xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thủy điện thừa mứa vẫn cố xây

Bài và ảnh: TRẦN THƯỜNG

Dù "vô địch" cả nước với 42 công trình thủy điện nhưng các địa phương ở Quảng Nam vẫn đề xuất bổ sung 18 thủy điện vào quy hoạch, trong đó 4 dự án được cho phép làm trước

Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, vừa ký tờ trình gửi HĐND tỉnh đề nghị ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 161/2010 của HĐND tỉnh về Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn. Tờ trình này dự kiến trình HĐND tỉnh Quảng Nam xem xét thông qua tại kỳ họp diễn ra vào đầu tuần tới.

Bỏ 2, xin thêm 4

Theo tờ trình nêu trên, UBND tỉnh Quảng Nam muốn loại bỏ khỏi quy hoạch Thủy điện Nước Xa (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My; công suất dự kiến 1,2 MW, điện lượng dự kiến 5,97 triệu KWh/năm) và Thủy điện Ag Rồng (xã A Tiêng, huyện Tây Giang; công suất dự kiến 1 MW, điện lượng dự kiến 4 triệu KWh/năm). Nguyên nhân là vì 2 thủy điện này lấn chiếm đất rừng quá lớn (Ag Rồng 35,66 ha, Nước Xa 39,5 ha), vi phạm Thông tư 43/2012 của Bộ Công Thương (không quá 10 ha/MW và di dời không quá 1 hộ dân/MW).

Đáng chú ý là cùng với đề xuất loại 2 thủy điện trên, UBND tỉnh Quảng Nam lại muốn đưa vào quy hoạch 4 thủy điện tại huyện Nam Trà My với tổng công suất 78,8 MW. Đó là các thủy điện Trà Linh 1, Tăk Lê, Nước Lah và Trà Leng. Tổng diện tích lấn chiếm đất của 4 thủy điện này là 144,27 ha, trong đó đất lâm nghiệp 60,1 ha.

Theo giải trình của UBND tỉnh Quảng Nam, các địa phương trong tỉnh đề nghị bổ sung 18 dự án thủy điện với tổng công suất 231,1 MW vào quy hoạch. Trong đó, huyện Nam Trà My đề nghị bổ sung 7 dự án với tổng công suất 115,2 MW. Qua xem xét, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định bổ sung 4 dự án thủy điện Trà Linh 1, Tăk Lê, Nước Lah và Trà Leng để làm trước.

Thủy điện thừa mứa vẫn cố xây - Ảnh 1.

Một góc huyện miền núi Nam Trà My, nơi vừa được tỉnh Quảng Nam đề xuất xây 4 thủy điện

Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, đến nay, toàn tỉnh có 32 dự án thủy điện với tổng công suất 450,76 MW, điện lượng bình quân 1.755,16 triệu KWh/năm được đưa vào quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ. Trong đó, ngoài 2 thủy điện Ag Rồng và Nước Xa, 11 công trình đã phát điện, 4 công trình đang đầu tư xây dựng, 14 dự án triển khai đầu tư trong năm 2017 và 1 dự án bị thu hồi.

Ngoài ra, trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn còn có 10 dự án thủy điện bậc thang với tổng công suất 1.156 MW, điện lượng bình quân 4.444,52 triệu KWh/năm được Bộ Công Thương phê duyệt. Bảy trong số 10 công trình này đã phát điện, còn 3 công trình đang xây dựng. Như vậy, sau khi điều chỉnh quy hoạch, nếu chấp thuận làm thêm 4 dự án, toàn tỉnh Quảng Nam sẽ có tới 43 thủy điện lớn, nhỏ.

"Phải tính toán kỹ"

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho rằng việc xây 4 công trình thủy điện nêu trên là cần thiết. Bởi lẽ, hiện trên địa bàn huyện Nam Trà My, tỉ lệ hộ dùng điện chưa đến 30% trên tổng số dân. Trong khi đó, 4 thủy điện này chiếm ít diện tích rừng, không ảnh hưởng rừng nguyên sinh, chỉ ảnh hưởng hơn 2 ha rừng phòng hộ và không di dời hộ dân nào. Ông Bửu còn khẳng định toàn bộ nguồn nước các thủy điện này đều đổ về Thủy điện Sông Tranh 2 nên không gây ngập úng cho hạ du.

"Hiện nay, điện ở Nam Trà My cứ chiều chiều là tắt, mùa mưa thì tắt điện cả tuần là bình thường vì chỉ có 1 đường dây 35 KV kéo từ Tam Kỳ lên. Muốn phát triển kinh tế nhưng sáng có điện, chiều tắt thì rất khó… Làm việc gì có 2 mặt nhưng xét về toàn cục, tôi thấy mặt hại quá nhỏ so với mặt lợi" - ông Bửu lý giải.

Trong khi đó, ông Hồ Thanh Bá, nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Trà My, cho rằng cần phải tính toán kỹ. Trong nhiệm kỳ trước, khi còn đương chức, chính ông từng từ chối thẳng thừng một số nhà đầu tư đến địa phương đặt vấn đề xây dựng thủy điện.

Theo ông Bá, ở vùng cao Nam Trà My, cuộc sống người dân gắn liền với sông suối, xây dựng thủy điện làm cho đất sản xuất bị thu hẹp, dẫn đến phá rừng làm rẫy. "Dự án nào cũng phải bảo đảm cuộc sống của người dân. Nếu lại làm thủy điện thì diện tích đất ven sông sẽ bị ngập khiến bà con phải tăng cường đi phát rẫy để mưu sinh. Trước đây đã có dự định làm Thủy điện Sông Tranh 1 nhưng chính huyện đã kiên quyết không cho làm" - ông Bá phản đối.

Ông Võ Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam, cho biết tại kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới, vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận kỹ. "Quan điểm của tỉnh là không đánh đổi môi trường, không đánh đổi rừng bằng mọi giá để phát triển kinh tế mà phải xem xét một cách kỹ lưỡng" - ông Hồng khẳng định. 

Vẫn chưa rõ nguyên nhân sự cố Thủy điện Sông Bung 2

Ngày 13-7, ông Ngô Việt Hải, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát điện 2 (chủ đầu tư Thủy điện Sông Bung 2), cho biết ông đang rất nóng lòng chờ Bộ Công Thương kết luận nguyên nhân sự cố vỡ hầm dẫn dòng Thủy điện Sông Bung 2 (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) xảy ra gần 1 năm trước. Ông Hải cho rằng việc chưa xác định được nguyên nhân sự cố khiến đơn vị rất khó khăn khi thực hiện phương án phòng chống bão lụt cũng như chưa được tích nước.

Trước đó, vào ngày 13-9-2016, trong lúc đang được thi công, hầm dẫn dòng Thủy điện Sông Bung 2 bất ngờ vỡ khiến 2 người chết; nhiều nhà cửa, tài sản của người dân bị cuốn trôi.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo