xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tan cửa nát nhà vì vay nặng lãi

Bài và ảnh: DUY NHÂN

Hàng trăm hộ dân ở Cà Mau đang đứng trước nguy cơ mất nhà, mất đất vì trót vay tiền tín dụng đen nhưng các cơ quan chức năng chưa thể xử lý

Việc người dân khốn đốn với tín dụng đen ở Cà Mau đã diễn ra trong một thời gian dài. Cuối năm 2015, nhiều người ngụ ở huyện Cái Nước, Thới Bình, Đầm Dơi và TP Cà Mau đã kéo đến một số cơ quan chức năng của tỉnh tố cáo đường dây cho vay nặng lãi của bà Nguyễn Thị Bé Tám (56 tuổi, ngụ xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau). Tuy nhiên, sau quá trình xác minh, các cơ quan này vẫn chưa có biện pháp xử lý đối với các đối tượng cho vay.

Vay 200 triệu đồng, trả 1,2 tỉ đồng

Trong ngôi nhà xập xệ thờ đến 4 liệt sĩ và 2 bà mẹ Việt Nam anh hùng, ông Lư Thái Sơn (58 tuổi, ngụ phường 8, TP Cà Mau) đang mất ăn mất ngủ vì căn nhà sắp bị phát mãi. Vợ chồng ông Sơn không có nghề nghiệp ổn định. Với mức lương thương binh khoảng 2 triệu đồng/tháng, ông Sơn phải nuôi 3 con ăn học và mẹ già bệnh tật. Trong lúc túng thiếu, ông mang giấy tờ nhà thế chấp ngân hàng để vay tiền. Sau một thời gian không có tiền trả lãi, tổng số nợ lên đến hơn 50 triệu đồng nên bị ngân hàng khởi kiện.

Ông Lư Thái Sơn trong căn nhà ở phường 8, TP Cà Mau sắp bị phát mãi
Ông Lư Thái Sơn trong căn nhà ở phường 8, TP Cà Mau sắp bị phát mãi

Trong lúc túng quẫn, ông Sơn cậy nhờ người quen tìm nơi vay tiền để đáo hạn ngân hàng và gặp bà Tám. “Bà Tám nói phải thế chấp nhà, lãi suất 6%/tháng. Quá bức bách, tôi đồng ý thế chấp căn nhà đang ở để vay 70 triệu đồng; thế chấp căn nhà tình nghĩa của mẹ tôi ở phường 2, TP Cà Mau để vay thêm 20 triệu đồng. Hôm giao tiền, bà Tám cùng tôi đi đến ngân hàng lấy giấy tờ nhà ra cho bà ấy giữ” - ông Sơn kể.

Với số nợ vay 90 triệu đồng, lãi suất 6%/tháng đã vượt xa khả năng trả nợ của gia đình ông Sơn. Thế nhưng, ông Sơn vẫn tiếp tục vay thêm nhiều lần với số tiền nợ hơn 200 triệu đồng, với hy vọng sẽ bán nhà để trả, cả gia đình dời sang căn nhà tình nghĩa của mẹ ở. Không lâu sau thì mẹ ông qua đời, ngôi nhà tình nghĩa bị anh em tranh chấp, tòa xử chia đều. Đến nay tổng số tiền gốc và lãi ông nợ bà Tám lên đến 1,2 tỉ đồng. Bà Tám khởi kiện, qua 2 cấp xét xử, tòa tuyên phát mãi nhà và đất của ông với giá 820 triệu đồng trả nợ cho bà Tám. Người trúng đấu giá căn nhà của ông Sơn là người nhà của bà Tám. “Nếu tôi giao nhà thì vẫn còn nợ hơn 400 triệu đồng. Cả đời tôi làm sao trả hết nợ cho bà Tám, trong khi số tiền tôi thực vay chỉ hơn 200 triệu đồng” - ông Sơn buồn bã.

Nhiều chiêu lách luật

Một nạn nhân khác của đường dây cho vay lãi suất “cắt cổ” này là bà Phan Thị Út (ngụ xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau). Đầu tháng 9-2014, bà Út cần vốn để đầu tư nuôi tôm. Các ngân hàng không cho vay nên bà Út thông qua môi giới đến vay của bà Tám 150 triệu đồng, lãi suất 6%/tháng với điều kiện phải làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ). “Khi làm giấy chuyển nhượng QSDĐ, bà Tám ghi khống lên thành 200 triệu đồng, buộc tôi phải ký, nếu không sẽ không nhận được tiền. Trong lúc quá cần tiền và nghe bà Tám nói ghi vậy cho có lệ chứ không tính vào khoản tiền vay nên tôi mới đồng ý ký” - bà Út kể.

Sau đó không lâu, bà Út có nhu cầu vay thêm 100 triệu đồng và thế chấp thêm một phần đất thổ cư. Trong hợp đồng chuyển nhượng cũng ghi 200 triệu đồng. Thất bại mấy mùa tôm, không có tiền trả lãi vay, bà Tám rao bán căn nhà của bà Út.

Tương tự, ông Đoàn Minh Luân (ngụ xã Thới Bình, huyện Thới Bình) vay của bà Tám 200 triệu đồng nhưng khi làm hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ (diện tích 30.000 m2), số tiền vay được ghi khống 320 triệu đồng. Không có tiền trả nợ, ông Luân bị kiện và đến nay đang rất lo lắng sẽ bị mất mảnh đất trên.

Một trong những người làm “cò” cho bà Tám là bà T.T.Th (50 tuổi, ngụ xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước). Bà Th. cho biết ai có nhu cầu vay tiền, bà Tám sẽ làm hợp đồng chuyển nhượng chỉ bằng 1/4, 1/5 giá trị tài sản của người vay và buộc họ làm hợp đồng mua bán đất. Nếu người vay gặp khó khăn, không có tiền trả lãi vay thì bà Tám sẽ sang tên của mình vào tài sản người vay tiền đã thế chấp.

Theo bà Th. từ năm 2013 đến nay, bà đã giới thiệu cho 24 trường hợp vay của bà Tám với tổng số tiền hơn 3,3 tỉ đồng; đồng thời, bà Th. cung cấp cho các cơ quan chức năng 64 giấy chứng nhận QSDĐ của 60 người đang vay tiền của bà Tám.

Điều tra dấu hiệu tội phạm

Trong cuộc họp xử lý vấn đề cho vay nặng lãi vào ngày 10-3, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải quyết liệt xử lý nghiêm nạn cho vay nặng lãi trên địa bàn. Ông Hải cũng lưu ý cơ quan thi hành án nên cân nhắc, tạm dừng thi hành án đối với các gia đình nghèo phải giao tài sản cho các đối tượng cho vay theo phán quyết của tòa án để cơ quan công an điều tra, làm rõ xem có dấu hiệu tội phạm hay không.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo