xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tấm lòng vàng giữa rừng xanh

QUANG VINH - ĐỨC NGỌC

Nghe tin người dân ốm đau thì bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, cán bộ y tế miền núi đều lội suối, leo núi đến tận nhà chữa bệnh cho dân...

Theo chân chị Hồ Thị Hiếu (SN 1987; cán bộ Trạm Y tế xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) vào ngôi làng Tắk Giang nằm lưng chừng trên đỉnh Ngọc Linh quanh năm sương phủ, chúng tôi thấu hiểu những vất vả của cán bộ y tế công tác ở các xã vùng cao.

Giành giật sự sống cho con trẻ

Để đặt chân đến được những nóc làng người Ca Dong này phải leo dốc vài giờ theo những cung đường chỉ đặt vừa bàn chân, bên dưới là vực thẳm và những con suối đá nước rầm rì chảy. “Ở đây chưa có đường giao thông nên đi lại nhọc nhằn. Muốn lên được các nóc làng nơi người dân sinh sống, không còn cách nào khác ngoài cuốc bộ” - chị Hiếu nói.

Chị Hồ Thị Hiếu - cán bộ Trạm Y tế xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam - bên gia đình nhỏ của mình Ảnh: QUANG VINH
Chị Hồ Thị Hiếu - cán bộ Trạm Y tế xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam - bên gia đình nhỏ của mình Ảnh: QUANG VINH

Gần 5 năm về công tác ở xã Trà Cang, đôi chân chị Hiếu đã quen thuộc với những ngôi làng nơi đây. Riêng ngôi làng Tắk Giang nay đã trở thành một phần trong cuộc đời chị bởi đó là nơi con trai chị sinh ra.

Chị Hiếu nhớ như in buổi trưa 2-9-2011, khi chị ở trung tâm huyện thì em gái ở xã Trà Cang báo tin sản phụ Hồ Thị Yên ở làng Tắk Giang (thôn 6, xã Trà Cang) vừa mất sau khi sinh. Theo tập tục của người Xê Đăng, nếu người mẹ chết, đứa bé mới ra đời cũng bị chôn sống theo mẹ. Chị Hiếu bảo em gái phải khẩn cấp can ngăn, tìm mọi cách kéo dài thời gian đợi chị đến. Thời điểm đó, chị Hiếu không biết đi xe máy trong khi đoạn đường dài hơn 20 km từ trung tâm huyện đến Trà Cang rất khó đi nên chị đành chạy bộ hơn 3 giờ.

Chị đến làng Tắk Giang cũng vừa lúc dân làng làm xong các thủ tục cúng lễ chuẩn bị đưa đứa bé cùng thi thể người mẹ xuống huyệt mộ. Dân làng xúm quanh phản ứng khi biết chị định đưa đứa bé rời khỏi làng. Họ tin rằng nếu không chôn đứa trẻ thì “con ma” sẽ tức giận và cả làng sẽ gặp tai họa. Họ lên án, đòi đuổi chị ra khỏi làng vì dám phá lời nguyền và đặt cả làng vào nguy hiểm.

Là người Xê Đăng nên chị Hiếu cũng chùn lòng và có chút lo sợ trước phản ứng quyết liệt của đám đông. Tuy nhiên, khi nhìn đứa trẻ xanh xao, dơ bẩn đang thoi thóp trên đôi tay của cha, chị Hiếu như có thêm sức mạnh. Lợi dụng lúc người làng bớt chú ý, chị Hiếu ôm đứa bé tội nghiệp chạy thẳng về xuôi, bỏ lại những lời xì xào, nguyền rủa của dân làng Tắk Giang. Sau khi cứu sống đứa trẻ tội nghiệp, nữ cán bộ y tế xã này nhận bé làm con nuôi và đặt tên là Hồ Quốc Khánh.

Hạnh phúc đơn sơ

24 tuổi, chưa một lần yêu bỗng dưng làm mẹ. Mọi khó khăn ập đến nhưng chị đều vượt qua bởi chị có tình yêu thương mãnh liệt với đứa trẻ. Từ ngày có Khánh, chị dựng ngôi nhà nhỏ ở thôn 2, xã Trà Mai phòng khi bé ốm đau có điều kiện chăm sóc. Nhiều nhà hảo tâm tìm đến giúp đỡ mẹ con chị, cũng nhiều người ngỏ lời xin Quốc Khánh làm con nuôi nhưng chị không muốn xa đứa con mình đã giành giật lại từ cõi chết. Điều quan trọng hơn, chị muốn nuôi con khôn lớn để đồng bào Xê Đăng thấy và từ bỏ các hủ tục rợn người.

Trong ngôi nhà nhỏ nằm bên bờ sông Tranh, bé trai được chị Hiếu cứu ngày nào đỏ hỏn, nặng chưa đến 2,5 kg nay đã lớn khôn, kháu khỉnh, quậy tung cả nhà. Cuối năm 2014, hạnh phúc của chị Hiếu được nhân đôi khi kết hôn với anh Zơ Râm Phượng (SN 1983; người dân tộc Cơ Tu; ngụ huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam).

“Sau khi cháu Khánh được cứu sống, cha ruột của cháu đôi lần xuống huyện đã đến thăm. Nhiều người dân ở Tắk Giang cũng ghé qua và kể lại chuyện cho người dân trong làng. Nơi này còn khó khăn, người dân vẫn còn nhiều tập tục lạc hậu nhưng nhận thức của họ đã dần thay đổi. Sau này, cu Khánh lớn lên, tôi sẽ đưa cháu vào làng để bà con thấy rằng không có chuyện con ma bắt, không có lời nguyền như đồn đại” - chị Hiếu nói.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 24-2

Kỳ tới: Hạnh phúc nơi “đầu sóng ngọn gió”

Sống chết cùng dân vùng cao

“Ở đây là người nhà cả, mọi người quý và yêu thương mình lắm! Mình không thể xa bà con. Mình sẽ ở đây chữa bệnh cho bà con cho đến lúc về hưu mới thôi”. Đó là tâm sự của bác sĩ Kha Văn Thái - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

Năm 1995, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Y Vinh, bác sĩ Thái về công tác tại Trạm Y tế Bình Chuẩn, đến năm 2006 thì đi học chuyên tu ở Trường ĐH Y Thái Bình.

Năm 2010, với tấm bằng bác sĩ trong tay, cơ hội có một công việc ổn định, thu nhập cao mở rộng trước mắt bác sĩ Thái. Thế nhưng, ông đã dứt khoát từ chối rồi trở về quê tiếp tục công việc.

Xã Bình Chuẩn cách trung tâm huyện Con Cuông hơn 40 km, 98% người dân của xã là người Thái. Mỗi khi ốm đau, người dân vẫn còn thói quen mời thầy mo về cúng để đuổi con bệnh. Vì vậy, bác sĩ ở xã vùng cao ngoài việc khám chữa bệnh còn phải tham gia tuyên truyền, vận động người dân chăm lo bảo vệ sức khỏe. Đường sá đi lại xa xôi, cách trở, nhiều lúc phải đi bộ nhiều giờ mới tới bản có người dân sinh sống.

“Làm ở thị xã, thành phố lương cao, điều kiện làm việc tốt, ai mà không muốn. Nhưng cứ nghĩ đến cảnh bà con ở các bản, làng nghèo vẫn tiền mất, tật mang vì thiếu hiểu biết, tin vào hủ tục thì mình lại không đành. Mình quyết định về với bà con” - bác sĩ Thái chia sẻ.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo