xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thân cò “nuôi chữ” cho con

Bài và ảnh: Phan Anh

Họ là những người mẹ đơn thân nhưng đã vượt qua biết bao khổ cực chỉ để con ăn học thành tài

Vào một chiều tháng 5, tôi đến hẻm 268 Bis Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM hỏi tìm chị Hồng xe ôm. Theo hướng tay của bà cụ bán thuốc lá đầu hẻm, tôi thấy một phụ nữ đang thoăn thoắt cắt nấm rơm.

Mưu sinh không êm ả

Đó là chị Nguyễn Thị Tuyết Hồng, được UBND TP HCM tuyên dương gia đình hiếu học xuất sắc tiêu biểu. “Dạo này chạy xe ôm ế hơn trước nên buổi chiều, tôi tranh thủ bán bánh canh cua kiếm thêm” - chị Hồng giải thích. “Sao lúc đầu chị không chọn công việc này mà lại làm cái nghề chạy xe ôm?” - tôi hỏi. Chị cười bảo: “Khi đó, làm gì có lựa chọn nào khác hả em”. 16 năm trước, chồng chị bị bệnh xơ gan, nằm điều trị nội trú tại Bệnh viện An Bình. Sau một năm điều trị, chồng chị qua đời, để lại cho người mẹ trẻ 4 đứa con thơ dại, lớn nhất mới 8 tuổi, nhỏ nhất vừa lên 2. Từ đó, chị bươn chải với nghề chạy xe ôm nuôi con. Cuốc xe đầu ngày của chị bắt đầu từ lúc 3 giờ, vòng xe cuối ngày không khi nào kết thúc trước 23 giờ.

Đôi mắt của chị Lâm Thị Lang đang mờ dần vì lo cho các con ăn học
Đôi mắt của chị Lâm Thị Lang đang mờ dần vì lo cho các con ăn học

Cuộc mưu sinh bằng nghề xe ôm với một phụ nữ chưa bao giờ êm ả nhưng người mẹ ấy không cho phép mình gục ngã mà phải nuốt nước mắt vào trong để nuôi các con ăn học nên người. Chính cái mong muốn ấy làm chị không ít lần rơi vào nguy hiểm. Đó là đêm 30 Tết của 4 năm trước, một khách quen nhờ chị chở về Cần Thơ vì không bắt được xe đò. “Đường vào nhà cô ấy nhỏ xíu mà không có đèn. Một bên là sông, gió thổi buốt cả tay, cái đèn pha lại bị cháy. Trở về thành phố trong đêm tối, nhà nhà đang quây quần đón giao thừa, tôi rớt nước mắt khi nghĩ đến các con” - kể đến đây giọng chị nghẹn lại. Đối với chị, hạnh phúc nhất là những đêm khuya nằm cạnh các con. Khi ấy, những câu chuyện về trường lớp, bạn bè được các con đem ra chuyện trò và cũng là lúc chị gieo vào chúng những điều hay lẽ phải. “Đời tôi chỉ học tới lớp 10 nên mong con cái có kiến thức để trụ chân với xã hội. Tôi rất vui vì giờ đứa út đã học lớp 12, những đứa khác thì đang trên giảng đường cao đẳng, đại học” - người mẹ đơn thân trải lòng.

Đôi mắt ấy đã mờ

Một “nội tướng” khác cả đời tận tâm tận lực vì con là chị Lâm Thị Lang. “Thân gái 12 bến nước, trong nhờ đục chịu” - chị bắt đầu câu chuyện. Gần 30 năm trước, chị quen anh rồi kết hôn. Nhà anh ở tận miền Trung, lại nghèo nên ba mẹ chị mua cho hai vợ chồng căn nhà nhỏ trong hẻm trên đường Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10. Nhưng chẳng được bao lâu thì chồng chị cứ đi tối ngày, bỏ bê vợ con. Đêm đêm nằm ôm con nhỏ, chị cứ nơm nớp vì khu vực này khá phức tạp. Thấy vậy, người thân khuyên chị về sống chung trong căn nhà của ba mẹ để lại ở đường Lê Đại Hành, phường 7, quận 11. Cứ tưởng êm xuôi nhưng cái khổ chưa chịu buông tha chị. Sống với nhau mười mấy năm, có hai mụn con nhưng chồng chị chẳng quan tâm gì đến gia đình. Một tay chị phải lo cho các con có cái ăn, cái mặc và được đến trường. Thế nhưng đáp lại, người chồng nhẫn tâm làm đơn ly hôn gửi lên tòa. “Khi tòa án gọi lên giải quyết thủ tục ly hôn, tôi thật sự sốc vì các con còn quá nhỏ, chúng sẽ ra sao khi cha bỏ đi với người khác” - chị Lang rơm rớm nước mắt.

Song chính lúc sóng gió ấy, bản lĩnh, tình yêu thương của người mẹ dành cho các con đã giúp chị đứng lên sau nhiều đêm nước mắt ướt đẫm gối. Mỗi buổi sáng, chị chở con gái lớn là Nguyễn Phúc Thùy Dương tới Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, rồi tiếp tục đưa con gái út Nguyễn Phúc Thùy Anh tới Trường THCS Hậu Giang. Buổi chiều cũng vậy, chị phải chạy hai nơi để đón các con, thời gian còn lại thì kiếm việc làm công. Tiền làm công không đủ trang trải thì tài sản trong nhà cứ thế lần lượt “rủ nhau ra đi”. Khi tài sản cuối cùng là sợi dây chuyền mẹ cho làm của hồi môn cũng rời xa thì chị càng dốc hết sức làm việc như may vá, thêu thùa, dán bì thư … Vì thế, mắt chị mờ dần. “Bác sĩ bảo phải mổ, chi phí hết 4 triệu đồng. Cầm tiền đi mượn về, tôi đắn đo mãi rồi quyết định dùng đóng học phí cho con” - chị Lang tâm sự. Bù lại, hai con chị cũng chẳng bao giờ đòi mẹ mua đồ mới. Thậm chí, khi đi thực tập tại các bệnh viện, con gái đầu của chị cũng chỉ mặc áo blouse cũ của một cô hàng xóm đang công tác ở Bệnh viện Trưng Vương cho.

Dù giờ đây mắt phải bị hư, còn mắt trái đang mờ dần nhưng chị đã thấy được ánh sáng của đời mình khi con gái lớn học thành tài, đang làm bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2; còn cô con gái út đang học lớp kỹ sư tài năng Trường ĐH Bách khoa TP HCM.

Kỳ tới: Cả đời “mài” ngọc

Không cam nghèo chữ

Ông Nguyễn Văn Hanh, Chủ tịch Hội Khuyến học TP HCM, cho biết qua 14 năm phát động phong trào xây dựng gia đình hiếu học, số gia đình hiếu học mỗi năm đều tăng và ngày càng có chất lượng. Các cấp hội đã công nhận, tuyên dương, khen thưởng 760.591 lượt gia đình hiếu học ở phường, xã, quận, huyện và thành phố. Các gia đình luôn quan tâm đầu tư cho việc học tập của con cháu. “Có những gia đình lao động nghèo, thu nhập thấp nhưng vẫn cố gắng chăm lo cho con cháu học nên người” - ông Hạnh nói.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo