xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thắm tình đồng đội

Bài và ảnh: LÊ NGA HUYỀN

Trong ánh nắng yếu ớt của buổi chiều vùng biên quạnh quẽ, hình ảnh anh thương binh “hết hạng” ngồi trên xe lăn đi thắp nhang trên mộ đồng đội khiến chúng tôi bật khóc

Theo chân đoàn cựu binh từng chiến đấu trên chiến trường K (Campuchia) tìm mộ đồng đội, chúng tôi đến Tây Ninh. Khi làm việc với Phòng Thương binh - Liệt sĩ thuộc Sở LĐ-TB-XH Tây Ninh, chúng tôi được biết tỉnh này có nhiều nghĩa trang liệt sĩ chôn cất hài cốt của bộ đội tình nguyện VN trên chiến trường K, như: Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu, Gò Dầu... Và, chúng tôi đã chọn Nghĩa trang Liệt sĩ Tân Biên để làm cuộc hành hương.

img
Anh thương binh Nguyễn Văn Thạnh bên mộ liệt sĩ Lê Hiền, người đồng đội thân yêu của mình, ở Nghĩa trang Liệt sĩ Tân Biên


“Lân ơi, sao không thấy anh?”


Chiếc xe chở anh em cựu binh chiến trường K lầm lũi trong chiều mưa tầm tã băng qua thị xã Tây Ninh hướng về Nghĩa trang Liệt sĩ Tân Biên. Nghĩa trang đẹp và trang nghiêm, tọa lạc trên ngọn đồi 82. Người dân địa phương thường gọi đây là “nghĩa trang quốc tế” - chỉ nơi an nghỉ của bộ đội tình nguyện VN từng làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường K.


Ngôi nhà quản trang vắng lạnh, rộng mênh mông, có nhiều căn phòng dành cho thân nhân gia đình liệt sĩ nghỉ ngơi khi đến viếng mộ. Một gia đình đang đi tìm mộ liệt sĩ, đồ đạc để trong nhà nghỉ nhưng không thấy người đâu. Anh Trần Mạnh Hào, tổ phó quản trang Nghĩa trang Liệt sĩ Tân Biên, cho biết đó là gia đình liệt sĩ Nguyễn Thành Ba đang làm các thủ tục chuyển hài cốt thân nhân về quê ở Bắc Giang.


Anh Hào đưa cho chúng tôi xem cuốn sổ ghi danh sách liệt sĩ ở nghĩa trang, xếp theo tỉnh, TP. Các cựu binh dò tìm từng tên liệt sĩ ghi kèm phiên hiệu các đơn vị: Sư đoàn 302, Sư đoàn 309... Những liệt sĩ chỉ còn lại tên tuổi trong cuốn sổ, song với những cựu binh đang dò kỹ từng tên để tìm đồng đội, họ như đang hiện diện trước mặt.


Trong đoàn chúng tôi có thượng tá Nguyễn Quỳnh Phụ, giảng viên Trường Sĩ quan Lục quân 2, đi tìm người đồng đội thân thiết Nguyễn Ngọc Lân. Thượng tá Phụ cho biết năm 1979, tại biên giới K - Thái Lan, trung đội trưởng Nguyễn Ngọc Lân bị mìn cắt cụt cả hai chân nhưng vẫn tổ chức chỉ huy chiến đấu đánh địch phục kích cho đến khi hy sinh. Đó là một câu chuyện bi hùng trong chiến đấu của một trung đội trưởng, là bài học xương máu mà thượng tá Phụ thường đem ra giảng cho các học viên sĩ quan tương lai của mình. Dò mãi trên cuốn sổ nhưng không tìm thấy tên anh Lân, thượng tá Phụ thốt lên: “Lân ơi, tôi đã đi nhiều nghĩa trang rồi, sao không thấy anh?”.


Anh Nguyễn Ngọc Lân, quê ở Cam Ranh - Khánh Hòa, là một trong những liệt sĩ cô đơn nhất mà chúng tôi được biết. Theo thượng tá Phụ, từ khi hy sinh đến nay, chưa có người thân nào tìm thăm mộ của Lân vì chưa biết anh nằm ở nghĩa trang nào. Cách đây vài tháng, thượng tá Phụ về Cam Ranh thăm gia đình Lân như lời hứa với người đồng đội thân thiết của mình trước lúc anh hy sinh. “Đó là một gia đình đơn chiếc, chỉ còn người chị gái lớn tuổi hương khói cho Lân” - thượng tá Phụ ngậm ngùi. Từ Nghĩa trang Liệt sĩ Tân Biên, thượng tá Phụ gọi điện thoại về Cam Ranh cho người chị gái anh Lân. Giọng của một người đàn ông cầm máy ở đầu bên kia thông báo: Chị anh Lân mới mất! Thượng tá Phụ nghẹn ngào: “Vậy là anh Lân vẫn mãi cô độc”...


Nén nhang đầu tiên của đồng đội


Thượng tá Nguyễn Quỳnh Phụ không tìm thấy đồng đội khiến không khí cả đoàn đượm buồn. Tuy nhiên, mọi người nhanh chóng được an ủi khi cựu binh Nguyễn Văn Thạnh - một thương binh 95% - tìm được đồng đội thân yêu của mình: Liệt sĩ Lê Hiền, quê ở Vĩnh Trung, Nha Trang - Khánh Hòa. Anh Thạnh cho biết anh Hiền hy sinh năm 1983, tại Pailin, được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Tân Biên năm 1990, hài cốt táng tại mộ số 30, khu E.

Trời Tân Biên đột ngột dứt mưa. Anh thương binh Nguyễn Văn Thạnh vội vã xoay chiếc xe lăn tìm đến mộ đồng đội. Trong ánh nắng yếu ớt của buổi chiều vùng biên quạnh quẽ, hình ảnh anh thương binh “hết hạng” ngồi trên chiếc xe lăn đi thắp nhang bên mộ đồng đội khiến chúng tôi bật khóc. Anh Trần Văn Dững, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Tây Ninh, quay mặt đi để giấu những giọt nước mắt.


Trong bữa cơm chiều sau đó, anh Trần Văn Dững xúc động: “Tôi không chịu đựng nổi hình ảnh ấy. Hình như đây là nén nhang đầu tiên của đồng đội thắp cho Lê Hiền”. Anh quản trang Trần Mạnh Hào vội nói như an ủi: “Ngày rằm, mùng một hằng tháng, chúng tôi đều thắp nhang cho các anh ở nghĩa trang”.


Vẫn biết vậy, anh em nằm đây đã có người chăm lo chu đáo nhưng có điều gì đó thiêng liêng vấn vít những người cựu binh khiến họ không muốn rời đồng đội ra về.


Về với quê hương


Mấy ngày sau, chúng tôi liên lạc được với gia đình liệt sĩ Nguyễn Thành Ba, thuộc Sư đoàn 302 - Quân đoàn 3, hy sinh năm 1979. Ba mươi năm qua, biết anh đang yên nghỉ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Tân Biên nhưng gia đình chưa thể đến thăm, dù chỉ một lần, vì hoàn cảnh quá khó khăn. Lần này, ông Nguyễn Văn Thậm, 83 tuổi, cha của liệt sĩ Nguyễn Thành Ba, cùng những người thân trong gia đình cố gắng vào Tân Biên.


Ông Nguyễn Văn Quýnh, chú ruột của liệt sĩ Ba, gạt nước mắt thổ lộ: “Gia đình anh chị tôi quá nghèo, mỗi năm để dành một ít lúa, đến nay mới đủ tiền để vào Tây Ninh xin đưa hài cốt cháu Ba về quê ở xã Quế Nham, huyện Tân Yên - Bắc Giang. Giờ thì cháu tôi đã về với cha mẹ, với quê hương...”.


Chúng tôi chợt nhớ vào tháng 3-2009, một nhóm cựu binh của Sư đoàn 309 đã đến Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương để làm thủ tục đưa hài cốt liệt sĩ Hà Văn Tưởng, quê ở quận Thanh Khê - TP Đà Nẵng, yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bình Dương, về với quê hương. Liệt sĩ Tưởng thuộc Tiểu đoàn 2 - Trung đoàn 812 - Sư đoàn 309, hy sinh năm 1979. Anh được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bình Dương từ những năm 1980 nhưng mẹ anh, bà Lê Thị Hương, nay đã 83 tuổi, chưa một lần có điều kiện đến thăm nơi con trai mình yên nghỉ. Theo nguyện vọng của bà Hương, anh em cựu binh Trung đoàn 812 quyết tâm đưa hài cốt liệt sĩ Tưởng về quê và họ đã làm xong nhiệm vụ thiêng liêng ấy.


Mấy năm gần đây, Nhà nước có chính sách hỗ trợ thân nhân liệt sĩ đưa hài cốt con em mình về quê nhà. Đây là một chủ trương thắm đượm nghĩa tình, để những người đã hy sinh cho đất nước được gần gũi với gia đình và nơi chôn nhau cắt rốn. Nhờ chủ trương đó, hàng ngàn liệt sĩ đã về với quê hương. Tuy nhiên, chúng tôi được biết vẫn còn rất nhiều “liệt sĩ cô đơn” ở khắp nơi trên đất nước. Hơn 30 năm qua, nhiều thân nhân, đồng đội vẫn chưa biết họ nằm ở nghĩa trang nào, hoặc biết mà không đủ điều kiện đến thăm viếng. Theo thượng tá Võ Văn Xít, Quân đoàn 4, người có nhiều năm chiến đấu trên chiến trường K, cách tốt nhất để tìm thông tin về liệt sĩ là liên lạc với phòng chính sách của các quân khu. Hy vọng đó là địa chỉ mà các thân nhân liệt sĩ cần biết.

Xót xa


Theo số liệu của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Tây Ninh, hơn 10 năm nay, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh và Quân khu 7 đã quy tập được hơn 2.000 hài cốt liệt sĩ hy sinh trên chiến trường K, hầu hết đều vô danh. Tuyệt đại đa số bộ đội ta hy sinh trên chiến truờng K lúc đầu đều được chôn cất tại chỗ, sau đó mới tổ chức cải táng về các nghĩa trang dọc biên giới hoặc các địa phương, như: Đức Cơ, Gia Nghĩa, Phú Giáo, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang, Long An, TPHCM... Thời gian qua, các quân khu đã tổ chức quy tập hơn 10.000 hài cốt liệt sĩ. Điều đau lòng là hầu hết họ đều vô danh!

img
Rất nhiều liệt sĩ vô danh từ chiến trường Campuchia được quy tập hài cốt về những nghĩa trang dọc biên giới

Đại tá Nguyễn Văn Hồng, nguyên phó tư lệnh Quân đoàn 4, cho rằng trong chiến tranh biên giới Tây Nam, chúng ta vẫn không khắc phục được thiếu sót về công tác chính sách vốn đã tồn tại từ thời chống Mỹ. Công tác lập hồ sơ liệt sĩ thiếu khoa học và có những nhầm lẫn đáng tiếc. Đại tá Hồng dẫn chứng một trường hợp đau lòng mà đến nay ông vẫn còn day dứt: Hơn 50 bộ đội thuộc Trung đoàn 96 - Sư đoàn 309 hy sinh ở Bắc Pailin vào mùa mưa 1984, đến mùa khô 1985 chúng ta mới lấy được hài cốt nhưng tất cả đều không xác định được danh tính.


Vẫn biết do đặc thù chiến trường, công tác cải táng đôi lúc xảy ra những sơ suất đáng tiếc, tuy nhiên, một lần chứng kiến mẹ Đặng Thị Theo ở Quảng Nam đi tìm con trai của mình, một liệt sĩ vô danh, trên khắp các nghĩa trang ở biên giới Tây Nam, chúng tôi vẫn thấy xót xa vô cùng.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo