Vẫn chưa xác định nguyên nhân (!)
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản kiêm Phó Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ, cho biết như vậy
* Phóng viên: Vì sao đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây tôm chết hàng loạt, thưa ông?
- Ông Phạm Anh Tuấn: Đúng là đến thời điểm này vẫn chưa xác định được nguyên nhân cuối cùng gây dịch bệnh ở tôm. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là việc sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật là tác nhân dẫn đến tôm bị nhiễm độc gây hoại tử gan tụy. Thế nhưng, đây không phải là nguyên nhân duy nhất, chúng tôi nghi ngờ còn có thể do vi sinh nhưng các nhà khoa học Việt Nam cũng như quốc tế chưa có đủ cơ sở để khẳng định điều này. Do vậy, phải cần thêm thời gian để nghiên cứu.
* Có thông tin Việt Nam đã mời các chuyên gia quốc tế hỗ trợ trong việc tìm nguyên nhân gây bệnh ở tôm?
- Hiện chúng tôi đã mời các chuyên gia Mỹ, Thái Lan, Malaysia… cùng nghiên cứu. Trước đó, chúng tôi vẫn thường xuyên hợp tác bằng cách chuyển mẫu cho các cơ quan kiểm tra nước ngoài cùng xét nghiệm tìm nguyên nhân làm tôm chết. Cho đến nay, đây là vấn đề mới nên các nhà khoa học chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng.
* Tình trạng tôm chết vẫn đang ở mức nghiêm trọng, vậy làm thế nào để giúp người nuôi giảm thiệt hại?
- Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy dịch bệnh đang “dịu” dần, tỉ lệ tôm nhiễm bệnh đã ít hơn. Một phần là do thời tiết gần đây dễ chịu hơn, đã có mưa chứ không còn nắng nóng gay gắt như trong 2 tháng 4 và 5. Tuy nhiên, trong vài ngày tới, chúng tôi sẽ gửi đến các địa phương hướng dẫn về phòng trừ dịch bệnh cho tôm. Việc làm này cũng chỉ nhằm nhắc lại vì khoảng 3-4 tuần trước đây, chúng tôi đã có hướng dẫn tương tự.
* Theo ông, những người nuôi tôm cần chú ý điều gì trong thời điểm này?
- Chúng tôi khuyến cáo người nuôi tôm cần có ao lắng, ao lọc xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi, chứ không xử lý trực tiếp các loại hóa chất, vi sinh xuống ao. Người nuôi không sử dụng thuốc diệt giáp xác cypermethrin trong ao nuôi. Ngoài ra, cũng nên dãn mật độ nuôi tôm. Trong khi “thủ phạm” gây bệnh vẫn chưa được xác định thì tốt nhất không nên nuôi tôm với mật độ quá dày.
* Không ít hộ nuôi tôm đang điêu đứng vì tôm chết, vậy các phương án hỗ trợ người nuôi tôm sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Các địa phương sẽ căn cứ tình hình công bố dịch bệnh để có những đề xuất hỗ trợ cho người nuôi tôm theo quyết định hỗ trợ rủi ro nông nghiệp. Còn những hộ tham gia bảo hiểm cũng sẽ được cơ quan bảo hiểm thanh toán theo quy định.
NGỌC DUNG thực hiện |