xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thực hiện 3 đột phá chiến lược

Nguyễn QUYẾT - Văn DUẨN - Phương NHUNG

Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, xác định rõ các mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu gắn với tăng trưởng kinh tế

Ngày 7-11, với 85,02% đại biểu tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô

Theo đó, nghị quyết thông qua mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện 3 đột phá chiến lược; tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản xuất, kinh doanh; tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế, khuyến khích khởi nghiệp bền vững, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.

Nghị quyết cũng nêu rõ: Giữ thế chủ động chiến lược, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2017 gồm: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6%-7%; tỉ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP; tỉ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1%-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Ảnh: TTXVN

Băn khoăn quy định nổ súng

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Chu Ngọc Anh đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Thẩm tra về dự luật này, ông Phạm Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường, nhận định tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp thời gian qua rất thấp, chưa đạt như mong muốn (10%/năm); một số ngành, lĩnh vực (các nhà máy nhiệt điện, luyện cán thép, khai khoáng…) vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu. Theo ông Chu Ngọc Anh, chúng ta vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị nhưng phần lớn đã lạc hậu 2 - 3 thế hệ, không đi kèm với giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật... Do đó, rất cần thiết phải sửa đổi luật để kiểm soát chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu.

Đáng chú ý, cho ý kiến về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các đại biểu đặt ra nhiều băn khoăn. Đại biểu (ĐB) Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng khái niệm nổ súng còn có cách hiểu khác nhau. ĐB Cầu dẫn khoản 3 điều 21 quy định trước khi nổ súng phải bắn chỉ thiên để cảnh báo. “Vậy bắn chỉ thiên có phải là nổ súng không?” - ĐB Cầu đặt câu hỏi. Theo vị ĐB là giám đốc Công an tỉnh Nghệ An này, các hành vi như sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công lực lượng cảnh vệ, cướp chính quyền, cướp phá trại giam, bắt cóc con tin, tội phạm ma túy có vũ trang thì cần thiết phải phòng vệ sớm.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đánh giá với các đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để tấn công, chống trả hay đe dọa tính mạng, sức khỏe người thi hành công vụ hay người khác thì cần cho phép nổ súng ngay chứ không phải sau khi đã cảnh báo bởi đây là hành vi hết sức nguy hiểm và manh động, nếu không nổ súng kịp thời sẽ gây nguy hiểm cho người thi hành công vụ…

Quy định không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người già trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác… cũng được nhiều ĐB tranh luận. ĐB Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP Hà Nội, góp ý: “Vấn đề này mâu thuẫn với quy định của pháp luật về bình đẳng giới. Mọi công dân có quyền bình đẳng trước pháp luật. Đây là quy định rất khó hiểu” - ông Chính bình luận.

“Đẻ” quá nhiều giấy phép mới

Thảo luận tại hội trường sáng cùng ngày về dự án Luật Quản lý ngoại thương, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nhận xét dự luật đã ôm quá nhiều vấn đề không cần thiết hoặc không hiệu quả. Nó đã khoác thêm nhiều “tròng” quản lý mới đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngoại thương, hạn chế quyền tự do kinh doanh. “Dự thảo cũng “đẻ” ra nhiều loại giấy phép mới. Mục tiêu của luật này tôi hiểu là hệ thống hóa quản lý chứ không phải gia tăng thêm tầng nấc quản lý” - ĐB Lộc ý kiến.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo