xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thương binh giỏi làm giàu

Bài và ảnh: HỒNG ÁNH

Từng vào Nam làm thuê, bán vé số, một thương binh hạng 2/4 đã trở thành đại gia trong làng kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ

Các cựu chiến binh tỉnh Phú Yên xem ông Sáu Lợt (Tô Lợt, SN 1959, phường Xuân Phú, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) là đại gia. Hiện ông sở hữu 2 salon lớn kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ nằm ở vị trí đắc địa của thị xã Sông Cầu. Còn với giới kinh doanh đồ gỗ, ông là số 1 ở thị xã ven biển này.

Tay trắng làm nên

Sau khi xuất ngũ vào cuối năm 1981, ông Lợt trở về quê hương trong tình trạng mắt trái bị hư, thị lực mắt phải chỉ còn 3/10; trên người đầy những vết thương, một số vết vẫn còn mảnh đạn nằm bên trong. Hơn 5 tháng sống ở quê nhà trước bao ánh mắt thương hại, ông bức bối nên xin vào làm thuế vụ và được chuyển đến công tác tại Chi cục Thuế Sông Cầu.

Một salon đồ gỗ mỹ nghệ của thương binh Sáu Lợt
Một salon đồ gỗ mỹ nghệ của thương binh Sáu Lợt

Năm 1987, ông cưới bà Nguyễn Thị Sen ở Sông Cầu. Trận lụt năm 1989, căn nhà nhỏ mà vợ chồng ông dành dụm bấy lâu bị nước lũ cuốn trôi. Cả vợ và chồng ngồi nhìn ngôi nhà giờ chỉ còn nền đất mà nuốt nước mắt.

Những lúc rảnh rỗi, ông Sáu Lợt lại lấy những bức ảnh cũ để hoài niệm về đồng đội
Những lúc rảnh rỗi, ông Sáu Lợt lại lấy những bức ảnh cũ để hoài niệm về đồng đội

“Đồng lương ba cọc ba đồng ngày đó không đủ lo bản thân chứ đừng nói chuyện vun vén cho gia đình. Hơn nữa, tôi cũng thấy mình không hợp với ngành này nên quyết định nghỉ làm nhà nước ra ngoài kiếm sống mới mong dựng lại ngôi nhà cho vợ con” - ông Lợt tâm sự.

Không còn nhà, lại thất nghiệp, ông Lợt dắt vợ vào TP HCM làm thuê. Ông kể thời gian đó, hoàn cảnh vợ chồng ông đúng như câu thơ “Ta dìu nhau đi dưới bóng nợ nần” trong bài Hai hàng me ở đường Gia Long của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên. Tiền vay mượn của bạn bè, hàng xóm để vào Nam làm thuê vẫn không trả được.

“Yêu một thương binh không nghề ngỗng, vậy mà tôi vẫn yêu, chấp nhận bỏ hết để theo ảnh” - bà Sen tủm tỉm cười. Bà cho biết một thời mộng mơ, bà thích lắm những bài thơ tình nhưng lại không thích bài Hai hàng me ở đường Gia Long. Đơn giản vì khi yêu, bà sẽ yêu đến tận cùng chứ không phải để băn khoăn như câu thơ “Em bắt đầu thấy ân hận, chưa em? Vì lỡ nói thương anh, cái thằng quanh năm túng thiếu”.

Ngày ấy, ai thuê gì ông cũng làm, rảnh thì phụ vợ bán vé số nhưng cũng chỉ đủ trả tiền thuê nhà và xoay xở cái ăn. Sau gần nửa năm lặn lội mưu sinh, vợ chồng ông lại trắng tay trở về quê vợ ở Sông Cầu.

Ngày chưa nhập ngũ, ông biết chút ít về thợ mộc, sau khi về quê thì học thêm. Ban đầu, ông chỉ đóng những vật dụng nho nhỏ như bàn ăn, ghế vuông với giá bán rất rẻ. Sau thấy đông khách, ông chuyển sang đóng tủ, giường, rồi lấy lại hàng của các thợ mộc để bán. Họ cho ông nợ, khi nào bán được mới trả tiền. Cứ vậy, kinh tế gia đình ông ngày càng khấm khá.

May mắn thoát chết

Quê ông Sáu Lợt ở huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Ông nhập ngũ năm 1977. Sau khi huấn luyện, ông được đưa về Trung đoàn 812, Sư đoàn 309 làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Những ngày ác liệt đó, đồng đội ông hy sinh rất nhiều.

Không phải đến khi thành đại gia mà ngay từ ngày còn lận đận làm thuê đủ nghề trong cuộc mưu sinh, ông vẫn cho mình là người may mắn. Bởi vì dù không còn lành lặn, ông vẫn còn được sống để trở về quê hương trong khi bao đồng đội đã nằm lại chiến trường.

Theo ông Lợt, ông bị thương vào tháng 2-1980 tại chiến trường Battambang - Campuchia. “Lần ấy, sau ca trực, tôi cùng 2 đồng đội từ chốt trở về căn cứ. Mới rời chốt khoảng 2 km, chúng tôi bị phục kích. Sau hàng loạt đạn AK của địch, tôi cùng 2 đồng đội tấp vào bên rừng để chống trả chờ yểm trợ nhưng không may, đồng đội đi trước vướng phải mìn địch. Anh bị văng lên ngọn cây rồi rớt xuống. Tôi và người khác đi sau đều bị thương nhưng cố xả đạn về phía địch. Ngay sau đó, từ trên chốt, đồng đội phát hiện đã bắn yểm trợ và cử người đến đưa chúng tôi về căn cứ” - ông Lợt kể.

Vì vết thương quá nặng, ông được chuyển từ mặt trận về TP HCM để phẫu thuật. Tại đây, dù phải lên bàn mổ 3 lần, bác sĩ vẫn không lấy hết được mảnh đạn trong người ông. “Tôi giờ như cái đài khí tượng. Mỗi khi trở trời là đau nhức cả người. Bảo đảm là tôi dự báo thời tiết tốt” - ông hóm hỉnh nói.

Người dân thị xã Sông Cầu bảo ông Sáu Lợt là đại gia tiết kiệm. Ông sẵn sàng ủng hộ tổ hội của ngư dân hàng chục triệu đồng nhưng chẳng bao giờ chịu vung tay cho những cuộc nhậu. Ông thích làm từ thiện nhưng nhất quyết không thuê nhân công cho những việc mà mình tự làm được. Chính vì thế, người dân Sông Cầu không lạ khi thấy một đại gia trong làng đồ gỗ mỹ nghệ lại khuân vác, lắp ráp giường cho khách hàng.

“Mình đã quen cái tính chắt chiu. Làm được 2 đồng, chỉ cho phép chi tiêu 1 đồng, đồng còn lại sung vào vốn để phát triển và phòng thân” - ông Lợt thừa nhận. Cũng nhờ cái tính ấy mà ông lo chu toàn cho gia đình, đồng đội. Trong 4 người con của ông, 3 người đã và đang học đại học, còn đứa út vừa mới thi đại học xong.

Kỳ tới: Tàn nhưng không phế

Ân tình với đồng đội

“Làng xóm nể trọng ông Sáu Lợt lắm! Không phải vì ông giàu mà do cái tình. Không đợi chúng tôi vận động, mỗi dịp lễ, Tết, ông đều đóng góp để đền ơn đáp nghĩa. Ông cũng sống rất rộng rãi với đồng đội có hoàn cảnh khó khăn” - ông Đỗ Hồng Quang, chuyên viên phụ trách công tác người có công thuộc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Sông Cầu, nhận xét.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo