì vậy, cần phải có thế hệ tiếp nối để gánh vác công việc này" - bà Thảo cho hay.

Mới đó mà đã 5 năm trôi qua, bà Thảo cùng những thành viên trong ban liên lạc đã làm được rất nhiều công việc ý nghĩa để tiếp nối truyền thống đoàn quân Tây Tiến năm xưa. Ngoài các hoạt động tri ân, ban liên lạc luôn duy trì công tác khuyến học cho con em ở những vùng đất mà Trung đoàn 52 Tây Tiến đã đi qua, đã sống và chiến đấu. Hiện tại, đã có 6 trường học ở Hòa Bình, Thanh Hóa mang tên Tây Tiến.

Ban liên lạc cũng góp tiền, vận động các mạnh thường quân ủng hộ để mua sách vở, ba lô, túi xách, kẹo lên tặng cho các học sinh tại các trường mang tên Tây Tiến ở Sài Khao, Mường Lát, Thượng Cốc. Số tiền không nhiều nhưng là tình cảm của ban liên lạc tri ân con, cháu đồng bào năm xưa đã giúp đỡ các thế hệ cha anh.

Mơ một con đường ở thủ đô

Những địa phương nơi đoàn quân Tây Tiến sống, chiến đấu như Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, chính quyền và nhân dân nơi đó đã dựng những tượng đài để lưu danh công đức bộ đội Tây Tiến: huyện Mường Lát (Thanh Hóa) có tháp Tây Tiến; tỉnh Hòa Bình có tượng đài Tây Tiến ở Thượng Cốc (Lạc Sơn) và bia ghi danh Tây Tiến ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Mai Châu; tỉnh Sơn La có Khu Di tích Tây Tiến.

"Tôi cũng như các cựu chiến binh luôn khao khát ở thủ đô có một con đường mang tên Tây Tiến trên cung đường hướng về phía Tây - nơi đoàn quân năm xưa, có rất nhiều chàng trai Hà Nội hào hoa, lên đường chiến đấu. Trên còn đường đó chỉ cần có một tấm bia ghi danh nho nhỏ về Tây Tiến thôi. Vậy mà ước vọng ấy mãi chưa thành" - bà Thảo bày tỏ.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 24-7

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo